Lựa chọn của Trung Quốc trước đòn thuế quan của ông Trump
Thay vì đối đầu trực diện như Canada hay Mexico, Trung Quốc thể hiện sự điềm tĩnh và tính toán chiến lược để giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan của ông Trump.
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đánh thuế mạnh hơn với Canada và Mexico ở mức 25%.
Trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhanh chóng tuyên bố áp thuế trả đũa 25% lên 105 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, còn Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng chuẩn bị các biện pháp phản ứng quyết liệt trước khi đạt thỏa thuận mới sau cuộc điện đàm với ông Trump vào ngày 3/2 (giờ Mỹ), thì Trung Quốc lại tỏ ra điềm tĩnh hơn bao giờ hết.
Phản ứng từ Bắc Kinh khá nhẹ nhàng, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “sự không hài lòng”, đồng thời khẳng định sẽ có “biện pháp đối phó tương ứng” mà không tiết lộ chi tiết.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định không nên vội vàng cho rằng Trung Quốc đang nhún nhường - trên thực tế, cả Bắc Kinh và các doanh nghiệp nước này đều đang tính toán những bước đi khôn ngoan và dài hạn hơn nhiều.
Chiến lược của Trung Quốc
Trong khi Canada và Mexico phản ứng quyết liệt bằng cách áp thuế trả đũa, Trung Quốc lại giữ thái độ kiềm chế hơn. Bắc Kinh không vội vàng tấn công thuế quan ngược lại mà đang tận dụng nhiều công cụ chính sách khác để bảo vệ nền kinh tế.
Quá khứ cho thấy Trung Quốc thường tránh phản ứng ngay lập tức với các động thái thương mại từ nước ngoài. Thay vào đó, họ giữ thái độ kiềm chế để tạo không gian cho các cuộc đàm phán kín. Sau cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết duy trì đối thoại, cho thấy khả năng hai bên sẽ tìm kiếm giải pháp hòa hoãn.
Sự kiềm chế này không có nghĩa là Trung Quốc chịu lép vế. Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có nhiều công cụ mạnh mẽ để đối phó, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng hoặc siết chặt quyền tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những tín hiệu cần theo dõi là cách Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, đồng tiền này đã lần đầu tiên rơi xuống mức 7,3 nhân dân tệ/USD, thấp nhất kể từ cuối năm 2023, cho thấy Bắc Kinh có thể chấp nhận để đồng nội tệ mất giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Dù vậy, nhiều chuyên gia không đồng tình với ý kiến rằng Trung Quốc sẽ phá giá đồng nhân dân tệ. Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered, dự báo: “Chúng tôi dự kiến Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào các biện pháp kích thích để thúc đẩy nhu cầu trong nước, thay vì phá giá mạnh đồng nội tệ để bù đắp tác động của thuế quan”
Ông cũng cho biết thêm tỷ giá giao ngay mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định vào thứ Tư tới sẽ là một chỉ báo quan trọng để đánh giá phản ứng của Bắc Kinh đối với việc tăng thuế quan, theo CNBC.
Theo chuyên gia Josh Lipsky của Hội đồng Đại Tây Dương, Trung Quốc có thể hấp thụ tác động thuế quan thông qua tỷ giá hối đoái thay vì đáp trả bằng chính sách thuế quan khác. Ông nhận định: “Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng những lời lẽ mạnh mẽ, nhưng các biện pháp kinh tế có thể nhẹ nhàng hơn nhiều”.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Trung Quốc có thể tập trung kích thích nền kinh tế nội địa. Từ trước khi Mỹ áp thuế, Bắc Kinh đã có kế hoạch tăng chi tiêu tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng và chống giảm phát, giúp doanh nghiệp trong nước vững vàng hơn trước áp lực thương mại từ Mỹ.
Theo chuyên gia Larry Hu của ngân hàng Macquarie, Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2025 - tương tự năm 2024 - và sẽ có những biện pháp bù đắp tác động từ thuế quan của Mỹ. Nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu, Bắc Kinh có thể tung thêm các gói kích thích vào quý II.
Cuộc đối đầu thương mại lần này phức tạp hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Trước đây, Trung Quốc là mục tiêu chính, nhưng nay cả Canada cũng bị áp thuế nặng hơn. Trong tương lai, có thể ông Trump sẽ tiếp tục nhắm đến châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ.
Điều này tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác khác, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nước này duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Bloomberg Economics ước tính đợt thuế quan mới có thể làm giảm 40% lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, khiến GDP nước này mất 0,9%. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo mức thuế 10% sẽ làm chậm tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc thêm 0,5% trong năm nay.
Dù vậy, các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng động thái của ông Trump lần này không quá nghiêm trọng như những gì thị trường lo sợ. Nếu Bắc Kinh đã có phương án dự phòng, họ có thể giữ thái độ kiềm chế và điều chỉnh phản ứng khi cần thiết.
Doanh nghiệp Trung Quốc: Chuẩn bị sớm, ứng phó linh hoạt
Ngay từ khi ông Trump đưa ra lời đe dọa áp thuế, các nhà sản xuất Trung Quốc đã không ngồi yên. Nhiều công ty đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để đối phó với tình huống xấu nhất: tăng giá bán, đa dạng hóa thị trường và thậm chí rời khỏi thị trường Mỹ nếu cần.
Điển hình, một số doanh nghiệp như công ty nội thất Tianyiled đã đẩy mạnh vận chuyển hàng sang Mỹ trước khi chính sách thuế quan có hiệu lực, đồng thời tăng giá bán lên khoảng 10% để bù đắp chi phí thuế quan.
Ông Harry Li, chủ một công ty nội thất, đang tăng gấp đôi số lượng sản phẩm vận chuyển sang Mỹ, đồng thời dự trữ hàng trong các kho tại đây, CNBC cho biết.
“Mỹ là thị trường quan trọng của chúng tôi, nên tôi phải chấp nhận rủi ro, xuất hàng trước khi thuế tăng”, ông chia sẻ. Nhờ vậy, ông có thể tăng giá bán thêm 10% mà không lo mất khách hàng.
Ngoài việc tích trữ hàng, ông Li còn tính đến phương án chọn các mặt hàng không bị áp thuế để xuất khẩu.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp như Tesran - doanh nghiệp sản xuất máy lọc nước ở Quảng Châu - đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Việt Nam, Malaysia hoặc thậm chí Dubai để né thuế Mỹ dù chi phí sản xuất cao hơn 30% so với Trung Quốc.
“Thị trường nội địa quá cạnh tranh, thuế quan của ông Trump là động lực để chúng tôi mở rộng ra thế giới”, ông Zheng Yu - chủ của Tesran chia sẻ về lý do tìm cách di dời dây chuyền sang một nước thứ ba. Ông Zheng cũng đàm phán với khách hàng Mỹ để chia sẻ chi phí thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm cách để cắt giảm phụ thuộc vào Mỹ. Nếu mức thuế bị đẩy lên 20-60%, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn mặn mà với thị trường Mỹ nữa mà tập trung mở rộng sang châu Âu, Đông Nam Á hoặc Trung Đông.
Ông Zheng cho biết nếu Mỹ áp thuế phổ quát như ông Trump từng đề xuất, chi phí sản xuất tại Dubai cũng không còn hợp lý và công ty ông sẽ rời khỏi thị trường này.
Tương tự, ông Leng Rong - chủ một công ty sản xuất mỹ phẩm - cũng lo ngại việc xuất khẩu sang Mỹ sẽ không còn khả thi. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, mức thuế 20% đã khiến công ty ông chịu tổn thất nặng nề.
“Trước đây, Mỹ là thị trường đáng mơ ước với mọi doanh nghiệp. Nhưng với chính sách khó lường như hiện nay, mọi thứ đã khác. Rất đáng tiếc”, ông Leng chia sẻ.