Cụ bà U80 'giữ lửa' văn hóa Mường

Từng là cô giáo, giờ là người 'giữ lửa' cho văn hóa Mường ở xã Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ), bà Đinh Thị Tâm (SN 1954), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân tộc Mường đã sống trọn tuổi già bằng đam mê gìn giữ những giá trị bản sắc. Không lương, không thù lao, bà làm công việc này như một sứ mệnh tự thân.

 Bà Đinh Thị Tâm, dân tộc Mường (xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ)

Bà Đinh Thị Tâm, dân tộc Mường (xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ)

Khát vọng bắt đầu từ căn nhà sàn nhỏ

"Nhiều giá trị truyền thống đang dần mai một. Tôi nghĩ nếu mình không làm, ai sẽ làm?", bà Tâm chia sẻ khi kể lại quyết định thành lập CLB Văn hóa dân tộc Mường vào năm 2017.

Bà Đinh Thị Tâm là người dân tộc Mường. Trước đây, bà từng là giáo viên, theo học tại Trường Đại học Sư phạm Lập Thạch (giai đoạn 1972-1974), rồi gắn bó với công tác giáo dục và văn hóa ở địa phương trong nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2009, bà tiếp tục tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cự Đồng đến năm 2017. Những tưởng bà sẽ nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, thì chính lúc ấy, một khát vọng âm ỉ trong lòng lại trỗi dậy.

Bắt đầu từ con số 0, không trụ sở, không ngân sách, bà Tâm âm thầm gõ cửa từng nhà xin lại cối xay, cối giã nước, váy Mường cũ, nhờ thợ đóng lại đạo cụ, thậm chí dùng tiền tiết kiệm cá nhân để dựng kho chứa, chiêu đãi đoàn làm phim về ghi hình. "Có lúc con cháu không hiểu, hỏi sao tôi cứ làm cái việc không ai trả tiền. Nhưng mình thấy không làm thì day dứt."

Từ 40-50 món đạo cụ ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ của bà đã sở hữu hơn 200 hiện vật. Đều là những vật dụng gắn liền với đời sống và văn hóa Mường xưa, được phục dựng, giữ gìn bằng tất cả tâm huyết của những người phụ nữ cao tuổi trong làng.

Trong cuộc sống hiện đại, phong tục, tập quán văn hóa của mỗi dân tộc sẽ bị mai một nếu không được giữ gìn

Trong cuộc sống hiện đại, phong tục, tập quán văn hóa của mỗi dân tộc sẽ bị mai một nếu không được giữ gìn

Lúc mới thành lập, CLB có 19 người cả nam lẫn nữ, đủ mọi lứa tuổi. Người lớn tuổi nhất ngoài 70, nhưng đều chung một niềm đam mê: Được đánh chiêng, hát ru, hát ví, hát đối đáp bằng tiếng Mường. Bà Tâm tự tay in tài liệu, tập luyện mỗi tuần. Thứ Sáu hát tiếng Mường, Chủ nhật chuyển sang hát xoan, hát chèo, dân ca các vùng khác. "Không ai phải đóng góp gì cả, chỉ cần đến với nhau vì tình yêu với văn hóa", bà nói giản dị.

Với bà Tâm, những điệu hát ru là thứ chạm sâu vào ký ức, bà chia sẻ: "Từ hồi 14 tuổi, tôi đã trông em, hát ru cho em ngủ. Mẹ tôi cũng ru em bằng tiếng Mường. Nghe mãi thành quen, rồi thành thương. Những giai điệu ấy ăn sâu vào tiềm thức, theo bà suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần cất lên lời ru ấy trên sân khấu, cảm xúc lại dâng trào như thuở xưa đứng bên võng em thơ.

Các thành viên đều rất tích cực với các hoạt động của CLB

Các thành viên đều rất tích cực với các hoạt động của CLB

Không chỉ phục dựng đạo cụ, tập luyện làn điệu, bà Tâm còn chăm lo đến cả phong tục, ẩm thực, kiến trúc nhà sàn, bếp Mường xưa. Bà mong muốn có thể biến căn nhà của mình thành một nơi lưu giữ văn hóa dân tộc, nơi trẻ con được học ngôn ngữ mẹ đẻ, được sống giữa hồn cốt của dân tộc mình.

Từ niềm đam mê cá nhân đến trách nhiệm cộng đồng

Từng bước, những việc làm của bà Tâm không còn là nỗ lực đơn độc. Năm 2024, bà được biểu dương là một trong những phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc. Trước đó, bà nhận Bằng khen từ Hội LHPN Việt Nam, Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Thọ, và vinh dự được gặp Chủ tịch nước, nhận quà lưu niệm tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Với người Mường, cồng chiêng là báu vật, hồn thiêng, khí chất trong ngôi nhà của mình và được giữ gìn, lưu truyền qua các thế hệ

Với người Mường, cồng chiêng là báu vật, hồn thiêng, khí chất trong ngôi nhà của mình và được giữ gìn, lưu truyền qua các thế hệ

Tuy nhiên, điều khiến bà tự hào nhất không phải là những phần thưởng ấy, mà là sự thay đổi của cộng đồng. "Giới trẻ giờ có nhiều cháu chào bằng tiếng Mường. Có những cháu bé 4 tuổi đã thuộc được một số câu hát. Đó là tín hiệu mừng nhất", bà Tâm chia sẻ.

Theo bà Tâm, việc tạo điều kiện cho phụ nữ cao tuổi giữ gìn văn hóa không chỉ là sự công nhận một thế hệ, mà còn là cách khơi dậy sự tham gia của cả cộng đồng. Bà bày tỏ: "Tôi rất mong các cấp Hội mở lớp dạy hát, tôi sẵn sàng đến dạy. Một mình tôi thì không đủ sức, nhưng có Hội, có chị em thì sẽ lan xa".

Chị Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Cự Đồng (bên trái) cho biết, chị rất tự hào khi trên địa bàn có người tâm huyết với văn hóa Mường như bà Tâm và các thành viên trong CLB. Mọi người luôn sẵn lòng chia sẻ, truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ

Chị Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Cự Đồng (bên trái) cho biết, chị rất tự hào khi trên địa bàn có người tâm huyết với văn hóa Mường như bà Tâm và các thành viên trong CLB. Mọi người luôn sẵn lòng chia sẻ, truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ

Hiện tại, bà Tâm đang ấp ủ kế hoạch truyền dạy cho thế hệ trẻ vào dịp hè. Bà muốn sửa lại căn nhà sàn, dựng lại gian bếp Mường xưa, làm nhà truyền thống nhỏ để trưng bày những vật dụng quen thuộc, gắn với đời sống và ký ức văn hóa của người Mường.

"Sống được bao nhiêu thì tôi sẽ truyền lại bấy nhiêu. Chỉ mong sau này, khi mình yếu đi, vẫn có lớp trẻ tiếp tục cất tiếng hát, tiếp tiếng chiêng", bà tâm sự.

Bà Tâm cũng khẳng định: "Tôi thấy rõ Dự án 8 không chỉ là một chương trình trên giấy. Tại địa phương, Hội LHPN xã đã rất thực tế như mở lớp truyền dạy hát dân ca, tạo điều kiện để phụ nữ cao tuổi như tôi tiếp tục góp sức cho cộng đồng. Tôi mừng vì Hội phụ nữ đã không quên những người cao tuổi. CLB của chúng tôi nhận được sự động viên, hỗ trợ về tinh thần rất lớn. Tôi mong những hoạt động như thế sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Giữ gìn văn hóa dân tộc là chuyện dài hơi. Mình có nhiệt huyết thôi chưa đủ, mà phải có sự vào cuộc của các cấp, đặc biệt là các cấp Hội, những người thấu hiểu vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hồn dân tộc".

Từ một căn nhà sàn nhỏ, từ một phụ nữ cao tuổi từng làm cô giáo làng, hành trình gìn giữ văn hóa của bà Đinh Thị Tâm như một ngọn lửa lặng lẽ cháy trong rừng. Không ồn ào, không tán dương, nhưng đủ ấm để truyền lại tinh thần tự chủ, sáng tạo, gìn giữ bản sắc, đúng tinh thần Dự án 8 đang hướng đến "bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa".

Trong từng điệu hát ru, từng tiếng chiêng Mường vọng lại vào đêm, có cả tiếng lòng của một người phụ nữ dành trọn tuổi già để giữ lấy hồn cốt quê hương mình.

Clip: Cụ bà U80 "giữ lửa" văn hóa Mường

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cu-ba-u80-nguoi-giu-lua-van-hoa-muong-20250510210923695.htm
Zalo