95 năm Đảng dẫn dắt đất nước tiến vào những kỷ nguyên phát triển- Bài 2: Phải dám nghĩ khác, làm khác để làm giàu cho đất nước
Mục tiêu đã đề ra, dù là thách thức lớn nhưng với quyết tâm tiến vào kỷ nguyên mới, Việt Nam phải đổi mới, xoay chuyển tình thế và có những bước đi mạnh mẽ.
Ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán 2025, Hội nghị Trung ương khóa XIII (ngày 23 và 24-1)đã quyết định bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030. Có thể nói đây là sự điều chỉnh rất quyết liệt của Đảng khi mà mới Hội nghị Trung ương hồi tháng 9-2024 chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,5%-7%, phấn đấu đạt 7%-7,5%...
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã chia sẻ như vậy với báo Pháp Luật TP.HCM nhân dịp 95 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2025).
Đặt mục tiêu lớn, tầm nhìn xa
. Phóng viên: Vào dịp này, bên cạnh câu chuyện tinh gọn bộ máy thì chúng ta cũng nghe bàn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, dường như rất thách thức. Ông cảm nhận thế nào?
+ TS Nguyễn Đức Kiên: Trung ương đã họp, đã quyết định về mặt chính trị. Mấy ngày nữa, Quốc hội sẽ họp để có quyết định chính thức về tổ chức bộ máy nhà nước. Khó khăn đấy nhưng phải làm, bởi bộ máy cũ, cách làm cũ thì không thể đột phá được.
Về mục tiêu tăng trưởng thì rõ ràng là rất cao. Nhưng là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền thì đương nhiên luôn phải đặt ra mục tiêu lớn, tầm nhìn xa… mới đúng với sứ mệnh của mình.
Đọc lại lịch sử thì thấy 95 năm trước, trong đêm đen nô lệ, Đảng đã đặt ra mục tiêu không tưởng là đánh đổ chế độ thực dân. Và Đảng đã làm được, lãnh đạo dân tộc thực hiện Cách mạng Tháng Tám để giành độc lập; rồi lần lượt đánh thắng những đế quốc rất lớn để thống nhất đất nước.
Giờ cũng vậy thôi, không thể không đặt mục tiêu cao để phấn đấu, để thực hiện. Thế mới là một Đảng cách mạng.
. Đến Đại hội XIII, chúng ta xác định mục tiêu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, năm 2030 thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Các mục tiêu tiếp theo này có lẽ cũng rất thách thức...
+ Thế thì mới phải cách mạng tinh gọn bộ máy, mới yêu cầu nhận thức về kỷ nguyên mới, về con đường phát triển mới...
Một hạn chế của chúng ta lâu nay là dù đặt mục tiêu chiến lược, dài hơi rất thách thức nhưng đi vào mục tiêu cụ thể, ngắn hạn của từng nhiệm kỳ năm năm thì lại được xác định theo khả năng trong tầm tay.
Cho nên tổng kết đại hội nào cũng thành công nhưng càng đến gần mục tiêu chiến lược, dài hạn trong cương lĩnh, mục tiêu cụ thể cho các năm 2030, 2045 thì càng thấy xa xôi. Có vẻ chúng ta đã nhận ra vấn đề này.
Cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu ưu tiên
Về chính sách hỗ trợ thì mọi nguồn lực quốc gia đều hữu hạn. Chúng ta nên xác định rõ đối tượng, mục tiêu ưu tiên.
Chẳng hạn, Đảng quyết định chọn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là khâu đột phá thì phải xây dựng chính sách để hỗ trợ cho các DN khoa học, công nghệ thật, có sản phẩm thật, tính ứng dụng cao.
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Đảng yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân năm phải khoảng 7% nhưng những năm qua chưa thực hiện được. Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã có những ý kiến rất mạnh mẽ, để rồi Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường trước Tết, trong đó có bàn một đề án riêng, bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.
Có thể nói đây là sự điều chỉnh rất quyết liệt của Đảng khi mà mới Hội nghị Trung ương hồi tháng 9-2024 chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,5%-7%, phấn đấu đạt 7%-7,5%; giai đoạn 2026-2030 chỉ định hướng mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5%-8,5%/năm, Quốc hội cũng đã họp quyết định theo định hướng này.
Chia nhỏ mục tiêu dài kỳ đến năm 2045 cho từng năm như vậy, lấy đó làm tiêu chí phấn đấu. Rồi đặt vấn đề khoán chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương. Cụ thể như thế mới thúc ép chính quyền các cấp tìm giải pháp.
“Phải phát triển để ổn định, chứ không chỉ là ổn định để phát triển”
. Tìm giải pháp tức là phải tìm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Để đạt tăng trưởng hai con số trong những năm tới, chúng ta phải làm gì?
+ Năm 2000, với việc công nhận quyền tự do kinh doanh, chúng ta bung ra, trăm hoa đua nở. Đấy là thời của phát triển theo chiều rộng, có thể nói là đã thành công.
Đến năm 2011, chúng ta thấy cần phát triển chiều sâu nên nỗ lực tạo ra các nắm đấm thép, đầu tư mạnh ngành, lĩnh vực mũi nhọn nhưng như tôi nói ở trên, không đạt mục tiêu. Năm 2021 thì đại dịch COVID-19 ập đến, cạnh tranh nước lớn gay gắt, chiến tranh Nga - Ukraine làm đảo lộn môi trường quốc tế...
Đổi mới đã giúp Việt Nam thoát nghèo, bước vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Nhưng nước nào cũng thế, chuyển từ thu nhập trung bình thấp sang trung bình cao, rồi thu nhập cao luôn là thách thức rất lớn. Cho đến nay, không nhiều quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Có nghĩa là muốn phát triển hơn nữa thì phải có con đường mới, cách làm mới, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ.
Giờ đây quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất cũng đã rõ. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh giờ phải phát triển để ổn định, chứ không chỉ là ổn định để phát triển. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra một cách mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị ít nhiều cho thấy quyết tâm đó.
Đảng cũng đã thấy rõ nếu quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, nếu thực sự muốn đất nước vươn mình, có thể phát triển nhanh và bền vững thì phải phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ở tầng cao nhất, từ nhận thức đã đi đến hành động rất nhanh. Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này và phân công Tổng Bí thư làm trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết quan trọng này. Hội nghị được truyền hình trực tiếp tới toàn dân. Chưa bao giờ công tác triển khai một nghị quyết của Đảng lại quyết liệt như vậy.
Ban Chấp hành Trung ương đã họp bất thường, thông qua mục tiêu mới đầy thách thức cùng tổng thể các giải pháp mới, mà nếu làm được sẽ tạo nên đột phá.
Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng đầu tiên phải lan tỏa tinh thần cải cách trong mấy triệu đảng viên của mình. Quan trọng hơn, chính cộng đồng doanh nghiệp (DN), không phân biệt hình thức sở hữu, cũng phải tự đổi mới chính mình, tìm cho mình cơ hội trong kỷ nguyên mới.
Trong chiến tranh, chúng ta đã dám nghĩ, dám thực hiện và đạt được những mục tiêu không tưởng. Thì giờ chúng ta phải dám nghĩ khác, làm khác để làm giàu cho chính mình, cho đất nước.
Những DN đầu tàu có thể vươn mình vào kỷ nguyên mới
. Trong ngần ấy năm đổi mới, đã 25 năm thừa nhận quyền tự do kinh doanh, chắc hẳn Việt Nam cũng đã xuất hiện những DN đầu tàu để có thể nghĩ tới kỷ nguyên mới?
+ Chúng ta đã có những DN vươn ra toàn cầu như Viettel. Họ không chỉ mạnh về viễn thông, về các mạng di động trong nước và một số thị trường Đông Nam Á, châu Phi… mà đã là nhà sản xuất phần cứng, không chỉ thiết bị viễn thông dân dụng mà cả các sản phẩm quốc phòng. Viettel đã tham gia sâu vào công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí, khí tài tiến tới xuất khẩu.
Chúng ta có VNPT với năng lực sản xuất cả phần cứng, phần mềm. Có FPT không chỉ mạnh về thương mại mà đang đi đầu trong gia công phần mềm, với nhiều công ty con ở nước ngoài, gắn với thị trường xuất khẩu, thị trường gia công.
Chúng ta có Masan, từ một công ty chuyên về khoáng sản, đứng top 3 nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới. Nhưng quá trình phát triển, họ thấy nếu chỉ vonfram thì nhu cầu thế giới chỉ đến vậy thôi nên đã chủ động mở rộng sản xuất thương mại, bán lẻ, đến nay có thể thấy đã phát triển thành công.
Cũng như vậy, Vingroup đóng góp cho xã hội những khái niệm mới về khu dân cư, khu đô thị hiện đại, với hệ sinh thái đầy đủ bệnh viện, trường học, siêu thị.
Và hơn thế nữa, chúng ta cần trân trọng với tỉ phú Phạm Nhật Vượng, cũng đi lên từ bất động sản nhưng đã quyết tâm chuyển sang làm công nghiệp, mà là ngành công nghiệp đầy thách thức là ô tô…
Không chỉ vậy, VinFast, thương hiệu ô tô Việt ra đời ban đầu với động cơ nhiên liệu hóa thạch đã dũng cảm chuyển nhanh sang xe điện, với chiến lược phát triển linh hoạt từ thị trường Mỹ tới Việt Nam, cùng hàng loạt sản phẩm đáp ứng đa dạng phân khúc nhu cầu của khách hàng.
. DN FDI nhiều năm qua đã trở thành trụ đỡ phát triển cho nền kinh tế. Thế nhưng dường như chúng ta không khỏi lo lắng khi mà khu vực này mới nặng về gia công và thâm dụng lao động phổ thông, khó bền vững. Ông đánh giá thế nào?
+ Chúng ta đang trở thành cứ điểm sản xuất cho Samsung, LG, đang là trung tâm sản xuất của nhiều hãng điện tử Nhật Bản, Hàn Quốc. Các DN FDI đã đóng góp rất lớn, là một trụ cột góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm năm qua khi mà kinh tế tư nhân trong nước có phần sa sút.
Tuy nhiên, nhìn vào kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác thì thấy rõ các nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc của thị trường, của tự do thương mại, tự do đầu tư toàn cầu. Nhà máy của họ mở ra ở Việt Nam quy mô lớn đấy nhưng khi đã hết khấu hao, khi khó tuyển dụng lao động, chi phí lương công nhân tăng, họ sẵn sàng đóng cửa chuyển đi nơi khác.
Vậy nên bài học với thu hút vốn FDI là phải có chuyển giao công nghệ nhưng chúng ta chưa làm được. Một phần do chính sách, phần khác do không có đối tác nội đủ mạnh, tạo ra các giá trị hấp dẫn, đủ để nhận lại công nghệ ngoại.
Gần đây chúng ta nói nhiều về lót ổ đón “đại bàng”. Chúng ta mời chào và NVIDIA cùng các hãng công nghệ, bán dẫn, chip đã tìm đến Việt Nam. Vậy nhưng nếu DN nội không đủ lớn, không có năng lực sản xuất mà chỉ mạnh về thương mại, về bất động sản thì dù tới đây chúng ta có những liên doanh, những nhà máy sản xuất chip, linh kiện điện tử, thiết bị bán dẫn thì cũng chỉ là tiếp tục làm gia công, như đang gia công lắp ráp điện thoại, máy tính.
“Chăm bón những cánh rừng tươi tốt đón ong về lấy hoa làm mật”
. Để tiến vào kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề là phải tìm con đường phát triển mới. Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề là cùng với việc lót ổ đón “đại bàng” thì cũng phải chuẩn bị những cánh rừng, cánh đồng đón những đàn ong đến lấy hoa làm mật. Vậy giải pháp để phát triển lực lượng DN tới đây nên thế nào?
+ Đầu tiên, chính các DN, doanh nhân, nhà đầu tư trong nước phải tự vận động, lột xác, chớp lấy cơ hội, vận hội mới. Không ai làm thay họ được.
Còn về mặt Đảng, Nhà nước thì Đại hội XIV đang đến gần, tôi cho rằng cần quyết đáp những chủ trương lớn để hỗ trợ DN phát triển.
Bình diện chung là cần rà soát hệ thống pháp luật, chấn chỉnh đội ngũ công chức để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Như Tổng Bí thư nói là cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển.
Nếu mọi sáng kiến, ý tưởng sản xuất, kinh doanh của người dân, DN đều có thể triển khai thì đấy chính là cánh rừng, cánh đồng tươi mát để thu hút những đàn ong tốt, giống ong tốt đến lấy hoa làm mật.
. Xin cảm ơn ông.
Có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp Việt đột phá
Hội nghị Trung ương bất thường hồi tháng 1 đã thông qua chủ trương điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên 8%, chuẩn bị tiền đề để năm tiếp theo đến 2030 tăng trưởng hai con số. Đây là mục tiêu rất thách thức nhưng có lẽ thách thức hơn nữa là chất lượng tăng trưởng, làm sao để thu nhập, đời sống thực tế của người dân cũng tăng tương xứng.
Do vậy, ngoài giải pháp đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để qua đó cải thiện thứ bậc của từng DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào các chuỗi cung ứng có hàm lượng công nghệ cao, chúng ta cũng phải có chính sách hỗ trợ DN trong nước tăng cường hợp tác, liên kết với nhau.
Chẳng hạn, chính sách ưu đãi về thuế cho những DN lớn để họ có thể vươn lên đứng đầu hoặc có trọng lượng trong chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa, kéo theo các DN nhỏ cùng phát triển. Với những DN nhỏ, siêu nhỏ nếu tham gia vào chuỗi thì được hỗ trợ về công nghệ, về đào tạo nghề.
Chúng ta đang đặt kỳ vọng nhiều vào các lĩnh vực công nghệ, mới nổi. Vậy thì Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển cho những fintech mà Việt Nam đang sở hữu... Những fintech như vậy cần được ủng hộ để hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, tín dụng, khơi thông dòng chảy vốn ở mọi cấp độ trong đời sống kinh tế.
Giai đoạn tới, đầu tư công vào hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc cũng như hạ tầng đô thị theo mô hình TOD sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó chúng ta cũng hy vọng vào quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong những lĩnh vực mới như bán dẫn…
Quá trình ấy, đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư. Các DN lớn trong nước sẽ tham gia tích cực, chủ động vào quá trình này, vừa tạo ra các giá trị mới, vừa tiếp tục củng cố năng lực khoa học, công nghệ thông qua quá trình chuyển giao công nghệ, nội địa hóa.
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN
*****
2 phương án tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030
Đại hội XIII đầu năm 2021 được tổ chức ở thời điểm đại dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn căng thẳng nhưng Đảng vẫn xác định những mục tiêu cụ thể rất cao.
- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nhưng có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng: Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nhưng đã có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội XIII cũng thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD.
Trong đó, định hướng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2021-2026) là tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 6,5%-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD.
Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD. Ảnh: TTXVN
Tại thời điểm này, dự thảo văn kiện Đại hội XIV đang tiếp tục được xây dựng để chuẩn bị gửi về lấy ý kiến cơ sở. Một số tính toán cho thấy tiêu chí của một nước phát triển và thu nhập cao vào năm 2045 thì thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) lúc đó khoảng 21.000 USD (tương đương với GDP/người 22.000 USD); tỉ lệ lao động nông nghiệp dưới 10% tổng lao động; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; có nền công nghiệp hiện đại, làm chủ một số công nghệ nền, công nghệ nguồn.
Cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ từ năm 2021 đến nay, để đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2045 thì về kinh tế, có thể tính toán hai phương án tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030. Trong đó, nếu xác định theo phương án thấp thì giai đoạn tiếp theo 2030-2045 sẽ phải chịu nhiều áp lực tăng trưởng hơn. Còn nếu thực hiện theo phương án cao thì sẽ tạo ra dư địa tốt hơn để có thể hoàn thành mục tiêu chiến lược năm 2045.
Cụ thể, phương án thấp là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026-2030 chỉ khoảng 7,5%-8,5%/năm; quy mô GDP đạt 780-800 tỉ USD; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.400-7.600 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 6,5%-7,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân năm năm khoảng 34%-35% GDP.
Phương án cao thì giai đoạn 2026-2030 cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm; đến năm 2030, quy mô GDP là 890 tỉ USD; GDP bình quân đầu người 8.400 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân năm năm khoảng 40% GDP.
Tại Hội nghị Trung ương bất thường vừa qua, Bộ Chính trị đã báo cáo và Trung ương thống nhất đề án bổ sung về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tới. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 phải liên tục đạt hai con số.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu bế mạc cho biết đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
NGHĨA NHÂN