Tổ truyền thông cộng đồng từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân
Sau 3 năm thực hiện, các hoạt động của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ trẻ em' được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chính quyền, ngành, đoàn thể ở cơ sở và người dân được chú trọng, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước thực hiện bình đẳng giới và quan tâm giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả tốt, dự án đã xây dựng mô hình truyền thông mới, đó là tổ truyền thông cộng đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, huyện đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn triển khai và hướng dẫn xây dựng thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng, trong đó, chú trọng hướng dẫn kỹ năng điều hành tổ chức sinh hoạt, kỹ năng tiếp cận thông tin truyền thông cho gần 369 cán bộ chuyên trách hội LHPN cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo UBND xã, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ các thôn triển khai mô hình điểm.
Hội LHPN tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn triển khai và hướng dẫn xây dựng thành lập và vận hành tổ truyền thông, xây dựng kế hoạch chuẩn bị thành lập tổ truyền thông cộng đồng, kỹ năng điều hành tổ chức sinh hoạt, kỹ năng tiếp cận thông tin truyền thông cho gần 500 người tham gia. Hội LHPN các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh tổ chức 15 hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình tổ truyền thông cộng đồng có 1.409 người tham gia.
Các cấp hội phụ nữ, phòng tư pháp các huyện trong vùng dự án tổ chức 55 lớp tập huấn triển khai và hướng dẫn xây dựng vận hành tổ truyền thông, xây dựng kế hoạch chuẩn bị thành lập tổ truyền thông cộng đồng, kỹ năng điều hành tổ chức sinh hoạt cho gần 3.468 cán bộ xã, thôn, thành viên Ban điều hành triển khai mô hình điểm của tỉnh, thành viên tổ truyền thông cộng đồng, người có uy tín, hội viên phụ nữ.
Song song với việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm ra mắt thành lập 4 tổ truyền thông cộng đồng tại xã A Dơi, Hướng Hiệp, Linh Trường, Vĩnh Khê để tổ chức hoạt động và rút kinh nghiệm cho việc thành lập diện rộng. Từ hiệu quả làm điểm, việc thành lập tổ truyền thông cộng đồng được thành lập đại trà ở nhiều xã và đi vào hoạt động hiệu quả.
Đến nay, các cấp hội đã thành lập 152 tổ truyền thông cộng đồng, trong đó, Hội LHPN tỉnh thành lập 20 tổ có tổng cộng 181 thành viên tham gia, hội LHPN 5 huyện hưởng lợi Dự án 8 thành lập 132 tổ, gồm 1.233 thành viên tham gia, đây là những người cốt cán trong thôn như: bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể, trưởng các tổ/nhóm mô hình CLB và ban ngành liên quan như: công an, y tế, dân số, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Các tổ truyền thông cộng đồng được hỗ trợ phương tiện, ấn phẩm, bộ nhận diện truyền thông như: bộ loa di động, loa cầm tay phục vụ công tác truyền thông tại các thôn. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 4 trang thiết bị trị giá 12 triệu đồng.
Hội LHPN huyện hỗ trợ 75 trang thiết bị cho 75 tổ truyền thông cộng đồng, trị giá hơn 208 triệu đồng. Tài liệu “Sổ tay hướng dẫn thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng” được Hội LHPN tỉnh cấp phát cho các huyện và các xã 230 cuốn; 1.161 áo có in logo Dự án 8 cho thành viên tổ truyền thông và người tham gia các chiến dịch truyền thông.
100% tổ truyền thông đã đi vào vận hành hoạt động và bước đầu đã lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân như: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, đến từng hộ gia đình, lồng ghép trong các cuộc họp thôn bản, sân khấu hóa....
Thành viên của các tổ truyền thông đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ những tập tục có hại, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, tập trung vào các vấn đề nổi cộm tại từng địa phương như: tảo hôn, bạo lực gia đình,bình đẳng giới... Chủ tịch Hội LHPN xã A Dơi, huyện Hướng Hóa Hồ Thị Nữ cho biết: Xã A Dơi rất tích cực xây dựng các nội dung truyền thông về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Thành viên các tổ truyền thông cộng đồng được tham gia các lớp tập huấn nên khi triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chủ yếu thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn, độ tuổi được kết hôn; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mại dâm; xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đến nay, nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã có sự thay đổi cơ bản về bình đẳng giới và xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục như: giảm nạn tảo hôn, bạo lực gia đình; không còn tình trạng trẻ em bị xâm hại; nam giới tham gia mọi hoạt động xây dựng kinh tế và hạnh phúc gia đình...
Công tác tuyên truyền thông qua tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần từng bước xóa bỏ định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sự hoạt động có chất lượng của tổ truyền thông cộng đồng tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng làm thay đổi đáng kể nhận thức của các cấp, các ngành ở cơ sở và người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, văn minh.