Ứng dụng nghiên cứu khoa học và công nghệ số trong phát triển du lịch

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Lâm Đồng đa dạng và phong phú, tạo ra những cảnh quan đặc sắc của hồ, thác, suối, rừng... trập trùng, ngoạn mục; là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá với nhiều phong tục, tập quán, trang phục, kiến trúc, lễ hội, văn hóa... truyền thống, có sức hút cao không chỉ đối với du khách trong nước và quốc tế; mà còn là cảm hứng cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện trong 10 năm qua (từ 2004-2024).

Tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của du lịch Lâm Đồng là gợi ý cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số

Tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của du lịch Lâm Đồng là gợi ý cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số

Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tăng doanh thu, thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh được thực hiện qua các đề tài:“Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa tại chỗ qua du lịch tại Lâm Đồng” được Viện Khoa học Môi trường và Xã hội thực hiện. Đề tài quy hoạch và xây dựng 2 mô hình về tổ chức hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch: 1 mô hình xuất khẩu rau, hoa công nghệ cao ở TP Đà Lạt; 1 mô hình xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua sự liên kết chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm của TP Bảo Lộc và tham quan làng nghề ươm tơ dệt lụa tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá và phát huy sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách đến Đà Lạt, Lâm Đồng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì thực hiện, đã nhận diện và đánh giá được các nét đặc thù nhất của Đà Lạt - Lâm Đồng trong hệ thống tài nguyên du lịch cũng như các điều kiện phát triển du lịch khác của địa phương. Đề tài thử nghiệm 3 mô hình du lịch điểm về sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng: Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp có tính đặc thù cao của địa phương tại Công ty TNHH Vĩnh Tiến - Đà Lạt; Mô hình Du lịch thể thao - mạo hiểm tại Khu du lịch thác Đatanla nhằm khai thác thế mạnh về địa hình và thương hiệu sẵn có, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm và nhu cầu của thị trường khách quốc tế; Mô hình Du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tại Resort Dalat Edenseé - hồ Tuyền Lâm.

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thể thao, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các giải chạy bộ, đua xe đạp, giải goft,... thu hút sự tham gia của hàng ngàn vận động viên và cổ động viên... Thông qua các giải đấu thể thao đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Lâm Đồng và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển du lịch thể thao trên địa bàn tỉnh LâmĐồng”. Đề tài xây dựng 2 mô hình du lịch thể thao tại tỉnh Lâm Đồng: Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thử nghiệm Mô hình Sản phẩm du lịch thể thao sự kiện; và, xây dựng Mô hình Sản phẩm du lịch thể thao giải trí tại Khu du lịch Lang Biang.

Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Đồng” do Học viện Chính trị khu vực II chủ trì thực hiện nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc thù của văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái riêng thu hút khách du lịch; đồng thời, tạo ra thu nhập cho người dân tại địa phương gắn liền với quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các vùng vệ tinh cho các địa danh du lịch hiện tại của tỉnh Lâm Đồng. Đề tài đã xây dựng 2 mô hình mẫu tổ chức hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Lâm Đồng: Mô hình Đua ngựa không yên tại thị trấn Lạc Dương kết hợp khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc K’Ho; Mô hình Du lịch canh nông kết hợp trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mạ tại TP Bảo Lộc…

Trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, Cách mạng công nghiệp 4.0, Sở KH&CN đã ứng dụng công nghệ vào thực tế để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D và xây dựng di tích, bảo tàng ảo phục vụ cho người dân và du khách trong nước và trên toàn thế giới qua đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng” với hệ thống và số hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ khoa học di sản vật thể và phi vật thể cho 5.000 hiện vật tiêu biểu, phục vụ công tác quản lý và phát huy giá trị, làm cơ sở tiếp tục số hóa toàn bộ hiện vật tại Bảo tàng Lâm Đồng...

Tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng Bộ dư địa chí các DTTS của tỉnh; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, qua các đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng”; và, đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên”.

PHẠM LÊ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/khoa-hoc/202410/ung-dung-nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-nghe-so-trong-phat-trien-du-lich-fc12b7c/
Zalo