Tình ơi, sao vội đi vậy!

Sáng nay, một tin buồn đến bất ngờ: Vào lúc 4h30 ngày 10/5/2025, PGS.TS Phạm Văn Tình đã rời xa chúng ta mãi mãi do bị suy tim đột ngột. Một người luôn tràn đầy nhiệt huyết, vô tư cống hiến cho sự phát triển của tiếng Việt, của nền ngôn ngữ học nước nhà, nay đã lặng lẽ đi xa.

PGS.TS Phạm Văn Tình

PGS.TS Phạm Văn Tình

Những ai từng biết ông đều cảm nhận được một nguồn năng lượng sống dồi dào, một tinh thần lao động miệt mài. Đam mê tiếng Việt không chỉ là nghề nghiệp mà còn là lẽ sống của ông. Những ngày cuối đời, ông vẫn miệt mài tham gia hội thảo, xuất bản sách, hoàn thành những công trình nghiên cứu còn dang dở.

Ông không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn là một người làm việc với sự vô tư hiếm thấy. Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, ông đã chèo lái một đơn vị hoạt động độc lập, tự lo kinh phí, nhưng vẫn tổ chức được nhiều hội thảo, xuất bản sách, nghiên cứu khoa học mà không cần đến nguồn hỗ trợ cố định nào. Đó không chỉ là tài năng mà còn là ý chí kiên cường.

Nhìn lại sự nghiệp của ông, ta thấy một con người tận tụy với tiếng Việt, từ những điều nhỏ nhất đến những công trình có quy mô lớn. Từ các công trình nghiên cứu về chính tả, từ vựng đến những tác phẩm phổ biến kiến thức, ông luôn dành tâm huyết, để lại một kho tư liệu giá trị. Những cuốn sách như Tiếng Việt yêu thương, Chuyện chữ ra chuyện đời hay Thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt: Từ ngạc nhiên đến thú vị không chỉ giúp độc giả thêm yêu tiếng Việt mà còn giúp họ hiểu sâu hơn về vẻ đẹp và sự phong phú của ngôn ngữ dân tộc.

Là người khiêm nhường, ông luôn tôn trọng giới trẻ, tin tưởng họ sẽ có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ tiếng Việt. Với tư duy mở, ông không ngừng đề xuất các biện pháp đổi mới trong nghiên cứu và sử dụng tiếng Việt. Đồng thời, ông rất tỉ mỉ, cẩn trọng, luôn để tâm đến từng chi tiết nhỏ trong các bài viết và công trình nghiên cứu. Bằng sự tận tâm, ông cộng tác thường xuyên với báo chí, đài phát thanh, truyền hình để lan tỏa tình yêu tiếng Việt và sự hiểu biết về ngôn ngữ ra cộng đồng.

Một điểm độc đáo ở Phạm Văn Tình là mỗi khi dự một cuộc bảo vệ luận án Tiến sĩ mà mình là Giảng viên hướng dẫn hoặc thành viên Hội đồng, ông đều có một bài thơ giọng điệu đằm thắm, nhiệt tình tặng tân Tiến sĩ. Vì thế, đối với nhiều nghiên cứu sinh, việc có mặt của ông trong buổi bảo vệ luận án không chỉ là niềm vinh dự mà còn là một dấu ấn đáng nhớ—khi họ nhận được bài thơ đầy tâm huyết, như một lời chúc mừng và động viên trên hành trình khoa học.

Nhưng giờ đây, ông đã vội ra đi, để lại biết bao tiếc nuối. Những công trình dở dang, những kế hoạch nghiên cứu chưa kịp hoàn thành, những hội thảo mà ông hẹn sẽ tham dự, tất cả đột ngột dừng lại khi trái tim ông ngừng đập.

Tiếng Việt mất đi một người bảo vệ tận tụy. Bạn bè mất đi một người luôn nhiệt tình, vô tư.

Tình ơi, sao vội đi vậy!

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH

Tiểu sử

- Phạm Văn Tình sinh năm 1954 tại tỉnh Nam Định.

- Học vị: Phó giáo sư, tiến sĩ.

Sự nghiệp

- Phạm Văn Tình là thành viên của Hội Ngôn ngữ học và giữ chức vụ Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Đến năm 2022, ông xin từ chức chức vụ sau nhiều năm gắn bó, cống hiến.

- Hiện nay, nhà văn đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học.

Tác phẩm

- Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 2002)

- Đi một ngày đàng (NXB Lao động, 2003)

- Tiếng việt: Từ chữ đến nghĩa (NXB Từ điển Bách khoa, 2004)

- Tiếng Việt từ cuộc sống (NXB Trẻ, 2004)

- Người đẹp: Ăn làm sao, nói làm sao (NXB Trẻ, 2005)

- Luận chữ, luận nghĩa (NXB Văn hóa Thông tin, 2007)

- Tiếng Việt yêu thương (4 cuốn, NXB Kim Đồng, 2008)

- Tiếng Việt: Hành trình qua những ô chữ (NXB Tri thức, 2009)

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-oi-sao-voi-di-vay-a28669.html
Zalo