Ai cần tiêm uốn ván chủ động?
Uốn ván không lây lan từ người này sang người khác. Thông thường, nó xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương trên da hoặc vết thương hở trong điều kiện yếm khí, bào tử giải phóng một loại độc tố dẫn đến đau cơ và cứng khớp.
Ai cũng có thể bị uốn ván nhưng đặc biệt phổ biến và nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng đầy đủ bằng vắc xin có chứa giải độc tố uốn ván
Biểu hiện bị uốn ván
Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất. Dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Kế tiếp các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi. Do co cứng liên tục các cơ mặt, tạo ra một vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười khẩy, cười nhăn. Co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong, ưỡn lưng.
Ở một số bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ.
Rối loạn hệ thần kinh thực vật như huyết áp tăng thất thường, hay thường xuyên; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim; sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm và ly giải cơ vân.
Uốn ván ở trẻ sơ sinh, thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu: trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng; thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Ai cần tiêm uốn ván chủ động?
Mọi vết thương hở, trầy xước hay rách da đặc biệt các vết thương gây ra do các vật sắc nhọn như đinh gỉ, cành cây,… đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng, các loại vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván cao cần được tiêm phòng khẩn cấp, càng sớm càng tốt.
Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là trong 24 giờ đầu sau khi bị thương. Tuy nhiên, việc tiêm phòng sau 24 giờ vẫn hữu ích nhưng nguy cơ phát bệnh, biến chứng và thậm chí tử vong sẽ tăng cao dần.
Đối với trẻ em
Trẻ cần được tiêm tổng cộng 5 mũi vào các thời điểm sau:
Trẻ dưới 1 tuổi: Tiêm khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Khi trẻ 15 - 20 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại lần đầu.
Sau 5 - 10 năm tiêm nhắc lại một liều.
Đối với người lớn
Những người lớn làm việc trong môi trường có nguy cơ cao gặp tai nạn lao động như công nhân vệ sinh môi trường, người thường xuyên làm việc tại chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, người làm vườn, làm việc ở các trang trại, nông trường… cần tiêm phòng vắc xin uốn ván.
Đối với người lớn, vắc xin tiêm phòng bệnh uốn ván được khuyến cáo tiêm 3 mũi cơ bản với mũi 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và mũi thứ 3 tiêm cách mũi 2 là 6 tháng, mỗi 5-10 năm sẽ tiêm nhắc 1 lần.
Phụ nữ mang thai
Tiêm phòng uốn ván cho mẹ cũng hỗ trợ sang cơ thể trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván cho trẻ sau khi sinh
Thông thường tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai là 5 mũi, trong đó đối với phụ nữ lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản. Cụ thể:
Mũi 1: Cần tiêm phòng sớm khi mới có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chưa nhận được liều vắc xin uốn ván nào.
Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi đầu tiên và tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi thứ 2 hoặc trong lần mang thai sau.
Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi thứ 3 hoặc trong lần mang thai sau.
Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau mũi thứ 4 hoặc trong lần mang thai sau.
Riêng với phụ nữ mang thai lần đầu, chưa từng tiêm phòng uốn ván hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin, sẽ tiêm 2 mũi vào các thời gian sau:
Mũi tiêm 1: Tiêm khi thai kỳ trên 20 tuần trở lên.
Mũi tiêm 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 30 ngày, trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Với phụ nữ đã tiêm ngừa đủ 5 mũi uốn ván, mang thai lần tiếp theo với thời điểm tiêm mũi cuối trước 10 năm thì không cần phải tiêm phòng uốn ván trở lại. Tuy nhiên, nếu thời gian tiêm phòng đã trên 10 năm thì nên tiêm nhắc lại 2 mũi nữa. Nếu thai kỳ trước, mẹ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván cách không quá 10 năm thì nên tiêm 1 mũi vắc xin từ tuần thai 20 trở đi.