Tin Thị trường: Giá dầu thế giới không có nhiều biến động

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần; Giá khí đốt tại Châu Âu tăng mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Nga...

Ảnh minh họa: Forex

Ảnh minh họa: Forex

Giá dầu thế giới biến động nhẹ

Tính đến đầu giờ chiều nay 30/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,5 USD/thùng - giảm 0,14%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 74,11 USD/thùng - giảm 0,08%.

Ngày 26/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025, cũng như những cảnh báo niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp yếu kém, cùng với những trở ngại trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng vào năm tới.

Giới đầu tư đang để mắt đến các cuộc khảo sát chỉ số PMI của nhà máy Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 31/12/2024 và cuộc khảo sát tháng 12 của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) sẽ được công bố vào ngày 3/1/2025.

Tại Châu Âu, hy vọng về một thỏa thuận vận chuyển khí đốt mới của Nga qua Ukraine đang ngày càng mong manh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào ngày 26/12 rằng không còn thời gian trong năm nay để ký một thỏa thuận mới. Các nhà phân tích cho biết việc không còn khí đốt của Nga qua đường ống sẽ khiến Châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hơn.

Tuần này, thị trường sẽ đóng cửa vào ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế trong tuần cũng sẽ có những tác động nhất định. Thị trường cũng dõi theo thị trường lao động Mỹ, đặc biệt là dữ liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần sẽ được công bố vào ngày 2/1.

Giá khí đốt tại Châu Âu tăng mạnh

Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của Châu Âu đã tăng vọt vào cuối tuần vừa qua khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khả năng đạt được thỏa thuận mới về việc vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua Ukraine là rất thấp.

Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của Châu Âu, đã tăng vọt vào đầu ngày 27/12 tại Amsterdam tới 5%.

Ông Putin đã nhấn mạnh rằng, không còn thời gian để đạt được một thỏa thuận trung chuyển khí đốt mới giữa Nga và Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng việc không có thỏa thuận hoàn toàn là do lỗi của Ukraine.

Cho đến nay, Ukraine đã từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện đang có hiệu lực. Sự từ chối mà Tổng thống Putin cho rằng chỉ gây tổn hại cho Châu Âu.

Thỏa thuận trung chuyển đã bắt đầu cách đây gần năm năm và chính thức hết hạn vào ngày 31/12/2024, và nếu thỏa thuận này thực sự hết hạn mà không có thỏa thuận mới, nó thực sự sẽ gây khó khăn cho một số quốc gia Châu Âu.

Lượng khí đốt tự nhiên chảy từ Nga qua Ukraine và vào Châu Âu thông qua thỏa thuận đường ống hiện tại là khoảng 15 tỷ m3 hoặc ít hơn 10% tổng lượng khí đốt mà Nga vận chuyển đến Châu Âu trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Hai tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã họp tại Brussels để thảo luận về vấn đề thay thế khí đốt của Nga, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ không thảo luận về ý tưởng tiếp tục trung chuyển khí đốt cho Nga.

Thuế quan của ông Trump đe dọa ngành công nghiệp ô tô Châu Âu

Trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1, ngành công nghiệp ô tô vốn đã gặp khó khăn của Châu Âu đang phải chuẩn bị cho những trở ngại hơn nữa trước những mối lo về thuế quan.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ áp mức thuế quan mới cao đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc, Canada và Mexico ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, một lời hứa có thể châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại.

Đây rõ ràng là tin xấu đối với các nhà sản xuất ô tô Châu Âu vốn đã chứng kiến doanh số và sản xuất sụt giảm ở những thị trường hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc.

Mức thuế quan này sẽ không chỉ gây khó khăn cho các thương hiệu ô tô hàng đầu Châu Âu, mà còn đối với các quốc gia Trung và Đông Âu có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất chúng.

Toma Savic, cựu Giám đốc hãng Zastava, một thương hiệu sản xuất ô tô quốc tế của Serbia đã đóng cửa vào năm 2008, cho biết thuế quan sẽ là một đòn giáng đặc biệt nặng nề đối với các hoạt động tại quốc gia Balkan này.

Zastava sau này trở thành Fiat Chrysler Automobiles Serbia, thuộc sở hữu của Stellantis.

Ngành công nghiệp ô tô của Đức cũng có khả năng rất dễ bị tổn hại trước mức thuế quan mà ông Trump đã tuyên bố, đặc biệt là khi nền kinh tế lớn nhất Châu Âu lại là nước xuất khẩu ô tô chở khách lớn nhất khu vực sang Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô Châu Âu và Mỹ có thể mất tới 17% tổng lợi nhuận cốt lõi hàng năm của họ nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với Châu Âu, Mexico và Canada.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-the-gioi-khong-co-nhieu-bien-dong-722625.html
Zalo