Tinh gọn bộ máy để tìm người tài, loại người không đáp ứng
Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ giúp chọn được người tài mà còn loại thải những người không đáp ứng được trong bộ máy.
Quan trọng nhất là sử dụng hiệu quả con người
Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Trong đó, nội dung liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng, chủ trương mà Tổng Bí thư đề ra sẽ thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) khẳng định, tinh gọn là một chủ trương đúng. Đảng đã có nhiều văn bản, Nghị quyết liên quan đến tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy.
Tuy nhiên, đây là vấn đề đòi hỏi phải tính toán một cách hết sức thận trọng và phải phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương, từng đặc điểm kinh tế, chính trị xã hội.
"Vấn đề quan trọng nhất là con người phải được sử dụng một cách hiệu quả. Do đó, tôi ủng hộ việc tinh gọn của bộ máy theo hướng hiệu quả, hiệu lực", đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trước tiên phải đánh giá, rà soát, mô tả lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng phòng ban, từng tổ chức, bộ máy, từng cán bộ… từ đó lên một phương án tổng thể theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
"Chúng ta cũng cần lưu ý quy mô kinh tế, quy mô dân số của đất nước. Trong thời gian qua, khi bộ máy hay đội ngũ cán bộ vẫn giữ đúng quy mô trong khi dân số tăng cao hơn thì điều đó cũng có nghĩa là tinh giản. Thực hiện chủ trương này cần có một quyết tâm chính trị rất cao", ông Ngân nói.
Không thể tinh gọn kiểu cào bằng
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, chủ trương của Tổng Bí thư về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, tất cả các đơn vị, bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu phải sắp xếp, tinh gọn lại và hướng về cơ sở, để bộ máy cấp trên và cơ sở phải có sự thống nhất trong công tác điều hành.
Theo nữ đại biểu, tinh gọn ở cơ sở cũng phải tùy vào tình hình ngành nghề chứ không thể chia tỷ lệ, cào bằng như hiện nay. Tinh giản kiểu cơ học, nghĩa là nghỉ hưu là sẽ không tuyển dụng thêm mà chưa có chính sách để đánh giá thực tế cán bộ. Chính vì vậy, bộ máy vẫn rất cồng kềnh.
"Ví dụ, đối với ngành giáo dục, chúng ta không thể cứ tinh giảm hàng năm 10% mà phải tùy thuộc vào tỷ lệ học sinh. Đặc biệt, quan điểm của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó phải có giáo dục, phải có giáo viên.
Hay tại một số bộ, ngành, tôi cũng được thông tin rằng, nếu tinh gọn thêm khoảng vài ba chục cán bộ thì vẫn hoạt động một cách thông suốt. Vậy thì ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng ta phải quyết liệt rà soát, phải có một cơ chế để cho những người không đủ năng lực nghỉ việc", đại biểu Minh chia sẻ.
Đại biểu Minh kỳ vọng, quá trình đánh giá sẽ được thực hiện quyết liệt hơn nữa để thật sự "tinh" về bộ máy và cả trí tuệ trong bộ máy để thật sự đem lại hiệu quả.
Cuộc cách mạng giải quyết vòng luẩn quẩn "tách - nhập, nhập - tách"
Trao đổi với Báo Giao thông, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là hướng tới mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư nói.
Theo ông Minh, nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ sẽ đặt ra những yêu cầu khác nhau. Như vậy bộ máy hành chính cũng phải đáp ứng tương xứng từ yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu của tổ chức đó để chúng ta thiết kế ra bộ máy. Quan trọng nhất trong một tổ chức là phải rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bố trí nhân sự để vận hành tổ chức đó.
Với ý kiến về vòng luẩn quẩn "tách - nhập, nhập - tách "nhưng không giải quyết được vấn đề, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là lý do phải cần một cuộc cách mạng để đánh giá những tổ chức tồn tại trước đây có thực sự hiệu quả, hiệu năng, hiệu lực hay không.
"Chúng ta phải tính toán lại một bài toán đổi mới tổ chức căn bản. Phải nghiên cứu nguồn lực một cách căn cơ, bài bản, đồng bộ trong cùng một thời điểm. Như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, chính là tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm chi phí, thời gian", ông Minh nói.
Đồng thời, người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng cảnh báo tình trạng có thể xảy ra trước khi sắp xếp bộ máy, đó là sự mong ngóng, đợi chờ không biết là tới đây thế nào, có khi trùng xuống. Điều đó sẽ lãng phí nguồn lực của xã hội, lãng phí thời gian của bao nhiêu con người.
Về bài toán dôi dư cán bộ sau khi sáp nhập, ông Vũ Đăng Minh cho biết, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải làm sao thiết kế được bộ máy cho khoa học, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở thiết kế bộ máy, phải bố trí đúng người, đúng việc, phải đánh giá xem ai vào vị trí nào phù hợp với vị trí đó và phát huy tốt được vị thế đó.
"Nghị quyết 27 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XIII đã nhắc đến việc phải có một cơ chế cạnh tranh và thải loại. Chúng ta có thể tìm người tài để bố trí vào những vị trí cần người tài, đồng thời xem xét để thải loại những người không đáp ứng được công việc ra khỏi bộ máy. Nghị quyết 27 nêu rõ, quan trọng chúng ta có quyết tâm, có dám làm hay không", ông Minh nói.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.