'A Di Đà Phật' và 'Nam mô A Di Đà Phật', cách niệm nào đúng?

Khi niệm Phật, nên niệm 'A Di Đà Phật' hay 'Nam mô A Di Đà Phật' mới đúng với giáo pháp?

Trong đời sống tâm linh của người Việt, cụm từ "A Di Đà Phật" đã trở nên quen thuộc, không chỉ được xướng lên trong các thời khóa tụng niệm mà còn là lời chào, lời tiễn biệt, lời tri ân trong giao tiếp của Phật tử. Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn rằng cần niệm “A Di Đà Phật” hay “Nam mô A Di Đà Phật” mới là đúng theo Phật pháp? Có sự khác biệt nào giữa hai cách niệm này không?

Câu “Nam mô A Di Đà Phật” có ý nghĩa gì?

Trước hết, cần hiểu đầy đủ ý nghĩa cụm từ “Nam mô A Di Đà Phật”, trong đó:

- “Nam mô” là phiên âm từ tiếng Phạn “Namo”, có nghĩa là “quy y”, “kính lễ”, “hướng về”, hoặc “con xin nương tựa”.

- “A Di Đà Phật” là danh hiệu của vị Phật trong pháp môn Tịnh độ, được dịch nghĩa là “Vô lượng quang” (ánh sáng vô tận) và “Vô lượng thọ” (thọ mạng vô tận). Ngài là giáo chủ cõi cực lạc phương Tây.

Như vậy, cụm “Nam mô A Di Đà Phật” có nghĩa là: Con xin kính lễ, nương tựa và hướng về đức Phật A Di Đà - biểu tượng của ánh sáng trí tuệ và thọ mạng vô biên.

Cách niệm đầy đủ này thường được dùng trong nghi lễ chính thức, khai lễ, tụng kinh, hoặc các thời khóa công phu sáng tối. Đây là cách xưng danh lễ Phật trang nghiêm và đầy đủ về mặt nghi lễ và giáo lý.

 "A Di Đà Phật" và "Nam mô A Di Đà Phật", cách niệm nào đúng?

"A Di Đà Phật" và "Nam mô A Di Đà Phật", cách niệm nào đúng?

Niệm “A Di Đà Phật” có phải là thiếu sót?

Thực tế, khi hành trì trong đời sống thường ngày, nhiều Phật tử chỉ niệm vắn tắt “A Di Đà Phật”, bỏ phần “Nam mô”. Điều này khiến một số người nghi ngại, liệu niệm như vậy có đúng pháp, có đủ công đức không?

Câu trả lời từ các bậc cao tăng và kinh điển là: Hoàn toàn đúng pháp, bởi trong pháp môn Tịnh độ tông, mục đích chính của việc niệm Phật là để:

- Xưng danh hiệu Phật, nhớ nghĩ đến ngài.

- Tăng trưởng tín tâm.

- Gieo nhân vãng sinh cực lạc.

Vì vậy, việc niệm “A Di Đà Phật” dù rút gọn vẫn không phải thiếu sót. Đây được gọi là xưng danh niệm Phật, một trong ba phương pháp tu theo pháp môn Tịnh độ (tín – nguyện – hạnh).

Hai cách niệm, hai hoàn cảnh khác nhau

Cần nhấn mạnh rằng, cả hai cách niệm đều đúng, nhưng phù hợp với những ngữ cảnh và mục đích hành trì khác nhau:

- Niệm "Nam mô A Di Đà Phật": Đầy đủ nghi lễ, biểu thị quy y và tôn kính, dùng trong tụng kinh, lễ bái, thời khóa công phu.

- Niệm "A Di Đà Phật": Niệm danh dưng của Phật A Di Đà một cách ngắn gọn, thuận tiện cho hành trì thường nhật, dùng khi đi đứng nằm ngồi, niệm trong tâm, niệm hơi thở, chào nhau.

Do đó, Phật tử không cần lo lắng chuyện niệm "A Di Đà Phật" hay "Nam mô A Di Đà Phật" mới đúng, cũng không nên chấp vào hình thức để tranh cãi rằng “niệm cách này mới đúng, cách kia là sai”, mà nên tập trung vào tâm niệm, sự chí thành, và tinh thần hướng Phật trong từng câu niệm.

Đức Phật từng dạy: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Trong việc niệm Phật, điều quan trọng không phải là niệm bao nhiêu chữ, hay niệm to hay nhỏ, mà là tâm mình có chân thật hay không.

Dù niệm “Nam mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật”, nếu tâm vọng tưởng, loạn động thì câu niệm sẽ không đưa đến sự chuyển hóa và ngược lại. Người tu cần chân thành, bền chí, và nhiếp tâm trong từng câu niệm, thay vì quá bận tâm vào hình thức.

Đại lão hòa thượng Tịnh Không (Trung Quốc) từng khuyến khích Phật tử nên chọn cách niệm thích hợp với mình, có thể là “Nam mô A Di Đà Phật” hoặc “A Di Đà Phật”, miễn sao thuận lợi để giữ sự liên tục, không gián đoạn, và nuôi dưỡng được tâm niệm hướng về cực lạc.

Những người mới tu học hoặc đang trong thời khóa lễ có thể bắt đầu với câu “Nam mô A Di Đà Phật” để tạo sự trang nghiêm và đầy đủ ý nghĩa quy y. Sau đó, khi đi lại, làm việc hay lúc tịnh tâm, có thể rút gọn niệm “A Di Đà Phật” để dễ giữ niệm, tránh mệt mỏi, tạo sự nhất tâm bền vững.

Nhật Minh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/a-di-da-phat-va-nam-mo-a-di-da-phat-cach-niem-nao-dung-ar942432.html
Zalo