Tôi ủng hộ...
Lâu lâu mới có việc phải lên thành phố, ông Tư không khỏi lo lắng. Phần vì có tuổi, không còn nhanh chân, tinh mắt, phần vì ông vẫn còn ám ảnh bởi một biến cố xảy ra với gia đình. Nhưng rồi, việc phải đi thì ông cũng không thể đừng.
Ông Tư là hàng xóm cũng là bạn vong niên của bố tôi. Cả ông và bố tôi đều thích uống trà. Và ông thường nói, trà ngon phải có bạn hiền, uống trà một mình... nhạt miệng. Bên ấm trà chiều, hai người đàn ông có tuổi cứ thủ thỉ tâm tình, từ chuyện gia đình đến chuyện làng xóm... Ông Tư tốt tính và thẳng thắn nên nhiều người cho là khó tính, nhưng ông lại hợp với bố tôi, dù bố tôi ít tuổi hơn ông. Bố tôi thường bảo, con người mỗi người mỗi tính, quan trọng là đừng dối trá, phải lấy sự thành thật mà đối đãi với nhau thì mới được lâu bền.
Số ông Tư cũng vất vả. Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng ông lam lũ. Dẫu vậy, ông Tư là người biết nghĩ, sống rất tình cảm, hiểu lý lẽ. Tôi cũng quý ông vì lẽ đó. Có một chuyện xảy ra khá lâu, đến giờ tôi hẵng còn nhớ. Đó là khi tôi còn nhỏ, có lần vì bất đồng việc gia đình, bố tôi to tiếng, cục cằn với mẹ. Biết chuyện, khi sang chơi ông Tư đã khuyên nhủ bố tôi nhiều điều và ông nói với bố tôi, đại ý, các bà vợ vất vả vì gia đình nhiều hơn chúng ta nghĩ, nhà ai cũng có lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt, nhưng tôi với chú là đàn ông, phải thương lấy vợ con mình, người một nhà, hà tất phải hơn thua...
Có lẽ cũng bởi sự biết nghĩ ấy, mà suốt nhiều năm, hàng xóm chưa từng một lần nghe thấy sự to tiếng của vợ chồng ông Tư. Nhưng rồi, gần 10 năm trước, khi cuộc sống tưởng chừng đã bớt vất vả hơn thì tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mệnh của vợ ông Tư. Một chiếc xe máy đi ngược chiều đã tông vào khiến bà không qua khỏi. Sau khi vợ qua đời, ông Tư suy sụp nhiều. Người đàn ông từng trải trở nên câm lặng, ít nói. Cũng từ biến cố ấy, mỗi khi xem ti vi hay nghe đài báo nói về tai nạn giao thông, ông Tư lại không nén được tiếng thở dài.
Vậy nên, mỗi lần có việc phải lên phố thị, ông Tư lại lo ngại. Ông bảo, xe cộ cứ vun vút bất chấp đèn tín hiệu, rồi thì lạng lách, đánh võng thật sự nguy hiểm. Nhưng lần này lên phố về, ngoài chuyện công việc, ông Tư còn chia sẻ với bố tôi về những thay đổi tích cực của tình hình an toàn giao thông.
Cái Nghị định mới về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ vậy mà hay, hiệu quả trông thấy chú ạ. Tôi lên phố lần này, đi đường thấy đã thay đổi nhiều. Gần tết nên đường đông phương tiện tham gia giao thông hơn nhưng hầu như ai cũng chấp hành nên đi đường, sang đường cũng an toàn hơn, không giật mình thon thót nữa. Không ai dám vi phạm vì sợ bị phạt. Đành rằng mức phạt có phần nặng hơn trước, nhưng cũng phải như thế mới đủ sức răn đe... Rồi sẽ đến một ngày, việc chấp hành pháp luật về giao thông sẽ trở thành thói quen - văn hóa thôi. Đấy chú xem, ngày trước mình ra đường mấy khi đội mũ bảo hiểm, thế mà bây giờ, ra đường mà không đội mũ trên đầu, sợ bị phạt đã đành, nhưng cũng tự thấy mình thiếu ý thức ấy - ông Tư hào hứng chia sẻ.
Rồi ông Tư bảo, bắt đầu từ đầu năm 2025 này, công an xã được tuần ra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn đấy. Mà cũng phải như thế, chứ ai đời dân ta nhiều người tính tùy tiện, lên phố thì chấp hành nghiêm, mà ở địa phương thì lại xem nhẹ. Đấy chú cứ xem ở các khu vực cổng trường học vào hai buổi sáng chiều, người lớn đưa đón con cháu, lộn xộn lắm. Nhiều người không đội mũ bảo hiểm đã đành, lại còn đứng tràn hai bên đường không cho ai đi lại... Nên là, bên cạnh tuyên truyền, cứ phải có quy định xử phạt rõ ràng thế này thì ai cũng phải chấp hành thôi. Vậy nên, không muốn bị phạt thì cứ chấp hành nghiêm. Tôi là tôi ủng hộ các quy định để xã hội tốt lên.