Tối ưu hóa thời gian trong tố tụng trọng tài
Hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiện nay đang đối mặt với không ít thách thức từ thực tiễn, đặc biệt là vấn đề thời gian.

Hội thảo "Quản trị thời gian trong tố trọng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện". Ảnh: ULAW
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa phối hợp cùng Trường Đại học Luật TPHCM và Đoàn Luật sư TP HCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”.
Sự kiện là một phần trong chuỗi hội thảo chuyên đề và diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2025, nhằm tạo không gian trao đổi chuyên môn, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại Việt Nam.
Theo thống kê từ VIAC, năm 2024 ghi nhận 478 vụ tranh chấp được thụ lý – một con số ấn tượng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng, hoạt động trọng tài cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề kéo dài thời gian tố tụng.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu khai mạc hội thảo.
PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa – Thành viên Hội đồng Trung tâm VIAC nhấn mạnh: "Quản trị thời gian hợp lý không nằm ở việc rút ngắn hay kéo dài, mà là tổ chức các công đoạn tố tụng một cách khoa học, không trùng lặp, đảm bảo lợi ích các bên liên quan".
Theo ông, việc sử dụng các công cụ quản trị thời gian hiệu quả là yếu tố then chốt trong nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp.
Thực tế cho thấy nhiều yếu tố đang khiến quá trình tố tụng bị trì hoãn, như yêu cầu hoãn phiên họp, kéo dài thời gian nộp chứng cứ, bản tự bảo vệ và các tài liệu liên quan.
Hội thảo đã tập trung thảo luận hai công cụ đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới để xử lý vấn đề này: phân nhánh vụ tranh chấp và thủ tục rút gọn.
Về kỹ thuật phân nhánh, TS - Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC) cho biết, hội đồng trọng tài cần xem xét giữa thẩm quyền và nội dung vụ việc, phân biệt rõ vấn đề tiên quyết và vấn đề phụ, đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa các bên.

TS - Luật sư Lê Nết - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC.
Cùng quan điểm, TS - Luật sư Lars Markert (Công ty Luật Nishimura & Asahi Tokyo) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong các vụ tranh chấp đầu tư, nơi nhà đầu tư thường vướng vào các rào cản thẩm quyền từ phía cơ quan nhà nước – trường hợp điển hình cần áp dụng phân nhánh để tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Việt Anh (Công ty Luật ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC) cảnh báo: "Không phải lúc nào phân nhánh cũng hợp lý. Trong một số vụ việc, yêu cầu phân nhánh có thể bị lợi dụng để kéo dài thời gian tố tụng".
Về thủ tục rút gọn – một xu hướng ngày càng phổ biến với các tranh chấp đơn giản, ít phức tạp – các diễn giả cho rằng đây là giải pháp thiết thực giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực.
LS Nguyễn Thị Thanh Minh (ACSV Legal) đề xuất Việt Nam nên tiếp cận thủ tục này dựa trên hai tiêu chí: sự đồng thuận của các bên hoặc giá trị tranh chấp đạt mức giới hạn cụ thể.
Bà cũng kiến nghị hội đồng trọng tài chỉ gồm một trọng tài viên và nên xét xử dựa trên bản đệ trình, không tổ chức phiên họp, nhằm đơn giản hóa quy trình.
Hội thảo còn ghi nhận nhiều góp ý mang tính quốc tế, góp phần mở rộng góc nhìn và định hướng áp dụng hiệu quả các công cụ thời gian trong trọng tài thương mại tại Việt Nam.