Tin vui: Sẽ miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025-2026
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trên cơ sở các kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội
Ngày 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo báo Người Lao Động, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trên cơ sở các kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chính phủ đề xuất sẽ áp dụng chính sách từ năm học 2025 - 2026.
Đối với hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trung học cơ sở tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng học phí.

Chính phủ đề xuất sẽ áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh công lập từ năm học 2025 - 2026. Ảnh: Cô và trò trường Mầm non Sen Hồng, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội trên fanpage của trường.
Do vậy, việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Quy định trên cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục và các Kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, cả nước có tổng cộng 23,2 triệu học sinh, trong đó khối công lập chiếm phần lớn với 21,5 triệu, và 1,7 triệu học sinh theo học tại các trường ngoài công lập. Trong đó, 4,8 triệu là trẻ mầm non, 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.
Ước tính tổng kinh phí để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước từ ngày 1-9-2025 là 30.000 tỉ đồng. Trong đó, khối công lập là 28,7 ngàn tỉ đồng; Khối dân lập, tư thục là 1,9 ngàn tỉ đồng. Như vậy, để triển khai đầy đủ chủ trương mở rộng miễn giảm và hỗ trợ học phí theo kết luận của Bộ Chính trị, ngân sách nhà nước cần tăng thêm 8.200 tỉ đồng.
VietNamNet cho hay, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Liên quan kinh phí, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025-2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai nghị quyết này.