Trung Quốc thẳng tay phản đòn 'trả lời' cuộc đàn áp chíp của Mỹ, bồi thêm cả kế hoạch B
Ngày 3/12, Bắc Kinh chính thức công bố lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng - một số thành phần chính trong sản xuất chất bán dẫn, có thể ứng dụng rộng rãi trong quân sự; chỉ một ngày sau khi Washington tung ra các biện pháp mới nhằm siết chặt ngành bán dẫn của Trung Quốc.
Đây là đợt leo thang căng thẳng thương mại mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung Quốc, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng tới.
Như vậy, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang thêm một nấc mới, nguy hiểm hơn. Các hạn chế mới siết chặt ngành bán dẫn của Trung Quốc được Washington công bố một ngày trước đó đã khiến Bắc Kinh quyết định phản đòn, trả đũa, liên quan đến các khoáng sản quan trọng, bao gồm gali và germani.
Gali, germani... và nhiều hơn nữa?
Trước đó, ngày 2/12, Washington đã công bố lệnh hạn chế bán hàng cho 140 công ty, bao gồm các công ty chip Trung Quốc là Piotech và SiCarrier, mở rộng nỗ lực hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc, có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.
Các quy định mới của Mỹ bao gồm, các biện pháp kiểm soát đối với 20 loại thiết bị sản xuất chip và ba loại công cụ phần mềm để phát triển hoặc sản xuất chất bán dẫn.
Ngay lập tức, ngày 3/12, phía Trung Quốc không ngần ngại cáo buộc Mỹ đã "chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ". Và đó là lý do họ quyết định "ra đòn đáp trả", công bố các hạn chế xuất khẩu của mình, tăng cường thực thi các giới hạn hiện hành đối với hoạt động xuất khẩu các khoáng sản quan trọng mà Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai vào năm ngoái, nhưng chỉ áp dụng cho thị trường Mỹ.
Một chỉ thị của Bộ Thương mại Trung Quốc về các mặt hàng lưỡng dụng (có cả ứng dụng quân sự và dân sự) đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia để áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nói trên. Chỉ thị có đoạn, "Để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã quyết định tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép có liên quan sang Mỹ".
Lệnh này - có hiệu lực ngay lập tức - cũng yêu cầu xem xét chặt chẽ hơn về mục đích sử dụng cuối cùng của các sản phẩm than chì (graphite) được vận chuyển đến Mỹ.
“Về nguyên tắc, việc xuất khẩu gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng sang Mỹ sẽ không được phép”, Bộ này lưu ý.
Gali và germani được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, riêng germani cũng được sử dụng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang và pin mặt trời.
Trong khi đó, antimon được sử dụng để chế tạo đạn và các loại vũ khí khác, còn than chì là thành phần lớn nhất tính theo thể tích của pin xe điện. Động thái này đã làm dấy lên những lo ngại mới rằng, Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu tiếp theo vào các khoáng sản quan trọng khác, bao gồm cả những khoáng sản được sử dụng rộng rãi hơn, chẳng hạn như niken và coban.
Chuyên gia Todd Malan - hiện đang làm việc cho Talon Metals, công ty đang cố gắng phát triển một mỏ niken ở Minnesota và đang thăm dò kim loại này ở Michigan, đặt câu hỏi: “Trung Quốc đã phát đi tín hiệu trong một thời gian rằng, họ sẵn sàng thực hiện các bước đi này, vậy khi nào Mỹ mới rút ra được bài học?”
Mỏ niken duy nhất của Mỹ sẽ cạn kiệt vào năm 2028.
Một người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang đánh giá các biện pháp hạn chế mới của Trung Quốc và sẽ thực hiện “các bước cần thiết” để ứng phó. “Những biện pháp kiểm soát mới này chỉ càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta cần tăng cường nỗ lực hợp tác với các nước khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng, chuyển hướng phụ thuộc vào Bắc Kinh”, Người phát ngôn này nói.
"Quà khuyến mại" của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện chiếm 94% sản lượng gali và 83% sản lượng germani của thế giới.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, không có lô hàng germani hoặc gali đã gia công và chưa gia công nào được đưa đến Mỹ trong năm nay (tính đến tháng 10), mặc dù 1 năm trước đó, đây là thị trường lớn thứ 4 và thứ 5 của 2 loại khoáng sản này.
Tổng lượng xuất khẩu antimon của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 97% so với tháng 9 sau khi quy định hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh có hiệu lực.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 48% lượng antimon được khai thác trên toàn cầu, nguyên liệu được sử dụng sản xuất đạn dược, tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân, kính nhìn ban đêm, pin và thiết bị quang điện.
Theo Công ty tư vấn Project Blue, năm nay, Trung Quốc chiếm 59,2% sản lượng germani tinh chế và 98,8% sản lượng gali tinh chế của thế giới. Chuyên gia Jack Bedder, đồng sáng lập Project Blue, cho biết: “Động thái này là sự leo thang căng thẳng đáng kể trong chuỗi cung ứng, mà trong đó khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô của phương Tây vốn đã rất khó khăn”.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin Argus, giá antimon trioxide tại Rotterdam đã tăng vọt 228% kể từ đầu năm, lên mức 39.000 USD/tấn hôm 28/11.
Thông báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi Washington công bố đòn giáng thứ ba trong vòng 3 năm qua đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội Khai thác toàn cầu của Trung Quốc Peter Arkell, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc hiện tại và sắp tới đáp trả các hạn chế ngày càng tăng của chính quyền Mỹ, bằng các hạn chế của riêng của mình đối với nguồn cung cấp các khoáng sản chiến lược này. Đây là một cuộc chiến thương mại không có bên nào chiến thắng”.
Trong một diễn biến khác, dường như Bắc Kinh đang chuẩn bị thêm "quà khuyến mại" kèm theo đòn trả đũa. Ngày 3/12, nhiều tổ chức công nghiệp Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các thành viên mua chất bán dẫn sản xuất trong nước, trong đó một nhóm tuyên truyền rằng - chip của Mỹ không còn an toàn và đáng tin cậy nữa.
Lời khuyên của họ có thể ảnh hưởng đến những “gã khổng lồ” sản xuất chip của Mỹ như Nvidia, AMD và Intel. Những công ty này, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, vẫn tiếp tục bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.
Phó giám đốc Tom Nunlist của Công ty nghiên cứu Trivium China, cho biết: "Trung Quốc đã hành động khá chậm hoặc thận trọng trong việc trả đũa các động thái của Mỹ, nhưng có vẻ như khá rõ ràng rằng, từ nay họ sẽ hành động quyết liệt".
Các tổ chức này có tổng cộng 6.400 công ty là thành viên, hoạt động trong một số ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc, gồm viễn thông, kinh tế kỹ thuật số, ô tô và chất bán dẫn. Các tuyên bố, được đưa ra liên tiếp nhau, không nêu chi tiết lý do tại sao chip của Mỹ không an toàn hoặc không đáng tin cậy.
Theo tài khoản WeChat chính thức của Hiệp hội Internet Trung Quốc, hiệp hội này kêu gọi các công ty trong nước cân nhắc kỹ trước khi mua chip của Mỹ và tìm cách mở rộng hợp tác với các công ty chip từ các quốc gia và khu vực khác ngoài Mỹ.
Hiệp hội cũng khuyến khích các công ty trong nước "chủ động" sử dụng chip do cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc sản xuất.
Hiệp hội này tuyên truyền thêm rằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ đã gây ra "tác hại đáng kể" đối với sức khỏe và sự phát triển của ngành công nghiệp internet Trung Quốc.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cáo buộc Washington đã "tùy tiện sửa đổi các quy tắc kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ổn định các sản phẩm chip của Mỹ". Hiệp hội này cho biết, "Niềm tin và sự tin tưởng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào việc mua sắm các sản phẩm chip của Mỹ đang bị lung lay và các sản phẩm chip ô tô của Mỹ không còn đáng tin cậy và an toàn nữa".