Tỏi đen có tác dụng gì?
Tỏi đen là tỏi sống đã được lên men trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, có màu nâu đen sẫm với kết cấu dai và vị ngọt, giàu chất chống oxy hóa hơn tỏi thông thường...
Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng tỏi đen có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol và huyết áp…
1. Lợi ích của tỏi đen
- Giàu chất chống oxy hóa:Tỏi đen là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa cao hơn so với tỏi thông thường. Chất chống oxy hóa là những chất bảo vệ chống lại tổn thương tế bào bằng cách trung hòa gốc tự do.
Có nhiều loại chất chống oxy hóa tập trung trong tỏi và quá trình lên men để tạo ra tỏi đen làm tăng mức độ của một số chất này. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy tỏi đen chứa nhiều hơn tới 10 lần các hợp chất phenolic, chẳng hạn như axit hydroxycinnamic và nhiều hơn tới 8 lần các hợp chất flavonoid so với tỏi thông thường.
Tỏi đen cũng là nguồn cung cấp các hợp chất thực vật có chứa lưu huỳnh cô đặc như γ−glutamyl-S-methyl-L-cysteine sulfoxide (GSMCS) và S-allylmercapto-L-cysteine (SAMC), có đặc tính bảo vệ tế bào mạnh mẽ.
Tỏi đen không chỉ chứa nhiều chất bảo vệ hơn tỏi thường mà các nghiên cứu còn chỉ ra rằng phương pháp xử lý nhiệt để sản xuất tỏi đen còn làm tăng khả năng tiếp cận sinh học của các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi, nghĩa là cơ thể sẽ dễ hấp thụ chúng hơn.

Tỏi đen là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa cao hơn so với tỏi thông thường.
Các hợp chất lưu huỳnh có trong tỏi, bao gồm tỏi đen, được cho là chịu trách nhiệm cho hầu hết các lợi ích sức khỏe của tỏi. Các chất này đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa mạnh mẽ và có thể bảo vệ chống lại một số tình trạng sức khỏe. Những người thường xuyên tiêu thụ tỏi có tỷ lệ mắc một số bệnh thấp hơn, chẳng hạn như ung thư đường tiêu hóa…
- Có thể cải thiện sức khỏe tim mạch:Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu tỏi có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như tăng huyết áp (huyết áp cao), cholesterol cao và xơ vữa động mạch (tình trạng động mạch dày lên hoặc cứng lại do mảng bám tích tụ).
Do hàm lượng hợp chất chống oxy hóa và chống viêm cực cao, tỏi đen có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy loại tỏi đặc biệt này có thể làm giảm huyết áp và mức lipid trong máu cũng như làm giảm xơ vữa động mạch. Chiết xuất từ tỏi đen có thể làm tăng mức cholesterol HDL bảo vệ tim và giảm huyết áp.
Tỏi đen cũng có thể cải thiện chức năng tim ở những người mắc bệnh tim từ trước. Một nghiên cứu cho thấy, việc điều trị bằng 20g tỏi đen mỗi ngày trong sáu tháng đã cải thiện chức năng tim, bao gồm lượng máu giàu oxy được tim bơm ra, ở những người bị suy tim so với nhóm đối chứng.
Việc điều trị bằng tỏi đen làm tăng nồng độ các enzyme chống oxy hóa glutathione peroxidase (GSH-Px) và superoxide dismutase (SOD) trong máu, cho thấy tỏi đen giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa của cơ thể, có thể cải thiện sức khỏe và chức năng của tim.
2. Dinh dưỡng của tỏi đen
Tỏi đen có lượng calo thấp và vì thường được tiêu thụ với khẩu phần nhỏ nên chúng không phải là nguồn cung cấp vitamin hoặc khoáng chất tốt.
Sau đây là thành phần dinh dưỡng của ba tép tỏi đen:
Lượng calo: 13,4
Protein: < 1 g
Chất béo: < 1 g
Carbohydrate: 2,98 g
Chất xơ: < 1 g
Vitamin C: 2,81 mg hoặc 3% giá trị hàng ngày (DV)
Ở liều lượng bình thường, tỏi đen cung cấp lượng nhỏ một số chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như vitamin C, kali, nhưng không đủ để đóng góp đáng kể vào lượng chất dinh dưỡng hàng ngày của bạn. Ví dụ, ba tép tỏi cung cấp 3% nhu cầu hàng ngày của bạn về vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, làn da và nhiều lợi ích khác.
3. Rủi ro khi ăn tỏi đen
Khi tiêu thụ với số lượng bình thường, tỏi đen an toàn cho hầu hết mọi người và không liên quan đến các rủi ro sức khỏe lớn. Tuy nhiên, tỏi đen không an toàn cho những người bị dị ứng với tỏi.
Tiêu thụ tỏi đen với số lượng lớn cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như hôi miệng, mùi cơ thể, buồn nôn, nôn và đầy hơi…
Các chất bổ sung tỏi đen, chẳng hạn như chiết xuất tỏi đen, cũng được coi là an toàn. Tuy nhiên, tỏi có đặc tính làm loãng máu và các chất bổ sung tỏi liều cao có thể không an toàn cho những người dùng thuốc làm loãng máu và những người bị rối loạn đông máu. Do đó, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung tỏi nếu bạn có nguy cơ chảy máu cao.
Ngoài ra, đối với người đang mang thai hoặc cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ một lượng lớn tỏi đen hoặc dùng thực phẩm bổ sung tỏi đen.
Tỏi đen ủ không đúng cách có thể dẫn đến sự phát triển của bào tử Clostridium botulinum (C.botulinum). Bào tử này sản sinh ra độc tố nguy hiểm có thể gây hại cho sức khỏe khi ăn phải. Do nguy cơ sức khỏe này, các chuyên gia khuyên không nên sử dụng các thiết bị gia dụng như nồi nấu chậm và nồi cơm điện để làm tỏi đen.
4. Mẹo sử dụng tỏi đen an toàn
Quá trình ủ để sản xuất tỏi đen gây ra phản ứng hóa học gọi là phản ứng Maillard, tạo ra tỏi có màu sẫm, ngọt hơn, ít cay hơn tỏi thông thường. Ngoài hương vị đặc trưng, tỏi đen còn có kết cấu dai và dính, tạo nên sự khác biệt so với tỏi thông thường.
Sau đây là một số cách sử dụng tỏi đen:
Thêm tỏi đen vào súp và món hầm để có hương vị đậm đà và độc đáo.
Dùng tỏi đen để phủ lên các món ăn như pizza và mì ống.
Phết tỏi đen lên bánh mì để tạo nên hương vị thơm ngon cho bánh mì sandwich.
Trộn tỏi đen vào nước sốt, nước chấm và nước ướp.
Thêm tỏi đen vào bơ và dầu ô liu để làm món phết và chấm ngon miệng…