Thương mại điện tử muốn bền vững phải xanh hóa

Theo các chuyên gia, muốn phát triển bền vững thì các hoạt động kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử cần gắn với trách nhiệm môi trường, xã hội.

Đánh giá một năm phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: TMĐT hiện lan tỏa càng sâu vào các ngành như giáo dục, y tế, môi trường.

Ước tính, quy mô thị trường năm 2024 ước đạt khoảng 31 tỉ USD, trong đó bán lẻ hàng hóa trực tuyến có thể trên 20 tỉ USD. VECOM cũng dự đoán năm 2025 quy mô TMĐT sẽ đạt gần 40 tỉ USD và tiến tới quy mô khoảng 100 tỉ USD vào năm 2030.

TMĐT tăng nhanh nhưng không bền vững

Cạnh đó, hoạt động TMĐT xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến (Cross Border Ecommerce) ở nước ta cũng trở nên phổ biến. Trong đó, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) có đà tăng trưởng mạnh hơn cả.

"Với sự hỗ trợ đắc lực từ TMĐT thì xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn khởi động sang giai đoạn cất cánh, mở ra một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt"- đại diện VECOM nói với PLO.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững của TMĐT nước ta.

Sự không bền vững trước hết thể hiện qua khoảng cách phát triển TMĐT giữa hai TP. Hà Nội và TP.HCM với 61 địa phương khác rất lớn. Tiếp đến là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu.

Trong đó, đáng chú ý là lượng rác thải nhựa từ bao bì, vật liệu nhựa, hay khí thải từ quá trình vận chuyển hàng hóa... phát sinh trong hoạt động TMĐT đang tăng lên nhanh chóng. Trong khi tỉ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp.

"Theo một nghiên cứu của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện, năm 2023 TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì. Trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.

Tới năm 2030 khi quy mô TMĐT nước ta đạt gần 100 tỉ USD nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa thì khi đó lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn”- VECOM nhấn mạnh.

Vị này cũng thông tin thêm, trong báo cáo "Phát triển TMĐT với bảo vệ môi trường" do VECOM thực hiện, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá TMĐT gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường. 21% cho rằng TMĐT gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống.

Dù vậy, khảo sát chỉ ra rất nhiều khách hàng lại ngần ngại và chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn TMĐT hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền. Đây cũng là rào cản lớn của TMĐT khi muốn tiếp cận với xanh hóa.

Nỗ lực hướng tới TMĐT xanh

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng Tư vấn VECOM, xanh hóa TMĐT là xu thế rất yếu, để ngành có thể phát triển bền vững. Mới đây, VECOM đã cùng WFF nghiên cứu xây dựng "Bộ tiêu chí hướng dẫn và nhận diện doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững, không bao bì nhựa khó phân hủy".

 Cần phát triển TMĐT theo hướng xanh hóa. ẢNH: THU HÀ

Cần phát triển TMĐT theo hướng xanh hóa. ẢNH: THU HÀ

Bộ tiêu chí này sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến thuận lợi hơn trong việc xác định mục tiêu và lộ trình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Hưng, cùng với Bộ tiêu chí TMĐT xanh thì cần thêm nhiều trợ lực từ chính phủ, các nền tảng TMĐT, người dùng và cả giáo dục.

Trước hết, nhà nước cần triển khai hoạt động thống kê định lượng về tác động tiêu cực của TMĐT tới môi trường. Tiếp đến, cần ban hành chính sách và pháp luật về TMĐT và bưu chính lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường.

Đồng thời cần tuyên truyền vấn đề bảo vệ môi trường tới đông đảo doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng trực tuyến. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy TMĐT xanh, đẩy mạnh nghiên cứu về TMĐT xanh.

Báo cáo "Phát triển TMĐT với bảo vệ môi trường" cũng cho thấy, 79% người mua hàng trực tuyến tin rằng để TMĐT thân thiện với môi trường thì phải cần một chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong TMĐT.

Ngoài ra, 71% người khảo sát cho hay các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến cũng phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường, để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định.

Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-mai-dien-tu-muon-ben-vung-phai-xanh-hoa-post825240.html
Zalo