Tin tức kinh tế 4/12: giá bán bất động sản tăng gần 60% trong 5 năm
Giá vàng tăng nhẹ trở lại; Hà Nội thu ngân sách 11 tháng đạt 447.200 tỷ đồng; giá bán bất động sản tăng gần 60% trong 5 năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/12.
Giá bán bất động sản tăng gần 60% trong 5 năm
Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%.
Đơn vị này cũng đưa ra con số so sánh. Một người Việt ở độ tuổi 30-40, với mức thu nhập trung bình, thì cần đi làm khoảng 26 năm mới mua được một căn hộ ở mức trung bình. Bất động sản hiện vẫn là một trong những kênh đầu tư được người Việt Nam ưa chuộng.
Giá vàng tăng nhẹ trở lại
Giá vàng thế giới trong ngày 4/12 giao ngay ở mức 2.643,4 USD/ounce, tăng 4,2 USD/ounce so với đêm qua.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 83-85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên giá niêm yết ở cả chiều mua và bán ra so với sáng nay.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 82,6-84,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên giá niêm yết ở cả chiều mua và bán ra so với sáng nay.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 83,1-84,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên giá niêm yết ở cả chiều mua và bán ra so với sáng nay.
Hà Nội thu ngân sách 11 tháng đạt 447.200 tỷ đồng
UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính đến đầu tháng 12/2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện được 447.200 tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó: thu nội địa 416.600 tỷ đồng, vượt 10,1% dự toán và tăng 18,5%; thu từ dầu thô 3.800 tỷ đồng, vượt 26,6% và bằng 92,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 26.500 tỷ đồng, đạt 98,1% và tăng 20,8%.
Giải ngân vốn ODA tại các bộ, ngành mới đạt hơn 39%
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch năm 2024 của các bộ ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng qua gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước cùng kỳ năm 2023 (đạt khoảng 53,16% kế hoạch).
Thống kê cho thấy có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn như Bộ Tài nguyên và Môi trường (87,76%), Bộ Giao thông vận tải (58,35%)… Có 4/10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp là Bộ NN&PTNT (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (6,82%).
Áp lực tăng nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực
Theo báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố, ghi nhận nợ xấu tăng lên 56.400 tỷ đồng, tương đương tăng 27,8% so với đầu năm. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt vào cuối Quý III/2024 như VPbank ở mức 4,81%; Bản Việt bank 4,7%; OCB 4,1%.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định, khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng so với thực tế do các khoản nợ được cơ cấu sẽ ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: “Cơ chế của Thông tư 02 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tức là không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền để có nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng. Thực chất là quá trình này phải đi kèm với các giải pháp từ các tổ chức tín dụng như trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm an toàn về tài chính, an toàn vốn và nâng cao hiệu quả tín dụng”.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp còn chậm sau cơn bão Yagi làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Theo thông tin cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, toàn hệ thống ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vẫn đang được ngân hàng tiếp tục cơ cấu theo Thông tư 02, tăng thêm 27.000 tỷ đồng so với con số ước tính cuối tháng 9/2024. Điều này cũng đồng nghĩa những khoản nợ này sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai khi không được gia hạn thêm.