Tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập: Cơ hội mới cho phát triển du lịch
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới phải đối mặt với nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp... Với mục tiêu phát triển theo ba trục chính: văn hóa, du lịch, thương mại. Lâm Đồng mới đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Không gian mới, tài nguyên mới, động lực mới
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới hình thành từ 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận trở thành tỉnh rộng nhất cả nước với tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú từ núi rừng đến biển đảo. Nhằm tận dụng hiệu quả tài nguyên và đầu tư hạ tầng để kết nối vùng miền tạo thành hệ sinh thái kinh tế biển mạnh mẽ hơn, Lâm Đồng đang nỗ lực kiếm giải pháp để phát huy tiềm năng và nguồn lực của địa phương, nơi vừa có biển là lợi thế, có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan thúc đẩy du lịch phát triển xanh. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp song song với sự hỗ trợ của nguồn tài nguyên núi và biển và ứng dụng công nghệ số.

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới hình thành từ 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận trở thành tỉnh rộng nhất cả nước với tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú từ núi rừng đến biển đảo.
Có thể nói, tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập là địa phương có tài nguyên du lịch dồi dào và đa dạng nhất cả nước. Tại Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025 diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối các nguồn lực trong ba lĩnh vực trụ cột là văn hóa, du lịch và thương mại. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: “Lâm Đồng là nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc màu và những khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Với trung tâm là thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng không chỉ là “trái tim” của du lịch Tây Nguyên mà đang từng bước định hình vai trò là cực tăng trưởng xanh, sáng tạo, thân thiện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Lâm Đồng xác định không phát triển đơn lẻ, mà đặt mình trong chiến lược liên kết vùng - hợp tác quốc tế - đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, sau sáp nhập, Lâm Đồng mới có nhiều thế mạnh. Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng nhìn nhận rõ những rào cản nội tại, đó là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số và thiếu liên kết; công nghiệp còn manh mún, đầu ra chưa ổn định; chính sách thu hút đầu tư chưa tạo được đột phá.

Trên bản đồ du lịch, cả Lâm Đồng và Bình Thuận đều là những điểm đến hút du khách hàng đầu cả nước với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng.
Trên bản đồ du lịch, cả Lâm Đồng và Bình Thuận đều là những điểm đến hút du khách hàng đầu cả nước với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Năm 2024, Lâm Đồng đạt doanh thu du lịch cao thứ 9 trong top 10 tỉnh thành có doanh thu du lịch lớn nhất Việt Nam. Bình Thuận cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu sau khi cao tốc mới nối TP.HCM với khu vực Nam Trung Bộ đi vào hoạt động. Trong khi đó, Đắk Nông khiêm tốn hơn về lượng khách và doanh thu từ du lịch, nhưng lại sở hữu nhiều điểm đến độc đáo như Vườn quốc gia Tà Đùng, các hang động núi lửa, thác nước lớn và buôn làng cổ mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên, hấp dẫn bởi nét nguyên sơ, hoang dã.
Tại buổi tòa đàm, các tham luận đều nhất trí, tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập sẽ giúp địa phương tận dụng tốt hơn thế mạnh sẵn có, phát triển các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng từ du lịch văn hóa, lịch sử, biển đảo cho đến du lịch cộng đồng để thu hút khách. Liên kết phát triển du lịch sau sáp nhập còn tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch giao lưu, hợp tác cùng tăng trưởng.

Đắk Nông sở hữu nhiều điểm đến độc đáo. Ảnh: Hồ Tà Đùng, Đăk Nông.
Diện mạo mới, sáng tạo mới, kết nối mới
Tỉnh Lâm Đồng xác định, trong giai đoạn phát triển của tỉnh Lâm Đồng mới, ba trụ cột chính là văn hóa, du lịch và thương mại sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sự bứt phá của tỉnh.
Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng mới là hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics, kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị lữ hành và tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước. Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Lâm Đồng và các địa phương, trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng và chiến lược phát triển bền vững.

Lâm Đồng là nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc màu.
“Trên cơ sở xác định tầm nhìn và sứ mệnh của tỉnh Lâm Đồng mới, cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, định hình những động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Đây là kim chỉ nam để tỉnh Lâm Đồng lựa chọn hướng đi đột phá, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Lâm Đồng mới cần hướng tới 3 nhiệm vụ chính là: Phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo, cần khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa bản địa, di sản dân tộc, kết hợp hài hòa với công nghiệp hiện đại và các ngành công nghiệp văn hóa; Xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng theo hướng xanh, thông minh, trải nghiệm bản sắc thân thiện, khai thác tổng hòa lợi thế cảnh quan khí hậu, nông sản, lễ hội cộng đồng để tạo ra những chuỗi giá trị du lịch khác biệt, hấp dẫn và có sức lan tỏa trong và ngoài nước; Hiện đại hóa hạ tầng thương mại, logistics, nền tảng số, kết nối sản phẩm nông nghiệp thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng cao, sản phẩm OCOP với thị trường trong và ngoài nước.

Lâm Đồng cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, định hình những động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.
Ông Hà Kim Ngọc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nêu ba cụm từ khóa: diện mạo mới, sáng tạo mới và kết nối mới. Theo ông Hà Kim Ngọc, những yếu tố then chốt để Lâm Đồng vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trước tiên là cụm từ khóa diện mạo mới Lâm Đồng mới trong kỷ nguyên mới. Lâm Đồng mới không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, đa dạng. Lâm Đồng sở hữu ba di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh gồm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn và Khu dự trữ sinh quyển Langbiang. Đặc biệt, thành phố Đà Lạt còn vinh dự được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo. Lâm Đồng mới còn có Công viên địa chất toàn cầu Đắc Nông được UNESCO công nhận từ năm 2020, có làng nghề gốm truyền thống nổi danh lâu đời năm 2022 đã được UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Bình Thuận
Cụm từ khóa thứ hai là sáng tạo mới, sáng tạo là động lực để phát triển bền vững, sáng tạo trở thành yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược phát triển bền vững nào. Không chỉ là động lực thúc đẩy sự đổi mới trong mọi lĩnh vực, sáng tạo còn là công cụ quan trọng giúp các địa phương nâng cao giá trị văn hóa, đồng thời hội nhập sâu rộng với thế giới, sự gia nhập của các thành phố Việt Nam, trong đó có Đà Lạt và mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển lâu dài, đồng thời là công cụ hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Núi lửa Nâm Kar - một trong năm miệng núi lửa tiêu biểu trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Kết nối mới là chìa khóa để thành công trong hội nhập, trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, kết nối là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Lâm Đồng mới cần chủ động, tăng cường kết nối không chỉ trong phạm vi tỉnh mới, mà còn với các địa phương và đối tác quốc tế. Xây dựng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch và thương mại. Kết nối không chỉ đơn thuần là hợp tác kinh tế mà còn là sự giao lưu văn hóa, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Đà Lạt Thủ phủ của Lâm Đồng mới với vai trò là thành phố sáng tạo, có thể kết nối với các thành phố sáng tạo khác trong và ngoài nước để xây dựng các dự án giao lưu văn hóa, thúc đẩy du lịch và bảo tồn các giá trị di sản. Việc kết nối giúp các tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch quốc tế và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, thông qua kết nối, các tỉnh sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị thương hiệu của mình trên trường quốc tế.