Tình trạng bệnh nhân suy thận mạn ngày càng trẻ hóa

Trước đây, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người có độ tuổi ngoài 60 thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ có độ tuổi từ 18 - 30 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh suy thận ngày càng tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Ngày 16/3, thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), đơn vị này sẽ triển khai tầm soát miễn phí cho 10.000 người trẻ trong cộng đồng về nguy cơ bệnh thận, phải chạy thận thậm chí cần ghép thận.

PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, chương trình tầm soát miễn phí bệnh thận dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 1 năm, chủ yếu dành cho người trẻ tuổi ở các khu dân cư, công nhân các khu công nghiệp, đặc biệt là những người chưa có bảo hiểm y tế, không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám cho bệnh nhân suy thận.

PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám cho bệnh nhân suy thận.

Theo BS Bách, số lượng người trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện liên quan đến bệnh suy thận gia tăng. Hiện, tỷ lệ người bệnh trẻ (dưới 40 tuổi) đang điều trị tại đây chiếm khoảng 20%, nhưng tỷ lệ này ở các bệnh viện khác cao hơn, có khi lên đến 60%.

“Người trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh thận cao thường do: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý (nhiều đạm động vật, ít uống nước, sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc…); sử dụng bừa bãi các loại thuốc đặc biệt là thuốc kháng viêm, lạm dụng thực phẩm chức năng hay các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc; hút thuốc lá”, BS Bách cho hay.

BS Bách cho biết thêm, y học nước ta đã tiến bộ rất nhiều, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm hoàn toàn hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn, có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, giảm nguy cơ chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Bệnh thận có diễn tiến âm thầm, khó phát hiện bệnh, khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn, giai đoạn suy thận mạn, bắt buộc phải chạy thận hoặc ghép thận.

Phát hiện sớm giúp hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn cuối, có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh.

Phát hiện sớm giúp hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn cuối, có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ, trong y học, không phải chờ bệnh đến giai đoạn cuối mới bắt đầu điều trị, phải phòng ngừa và phát hiện bệnh từ sớm, giảm gánh nặng lớn nhất; nhất là tình trạng suy thận giai đoạn cuối ở những bệnh nhân mắc bệnh thận.

“Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị sẽ giúp giảm gánh nặng cho bản thân người bệnh, cho gia đình, bệnh viện và toàn xã hội”, BS Quế khuyến cáo.

Bên cạnh các chương trình điều trị, ghép thận, Bệnh viện Thống Nhất còn triển khai nhiều chương trình khác liên quan để tầm soát, phát hiện những bệnh nhân suy thận giai đoạn sớm để giảm gánh nặng về suy thận cho bản người bệnh, gia đình, cơ sở y tế và cho cả cộng đồng.

“Trong chương trình tầm soát các đối tượng nguy cơ, mỗi người chỉ cần 20 phút, nhân viên y tế tiến hành đo huyết áp, vì tăng huyết áp và bệnh thận có liên quan mật thiết với nhau; sau đó thực hiện tổng phân tích nước tiểu. Tất cả mọi người đều không nên chủ quan mà hãy tầm soát để chủ động phòng ngừa; phát hiện sớm để điều trị phù hợp, tránh cho bệnh diễn biến đến giai đoạn cuối. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ những người bị suy thận giai đoạn cuối, khó khăn về tinh thần, tài chính, sức khỏe”, BS Quế nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM)

Ghi nhận tại các trung tâm ghép tạng ở TP.HCM, gần 7.000 trường hợp ghép tạng, trong đó ghép thận chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số ghép thận chủ yếu là người cho sống, chưa đi đúng trào lưu thế giới. Người sống phải sẵn sàng hy sinh quả thận cho người thân, ưu tiên chọn người cho cùng huyết thống như cha mẹ, anh chị em, con cái. Tạng cho sẽ có cơ hội phù hợp hơn, kết quả lâu dài tốt.

Bệnh viện Thống Nhất đã lên kế hoạch và triển khai chương trình ghép thận - hỗ trợ bệnh nhân suy thận trong 5 năm với sự hỗ trợ từ nhiều nơi, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca ghép đầu tiên được thực hiện vào năm 2022, cho đến ngày 14/3/2024, bệnh viện đã tiến hành ghép ca thứ 11 và chuẩn bị ca ghép thứ 12. Cả 2 ca này đều đặc biệt vì đều là từ người vợ cho chồng quả thận.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tinh-trang-benh-nhan-suy-than-man-ngay-cang-tre-hoa-167644.html
Zalo