Tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 5 đại học quốc gia

Tới năm 2030 sẽ phát triển thêm 3 đại học quốc gia nữa, trên cơ sở của Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ngày 7/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm, lấy ý kiến góp ý kiến dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi tọa đàm này.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó bao gồm 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc địa phương), 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư của nước ngoài.

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp, với nhiều mô hình quản trị và quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh, khi số lượng các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các Bộ, ngành mà không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo có tỷ lệ cao.

Số lượng các trường đại học địa phương khá lớn, trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.

Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, tới năm 2030 sẽ phát triển thêm 3 đại học quốc gia nữa, trên cơ sở của Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Như vậy, tới năm 2030, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì đây sẽ là các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á, có ít nhất 20 lĩnh vực nằm trong top 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đại học quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt, vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.

Tọa đàm về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm diễn ra ngày 7/12 (ảnh: V.D)

Tọa đàm về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm diễn ra ngày 7/12 (ảnh: V.D)

Cũng theo dự thảo này, tới năm 2030, phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.

Cũng theo dự thảo này, tới năm 2030, toàn quốc sẽ có 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên. Cụ thể: 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng, khu vực, tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên trên toàn quốc.

Khoảng 22 trường đại học (hầu hết đều là các trường trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh) đào tạo, đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương, và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.

Phát triển Trường Đại học Việt – Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Việt – Nhật trở thành các trường đại học quốc tế xuất sắc, tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiềm năng, thu hút một tỷ lệ lớn giảng viên, sinh viên, học viên quốc tế tới làm việc, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm từ năm 2021 – 2030 là thực sự là một bài toán khó.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, việc quy hoạch này phải dựa trên hệ thống sẵn có, phải bảo đảm sự xáo trộn ít nhất, nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao nhất.

Mục tiêu của việc quy hoạch còn có nhiều yếu tố ràng buộc (quy hoạch vùng, định hướng phát triển, các yếu tố đang tồn tại, tính khả thi, yếu tố nguồn lực)…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, lời giải cuối cùng của bản quy hoạch này chỉ có thể gọi là tối ưu, chứ không thế tốt nhất, không thể đáp ứng được mọi mục tiêu, mọi mong đợi của các bên có liên quan.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, phạm vi của bản quy hoạch này là việc sắp xếp lại không gian, định hướng phát triển và xác định nguồn lực để thực hiện (tự chủ đại học, chuyên môn đào tạo, nghiên cứu).

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/toi-nam-2030-viet-nam-se-co-5-dai-hoc-quoc-gia-post239741.gd
Zalo