Toàn cảnh lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc và những tác động sâu rộng

Lệnh thiết quân luật nhanh chóng gây chấn động trong và ngoài nước, đánh dấu một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử gần đây của Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại thủ đô Seoul ngày 1/4/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại thủ đô Seoul ngày 1/4/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập làm tê liệt hoạt động của chính phủ thông qua các nỗ lực luận tội và thao túng ngân sách. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng biện pháp này.

Lệnh thiết quân luật nhanh chóng gây chấn động trong và ngoài nước, đánh dấu một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử gần đây của Hàn Quốc. Nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk và Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won Sik, đã xin từ chức.

Quốc hội phản ứng nhanh chóng

Rạng sáng 4/12, chỉ vài giờ sau khi lệnh được ban bố, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp với tỷ lệ đồng thuận 100%, nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật được thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik nhấn mạnh: "Việc ban bố thiết quân luật là điều không ai mong muốn. Quốc hội cần có phản ứng nhanh để bảo vệ nền dân chủ". Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng lệnh thiết quân luật phải bị dỡ bỏ nếu đa số đại biểu Quốc hội yêu cầu.

Lúc 4h30 sáng ngày 4/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, chỉ sáu giờ sau khi ban hành. Trong phát biểu cùng ngày, ông kêu gọi Quốc hội chấm dứt các hành động “thiếu trách nhiệm” và khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, ông Park Chan Dae, đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Yoon, cho rằng ông không còn đủ năng lực để lãnh đạo và kêu gọi ông từ chức. Cũng theo phe đối lập, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có hai lựa chọn - từ chức hoặc bị luận tội. Trong một tuyên bố, đảng Dân chủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ "ngay lập tức" tiến hành thủ tục luận tội nếu ông không từ chức.

Phản ứng trong nước

Theo hãng tin Yonhap, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo tuyên bố ông sẽ tiếp tục phục vụ người dân sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ.

Ông Han đưa ra phát ngôn trên trong văn bản gửi tới người dân sau khi hãng tin Reuters trước đó đưa tin rằng các thành viên nội các có thể từ chức để chịu trách nhiệm về việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật.

Thủ tướng Han tuyên bố có ý thức trách nhiệm với toàn bộ quá trình. Ông khẳng định: "Tôi yêu cầu nội các hoàn thành trách nhiệm của mình cùng với các quan chức ở tất cả các bộ để đảm bảo an toàn cho người dân và cuộc sống hàng ngày được duy trì mà không có bất kỳ sự dao động nào. Cho đến phút cuối cùng, tôi sẽ phục vụ người dân bằng cách tập hợp trí tuệ của các thành viên nội các của chúng tôi”.

Trước đó cũng theo hãng tin Reuters, ông Han Dong Hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền (PPP) cho biết ông đã đưa ra ba đề xuất tại cuộc họp hôm nay của các nhà lập pháp hàng đầu của đảng cầm quyền.

Reuters trích lời ông nêu rõ: “Đầu tiên, toàn bộ nội các từ chức. Thứ hai, sa thải bộ trưởng quốc phòng và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Thứ ba, yêu cầu tổng thống rời khỏi đảng. Có rất nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà lập pháp.... Đề xuất đầu tiên và thứ hai đã được nhất trí chung, và có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất thứ ba. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến và đưa ra kết luận tạm thời".

Trong nước, người dân tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội, phản đối lệnh thiết quân luật và kêu gọi cải cách chính trị.

Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) đã thông báo trên trang web của tổ chức này về việc tiến hành cuộc đình công toàn quốc vô thời hạn cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức.

Thông cáo cho biết KCTU sẽ bắt đầu "cuộc tổng đình công vô thời hạn" vào ngày 4/12 để yêu cầu toàn bộ chính quyền từ chức sau quyết định áp đặt thiết quân luật. Vào ngày 5/12, công nhân của Công ty đường sắt lớn nhất Hàn Quốc KORAIL cũng sẽ đình công vô thời hạn, yêu cầu tăng lương. Sự kiện này đã được lên kế hoạch trước khi thiết quân luật được công bố và các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Seoul.

Phản ứng quốc tế

Cuộc khủng hoảng chính trị nhanh chóng thu hút sự chú ý toàn cầu. Anh, Nga, Nhật Bản, và Mỹ đều bày tỏ quan ngại trước tình hình tại Hàn Quốc.

Đại sứ quán Mỹ tại Seoul ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Hàn Quốc. Trong thông báo, Đại sứ quán Mỹ kêu gọi công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc tuân thủ các khuyến cáo an toàn, đồng thời khẳng định Washington đang theo dõi sát sao diễn biến và duy trì liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua phát ngôn viên Matthew Miller, nhấn mạnh rằng Washington hy vọng tình hình sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dân chủ và phù hợp với Hiến pháp Hàn Quốc. Ông Miller cũng khẳng định Hàn Quốc vẫn là một đồng minh quan trọng và Mỹ luôn ủng hộ sự ổn định tại khu vực Đông Á.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tại Lầu Năm Góc cũng bày tỏ quan ngại về tác động của tình trạng bất ổn chính trị này đối với an ninh khu vực, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tác động kinh tế và tài chính

Theo hãng tin Yonhap, ngay sau thông báo thiết quân luật, thị trường tài chính Hàn Quốc rung chuyển. Đồng won giảm mạnh, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022, khi mở cửa ở mức 1.418,1 won đổi 1 USD. Chỉ số KOSPI giảm hơn 1%, với các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics và Hyundai Motor đồng loạt mất giá.

Bộ Tài chính Hàn Quốc đã cam kết cung cấp thanh khoản không giới hạn để ổn định thị trường. Một quỹ bình ổn trị giá 10.000 tỷ won đã sẵn sàng được triển khai bất cứ lúc nào, trong khi 40.000 tỷ won khác dự kiến được dùng để hỗ trợ thị trường trái phiếu.

Hậu quả tiềm tàng

Sự kiện ban hành và hủy bỏ lệnh thiết quân luật chỉ trong vòng vài giờ đã tạo ra cơn địa chấn trong chính trường và nền kinh tế Hàn Quốc.

Các chuyên gia nhận định động thái này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon. Mason Richey, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho rằng: "Đối với một vị tổng thống tập trung quá nhiều vào danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, điều này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn". Ông cảnh báo rằng sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ và vị thế ngoại giao của Hàn Quốc.

Báo cáo của Viện Dân chủ thuộc Đại học Gothenburg chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại: nền dân chủ tại Hàn Quốc đã thụt lùi kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức. Những bằng chứng cụ thể cho sự suy giảm này bao gồm việc Hàn Quốc tụt hạng từ vị trí 47 xuống vị trí 62 trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu do Tổ chức Phóng viên không biên giới công bố.

Ông Yoon đã phản ứng lại những lời chỉ trích bằng cách tuyên bố chúng là tin giả, thậm chí còn sử dụng ngôn ngữ gay gắt, tuyên bố các thế lực "ủng hộ Triều Tiên" hoặc "chống nhà nước" đứng sau những lời chỉ trích ông.

Về mặt chính trị nội bộ, tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon đã thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm nay, chỉ giành được một phần nhỏ ghế tại Quốc hội. Thậm chí, ngay trong nội bộ đảng, Ông Yoon cũng bắt đầu mất lòng các đồng minh chính trị, điển hình như việc Han Dong Hoon – người bạn tâm giao trước đây và hiện là lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân – đã kêu gọi ông hủy bỏ lệnh thiết quân luật.

Jenny Town, chuyên gia từ Trung tâm Stimson, nhận định động thái thiết quân luật là "tuyệt vọng và nguy hiểm", và có thể là "giọt nước tràn ly" dẫn đến một tiến trình luận tội. Chuyên gia này cho rằng Tổng thống Yoon đang không được ủng hộ, và sự kiện này có thể là khởi đầu cho hồi kết của nhiệm kỳ tổng thống.

Những xung đột xã hội cũng là điểm nóng. Tổng thống Yoon đã có những quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là trong các cuộc đối đầu với các nhóm chuyên nghiệp như công đoàn và giới y tế. Kế hoạch tăng 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm và yêu cầu các bác sĩ đình công quay lại làm việc đã tạo ra những bất đồng sâu sắc.

Về mặt quốc tế, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng động thái thiết quân luật sẽ gây phức tạp cho các cuộc thảo luận ngoại giao của Hàn Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm kiếm vị thế trên trường quốc tế, nhất là trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 tới, người đã bất đồng quan điểm với người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon về thương mại và chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Dù tình hình đã tạm lắng, các tác động lâu dài đến uy tín quốc gia, thị trường tài chính, và lòng tin của người dân đối với chính phủ sẽ còn kéo dài. Phản ứng quốc tế, đặc biệt từ Mỹ, cho thấy sự quan ngại đối với một đồng minh quan trọng tại khu vực Đông Á, nơi ổn định là yếu tố then chốt để đối phó với các thách thức khu vực.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Yonhap, Reuters, Abcnews)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/toan-canh-lenh-thiet-quan-luat-tai-han-quoc-va-nhung-tac-dong-sau-rong-20241204142046576.htm
Zalo