Tôi học từ Bác cách sống giữa người với người

Tinh thần yêu kính, tôn trọng con người và cách xây dựng mối quan hệ trong công việc, cuộc sống là bài học lớn nhất mà TS Chu Đức Tính đúc rút được sau 30 năm nghiên cứu về Bác.

 Postcard kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do công ty Đông A thực hiện dành tặng độc giả. Ảnh: Đông A.

Postcard kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do công ty Đông A thực hiện dành tặng độc giả. Ảnh: Đông A.

"Các đồng chí rất có vinh dự khi suốt ngày được nghiên cứu về Bác, được làm việc trong môi trường của Bác" - câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến nay vẫn còn in sâu trong tâm trí TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Với ông, hành trình 30 năm tìm hiểu về cuộc đời của Bác qua sách vở, tư liệu hay qua câu chuyện của những kiều bào, bạn bè quốc tế là một cơ may để ông có thể học tập từ Người.

Nhân dịp kỷ niệm 135 kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Chu Đức Tính đã có cuộc trao đổi với Tri Thức - Znews về ba thập kỷ theo dấu chân Bác. Trên con đường đó, ông đã thấy tình cảm của những người cách xa Việt Nam hàng nghìn cây số, giá trị từ các cuốn sách của Người để lại và một lẽ sống đẹp.

Tình cảm của kiều bào dành cho Bác Hồ

 TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Huy.

TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Huy.

- Thưa TS Chu Đức Tính, trong quá trình công tác của mình và sau này, ông đã đến những không gian Hồ Chí Minh nào trên thế giới? Đâu là nơi ông cảm thấy đặc biệt nhất?

- Tôi đã có cơ hội đến thăm nhiều không gian Hồ Chí Minh ở nước ngoài, nơi khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất là Bảo tàng Lịch sử sống tại thành phố Montreuil, tỉnh Seine-Saint-Denis, Pháp. Ở đó, Đảng Cộng sản Pháp đã phục dựng lại căn phòng 9 mét vuông mà Bác Hồ từng sống và làm việc những năm đầu thập kỷ 1920 tại số 9 ngõ Compoint, quận 17, Paris.

Có một câu chuyện rằng trước đây, căn nhà này từng được Chính phủ Pháp ngỏ ý bán lại cho chúng ta vào khoảng những năm 60. Khi hay tin, những người Việt Kiều trên đất Pháp đã đến xin lại những hiện vật gốc như táp-đề-luy (tủ đầu giường), tủ quần áo, số nhà “9” hay cánh cửa ra vào… Cho đến nay chúng đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử sống tại thành phố Montreuil, tỉnh Seine-Saint-Denis, Pháp. Ảnh: TTXVN.

Bảo tàng Lịch sử sống tại thành phố Montreuil, tỉnh Seine-Saint-Denis, Pháp. Ảnh: TTXVN.

- Vậy từ căn nhà số 9 ngõ Compoint đó, chi tiết nào được ông nghiên cứu và cảm thấy ấn tượng?

- Trong quá trình nghiên cứu về căn nhà số 9 ngõ Compoint, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại Paris, chi tiết khiến tôi xúc động và ghi nhớ nhất chính là viên gạch sưởi. Căn phòng nhỏ 9 mét vuông của Bác khi ấy không có bếp, không hệ thống sưởi, hoàn toàn thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt. Viên gạch ấy được Bác đem nhờ người hàng xóm đặt vào lò nướng bánh từ sáng sớm để hấp thụ hơi ấm, tối về viên gạch tỏa ấm trong căn phòng của Bác.

Trước đây, tôi từng nghĩ đó là một viên gạch xây dựng bình thường. Chỉ đến khi Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM trao tặng viên gạch sưởi chuyên dụng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi mới hiểu rõ đây là vật dụng dành riêng cho người lao động nghèo ở Paris xưa.

- Qua không gian đó, ông cảm nhận được tình cảm quốc tế và kiều bào dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

- Tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc và chân thành mà kiều bào và bạn bè quốc tế, đặc biệt là nhân dân Pháp, dành cho Bác Hồ. Những người cộng sản Pháp tình nguyện gìn giữ khu di tích với sự trân trọng đặc biệt. Họ là những lão thành từng xuống đường ủng hộ Việt Nam trong thập niên 1960, họ từng là lớp thanh niên từng trưởng thành từ phong trào phản chiến. Họ là những công dân Pháp mang trong tim lòng kính yêu đối với vị lãnh tụ Việt Nam vì độc lập dân tộc và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Cảm xúc ấy càng lắng sâu khi tôi chứng kiến cảnh các đoàn đại biểu Việt Nam, nguyên thủ quốc gia, người Việt xa xứ vẫn đến thăm di tích như một hành trình tri ân. Dẫu thời gian trôi đi, không gian ấy vẫn hiện hữu như một biểu tượng sống động của tình đoàn kết quốc tế, của niềm tin và sự đồng cảm vượt qua biên giới và thời gian.

Những ấn phẩm còn vẹn nguyên giá trị

- Có thể nói, Pháp là nơi đã lưu dấu ấn đậm nét các hoạt động của Bác Hồ, nổi bật trong đó là sự ra đời của "Bản án chế độ thực dân Pháp" - tác phẩm được những người đồng chí của Bác xuất bản khi Bác đã đến Quảng Châu. Ông có cảm nghĩ gì khi nghiên cứu về văn bản này?

- Tác phẩm được xuất bản năm 1925 tại Paris, thời điểm Bác đã sang Quảng Châu, nhưng bản thảo là do chính tay Bác viết trong những năm tháng sống và hoạt động giữa lòng nước Pháp. Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc là giọng văn giản dị, dứt khoát mà đầy sức thuyết phục.

Bác không chỉ vạch trần bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, mà còn khơi dậy tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do cho hàng triệu con người bị áp bức. Cảm giác như từng câu chữ trong tác phẩm là lời tuyên án đanh thép mà Bác gửi tới chế độ thực dân.

 Tác phẩm Đường Kách Mệnh bản đặc biệt được ra mắt bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: CXBIVPH.

Tác phẩm Đường Kách Mệnh bản đặc biệt được ra mắt bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: CXBIVPH.

- Nói về những ấn phẩm bất hủ, ta cũng phải nhắc tới tác phẩm "Đường Kách Mệnh" ra đời trong thời gian Bác ở Trung Quốc. Ông có cảm nhận ra sao khi đọc tác phẩm này trong bối cảnh hiện nay?

- Xuất bản năm 1927, tác phẩm là tập hợp những bài giảng của Bác dành cho lớp cán bộ yêu nước đầu tiên của Việt Nam. Phần đầu tiên, Bác đề cập đến những bài học về đạo đức cách mạng. Điều này được coi là nền tảng không thể thiếu của người làm cách mạng. Từ tư cách cá nhân đến quan hệ với tập thể, Bác đều đặt ra yêu cầu rõ ràng, sâu sắc.

Qua việc phân tích các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, Bác khẳng định con đường cách mạng vô sản mới là con đường chân chính, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân lao động. Tư tưởng “muốn cách mạng thành công thì phải có Đảng lãnh đạo” được Bác nhấn mạnh từ rất sớm, cho thấy tầm nhìn vượt thời đại.

Gần một thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại Đường Kách Mệnh, tôi vẫn cảm nhận được sức sống mạnh mẽ và tính thời sự của nó.

 Sách Sửa đổi lối làm việc. Ảnh: NXB Trẻ.

Sách Sửa đổi lối làm việc. Ảnh: NXB Trẻ.

- Ngoài hai tác phẩm kể trên, cuốn sách nào của Người gây ấn tượng sâu sắc với ông?

- Tôi nghĩ rằng một trong những tác phẩm không thể không nhắc đến chính là Sửa đổi lối làm việc ra đời năm 1947. Bác dạy những người cán bộ phải sửa đổi cách làm để đáp ứng nhiệm vụ đất nước. Nhiệm vụ ngày đó có thể khác bây giờ nhưng những việc cán bộ phải làm thì không bao giờ thay đổi.

Đó là học cách ứng xử giữa những người đồng chí với nhau, giữa cán bộ và nhân dân. Nội hàm của từng bài học cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

- Đối với cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc", trong bối cảnh hiện nay, những bài học từ tác phẩm có ý nghĩa như thế nào?

- Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng và Nhà nước đang quyết liệt tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc đọc lại Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang lại nhiều bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc.

Sửa đổi lối làm việc cho thấy rằng con người là yếu tố then chốt. Không có một tổ chức vững mạnh nếu đội ngũ cán bộ không đủ tâm - tầm - tài, không rèn luyện đạo đức cách mạng và không tuân thủ nguyên tắc tập thể.

TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ viết ra cuốn sách này trong thời điểm Đảng đứng trước những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Điều đó cũng đang đúng với Việt Nam hôm nay, khi chúng ta bước vào giai đoạn bản lề để vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, tổ chức lại bộ máy, chọn đúng người, giao đúng việc và siết chặt kỷ luật làm việc.

Sửa đổi lối làm việc cho thấy rằng con người là yếu tố then chốt. Không có một tổ chức vững mạnh nếu đội ngũ cán bộ không đủ tâm - tầm - tài, không rèn luyện đạo đức cách mạng và không tuân thủ nguyên tắc tập thể.

 Một góc trưng bày tại Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ảnh. Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ảnh. Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Sau bao nhiêu năm nghiên cứu, ông học được điều gì từ Bác?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nói một câu rất giản dị nhưng sâu sắc: “Các đồng chí rất có vinh dự khi suốt ngày được nghiên cứu về Bác, được làm việc trong môi trường của Bác”.

Quả đúng là như vậy, tôi nhận thấy bản thân mình đã học được rất nhiều điều quý giá trong hơn 30 năm gắn bó với Bảo tàng và môi trường văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là bài học về cách cư xử, ứng xử giữa người với người.

Tôi vẫn nhớ rõ những lời dạy của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Anh Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Bác - luôn nhắc nhở chúng tôi phải giữ đúng nguyên tắc, phải làm việc có trách nhiệm trong một tập thể gắn bó.

TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tôi lớn lên trong không khí ấy, nơi mọi người xem nhau như một gia đình, người hơn tuổi được gọi là anh, là bác, người ngang tuổi gọi là bạn, người ít tuổi hơn gọi là em, là cháu. Nhưng gia đình này có kỷ luật nghiêm minh, sự tôn trọng và kỷ cương. Điều đó đã tạo nên môi trường làm việc đầy nhân văn nhưng không kém phần nghiêm túc.

Tôi vẫn nhớ rõ những lời dạy của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Anh Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Bác - luôn nhắc nhở chúng tôi phải giữ đúng nguyên tắc, phải làm việc có trách nhiệm trong một tập thể gắn bó. Đó là lý do tôi được anh em đồng nghiệp quý mến, có cơ hội đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong suốt sự nghiệp.

Bài học lớn nhất mà tôi thu nhận được chính là tinh thần yêu kính, tôn trọng con người và cách xây dựng mối quan hệ trong công việc và cuộc sống, dựa trên nền tảng đạo đức và lối sống mà Bác Hồ đã để lại.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ts-chu-duc-tinh-toi-hoc-tu-bac-cach-song-giua-nguoi-voi-nguoi-post1553945.html
Zalo