Tinh gọn hệ thống thanh tra theo hướng nào để tránh chồng chéo, ngừa tiêu cực?

TS. Đinh Văn Minh cho rằng, nên tổ chức 2 loại hình thanh tra. Thanh tra hành chính phải được tập trung thống nhất (Trung ương và khu vực) và thanh tra chuyên ngành hướng vào kiểm soát việc chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành.

VietNamNet phỏng vấn TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) xung quanh nội dung này.

Theo ông Đinh Văn Minh, thanh tra, kiểm tra là một chức năng thiết yếu, là công cụ phục vụ quản lý nên thanh tra có ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra nằm trong tổng thể các cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát (tạm gọi chung là các cơ chế kiểm soát) của hệ thống chính trị nên trước hết cần xác định rõ vai trò của từng thiết chế trong hệ thống.

TS. Đinh Văn Minh. Ảnh: T.H

TS. Đinh Văn Minh. Ảnh: T.H

Từ đó, xác định chức năng nhiệm vụ cho phù hợp để làm sao vừa bảo đảm sự kiểm soát, không bỏ trống, bỏ sót, vừa không trùng lặp chồng chéo với nhau trong hoạt động. Điều quan trọng nhất trong một công việc là xác định ai làm việc gì, cũng giống như trong phim ảnh người đạo diễn phải xác định “vai” nào diễn “trò” gì trước khi chọn người thực hiện.

"Tôi có cảm giác mọi người quan tâm bàn luận nhiều hơn về cơ cấu tổ chức, chuyện tách nhập hơn là việc trước hết phải làm rõ tính chất của hoạt động thanh tra, kiểm tra để từ đó xác định vai trò, chức năng thanh tra và cơ cấu tổ chức để thực hiện công tác này sao cho hiệu quả", TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Hai loại hình thanh tra

Là người có thời gian dài gắn bó, rất am hiểu tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động của ngành thanh tra, theo ông đâu những vấn đề đặt ra trên thực tế cần thiết phải làm một cuộc cách mạng về tổ chức cơ quan thanh tra?

Hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng mang những “căn bệnh” chung trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đó là sự trì trệ, chồng chéo, hiệu quả, hiệu lực hạn chế không đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Nhiều năm qua, pháp luật thanh tra đã có nhiều thay đổi, cố gắng đáp ứng với yêu cầu quản lý nhưng một trong những vấn đề không được khắc phục triệt để là phân định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không rõ ràng. Ngay trong hệ thống các cơ quan thanh tra, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, còn sự lẫn lộn giữa hoạt động của cơ quan thanh tra và hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý.

Đó là chưa kể sự chồng chéo, trùng lặp rõ ràng giữa hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra với hoạt động kiểm tra và đặc biệt là hoạt động kiểm toán nhà nước. Pháp luật hiện nay dường như chỉ cố gắng xử lý vấn đề này thông qua thể thức phối hợp kiểu “anh làm thì tôi không làm” và ngược lại hoặc khi “đụng nhau” thì gặp gỡ trao đổi, thống nhất chứ chưa thực sự phân định rõ ràng ngay từ đầu ai làm việc gì.

Sự chồng chéo trùng lặp đó vừa gây lãng phí về thời gian, tiền bạc, con người, vừa ảnh hưởng đến đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ trước đến nay không ít lần Chính phủ phải có những chỉ thị để chấn chỉnh nhưng tình trạng này chưa được giải quyết triệt để.

Vậy cần phải làm gì để giải quyết căn bản tình trạng này, thưa ông?

Theo tôi, trước hết phải có cái nhìn tổng thể về sự vận hành của bộ máy nhà nước. Về cơ bản, để quản lý có hiệu quả thì có hai công việc cần phải làm.

Một là, kiểm soát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, kỷ cương cũng như tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự hình thành một không gian sáng tạo để phát huy mọi nguồn lực cho sự tăng trưởng kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.

Hai là kiểm soát việc thực thi pháp luật của chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhà nước để bảo đảm một “Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ” trong một Nhà nước kiến tạo phát triển, cũng chính là để đạt đến mục tiêu cuối cùng của hoạt động quản lý.

Trên cơ sở đó thiết kế hệ thống kiểm soát cho phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như phương thức hoạt động cho hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả phục vụ cho sự phát triển.

Thanh tra được coi là phương thức kiểm soát của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với hoạt động quản lý. Đây chính là lý do của sự tồn tại hai loại hình thanh tra hành chính (kiểm soát bộ máy) và thanh tra chuyên ngành (kiểm soát xã hội).

Sự phân biệt này chính thức được ghi nhận từ Luật Thanh tra 2004 nhưng về mặt nhận thức, trong quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành, vì những lý do khác nhau không được hiện thực hóa dẫn đến tổ chức hệ thống thanh tra cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trùng lặp, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Không nhất thiết là “dàn đều” nhưng cũng không bỏ sót

Vậy theo ông nên thiết kế hệ thống tổ chức thanh tra như thế nào là phù hợp?

Như tôi đã nói ở trên, trước hết xác định hai loại thanh tra, một loại hướng vào kiểm soát bộ máy hành chính và việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức (thường gọi là thanh tra hành chính hay thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ…).

Vì kiểm soát bộ máy nên tổ chức các cơ quan này phải được tập trung thống nhất (Trung ương và khu vực), mới bảo đảm sự độc lập khách quan trong hoạt động. Nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là những mảng công tác thể hiện sự kiểm soát đối với cơ quan quản lý.

Loại thứ hai là thanh tra ngành (hay chuyên ngành, lĩnh vực) thì hướng vào kiểm soát việc chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân, bảo đảm trật tự quản lý, nó phải thể hiện là công cụ của quản lý nên gắn bó và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý, người chịu trách nhiệm cao nhất trong phạm vi trách nhiệm của mình trong một lĩnh vực hoặc địa bàn.

Cũng cần nhắc lại rằng, các cơ quan quản lý cần đề cao hoạt động kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật, kiểm tra đôn đốc nhắc nhở và xử lý khi cần thiết để ngăn ngừa vi phạm. Chỉ tiến hành thanh tra khi thực sự cần thiết. Tùy theo nhu cầu quản lý từng ngành, lĩnh vực, địa phương mà tổ chức cơ quan thanh tra cho phù hợp, không nhất thiết là “dàn đều” nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo và cũng không bỏ sót.

Thiết kế như vậy sẽ làm rõ được đối tượng, phạm vi, mục đích cũng như cơ sở để xác định được chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, giải quyết căn bản tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động.

Thanh tra nào thì cũng chỉ thực hiện khi cần thiết. Việc kiểm tra thường xuyên là của cơ quan quản lý và việc đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được thực hiện định kỳ theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước.

Các hoạt động này cũng cần được cải tiến mạnh mẽ với việc áp dụng khoa học công nghệ, cùng với việc xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu quản lý liên thông, vừa là để “khử” chồng chéo, trùng lặp vừa để rút ngắn thời gian và bảo đảm sự minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong chính hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước.

Ông có nghĩ phương án tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra như vậy có thể gặp đụng chạm và không được sự ủng hộ của chính những người đang làm trong ngành?

Phương án nào cũng có cái hay cái dở, ý kiến nào thì cũng có khen, chê (cười). Cải cách mà không gặp sự phản đối thì không phải cải cách và cách mạng nào thì cũng có sự mất mát, hy sinh.

Vấn đề là mình đưa ra giải pháp gì, cần có cơ sở khoa học, thực tiễn thì mới thuyết phục và điều quan trọng nhất là phải làm cho công việc tốt hơn chứ không vì bất kỳ một lý do nào khác.

Sắp xếp lại nhằm tinh gọn để nâng cao hiệu quả hiệu lực của hệ thống tổ chức thanh tra cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác là phải lấy mục tiêu làm cho lĩnh vực công tác đó tốt hơn, chứ tuyệt nhiên không phải xuất phát từ mong muốn thuận lợi hơn cho công việc, cho lợi ích của một số người hay cho ngành, lĩnh vực của mình.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-gon-he-thong-thanh-tra-theo-huong-nao-de-tranh-chong-cheo-ngua-tieu-cuc-2367855.html
Zalo