Tin tức kinh tế 25/11: ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm
Giá vàng quay đầu giảm; ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm; tăng nguồn cung để kéo giảm giá nhà… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 25/11.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm
Các ngân hàng và công ty tài chính đang tăng cường cho vay tiêu dùng dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên Đán 2025.
Tại hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, báo cáo cho thấy tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hoạt động này đang phát triển mạnh nhờ sự phục hồi kinh tế và chính sách hỗ trợ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Báo cáo tài chính từ các tổ chức lớn như VPBank, HD SAISON, EVN Finance, và VietCredit cho thấy tín dụng tiêu dùng đang phục hồi rõ rệt. Đặc biệt, HD SAISON đạt lợi nhuận trước thuế 906 tỷ đồng, tăng 126% so với năm ngoái, trong khi EVN Finance tăng 56,8%. Dù vậy, tình trạng nợ xấu vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi các tổ chức tín dụng tiếp tục tinh chỉnh chiến lược và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Giá vàng quay đầu giảm
Giá vàng thế giới trong ngày 25/11 giao ngay ở mức 2.664,53USD/ounce, giảm 1,8% so với kết phiên ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 25/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội công bố ở mức 84,6 – 86,6 triệu đồng/lượng(mua vào/bán ra), giảm 400.0000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng nhẫn ở mức 84,50 – 86,00 triệu đồng/lượng(mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 84,80 – 86,20 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Dự báo cả năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu chạm mốc 800 tỷ USD
Đến thời điểm này, chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2024, song các chuyên gia nhận định kim ngạch xuất khẩu của cả nước có thể hoàn thành mục tiêu đạt mốc 800 tỷ USD. Nhận định này được đưa ra dựa trên nhiều tín hiệu tốt, điển hình như: tính đến hết tháng 10/2024, ngành rau quả đã vượt mục tiêu cả năm 2024 là 6 - 6,5 tỷ USD, đạt 6,4 tỷ USD, tăng hơn 31% so cùng kỳ và vượt mốc kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023; xuất khẩu tiêu đặt kế hoạch năm 2024 khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên, sau 10 tháng, kim ngạch đã vượt mục tiêu một cách ngoạn mục, đạt 1,1 tỷ USD.
Tăng nguồn cung để kéo giảm giá nhà
Tình trạng thị trường vừa bị mất cân bằng cung cầu, vừa bị lệch về phân khúc nhà là nguyên nhân khiến giá nhà đất bị đẩy cao phi lý. Bởi vậy, việc tăng nguồn cung là giải pháp cấp bách để kéo giảm giá nhà.
Theo các chuyên gia, để tăng nguồn cung trước hết phải tháo gỡ một số bất cập trong quy định pháp luật, cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình, thực hiện mục tiêu phát triển một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản.
Chính phủ có thể cân nhắc tìm kiếm thêm nguồn vốn từ nước ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế. Dưới góc độ quản lý, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết Chính phủ đã đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm.
Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, nghị quyết thí điểm này sẽ góp phần khơi thông nguồn cung cho thị trường, góp phần hạ nhiệt giá nhà.
Dự trữ ngoại hối hao hụt 8-10 tỷ USD trong năm 2024
Nhận định về thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung cầu ngoại tệ.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm vừa qua, tuy nhiên cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng.
Trong khi đó, theo VDSC, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8-10 tỷ USD). Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.