Ukraine 'khóa van' chấm dứt kỷ nguyên khí đốt giá rẻ Nga ở châu Âu?

Sau nhiều thập kỷ hoạt động, từ hôm qua (1/1/2025), dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức dừng chảy, khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Dù đã lường trước và có sự chuẩn bị cho kỷ nguyên không còn khí đốt giá rẻ Nga, châu Âu vẫn sẽ phải cảm nhận những tác động rõ rệt, với chi phí tăng cao.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu, là hành động của chính quyền Kiev nhằm “trừng phạt” châu Âu.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua lại cho đây là “một trong những thất bại lớn nhất”, từ kinh tế cho đến tham vọng sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí của Nga. Tuy nhiên, ông Zelensky cũng không quên kêu gọi Mỹ và các nước trên thế giới giúp châu Âu “lấp đầy khoảng trống” mà Nga để lại.

Đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu (Ảnh: Reuters)

Đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng coi quyết định của Ukraine là một chiến thắng mới của phương Tây trước Nga, so sánh nó có ý nghĩa như việc NATO kết nạp thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển.

Theo ước tính, trước mắt, Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga sẽ mất khoảng 5 tỷ USD mỗi năm, khi không bán được khí đốt cho châu Âu qua tuyến đường Ukraine; còn Ukraine sẽ mất từ 800 triệu đến 1 tỷ USD tiền phí trung chuyển. Để giúp bù đắp tác động, Ukraine đã ngay lập tức quyết định tăng gấp 4 lần giá cước vận chuyển khí đốt cho người tiêu dùng trong nước từ hôm qua.

Theo giới chuyên gia, EU đã tìm được nguồn cung thay thế là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, nguồn cung cấp qua đường ống từ Na Uy. Tuy nhiên, châu Âu sẽ vẫn cảm nhận được tác động khi chi phí năng lượng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp so với Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Philipp Lausber nhận định: “Có những giải pháp thay thế, nhưng chúng có xu hướng đắt hơn một chút so với khí đốt từ đường ống của Nga. Tác động sẽ được cảm nhận đặc biệt ở Áo, Hungary và Slovakia, nơi giá khí đốt có khả năng tăng. Và điều này có thể tác động đến giá cả tiêu dùng, chi phí sinh hoạt và cả các ngành công nghiệp và sự cạnh tranh của các ngành công nghiệp đó. Điều này còn có thể khiến một số nhóm dân chúng tại châu Âu sẽ chỉ trích nhiều hơn các chính phủ về sự ủng hộ cho Ukraine.”

Slovakia và Áo – là 2 trong số ít quốc gia châu Âu còn lại mua khí đốt Nga qua Ukraine, cũng đã sắp xếp được nguồn thay thế; trong khi Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt của Nga thông qua dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen.

Tuy vậy, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo, quyết định ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng đối với Liên minh châu Âu (EU) mà lại không ảnh hưởng đáng kể tới Nga. Theo ông Robert Fico, động thái này có thể khiến EU phải chi trả thêm khoảng 120 tỷ euro phí năng lượng trong hai năm tới, dẫn tới giảm sức cạnh tranh kinh tế của khối. Để đáp trả Ukraine, nhà lãnh đạo Slovakia dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine trong thời gian tới.

Trên thực tế, giá khí đốt ở châu Âu hôm qua đã chạm đỉnh trong vòng 1 năm, do những lo ngại trước diễn biến mới. Moldova - nước cũng phụ thuộc vào luồng khí đốt Nga vận chuyển qua Ukraine trước đó đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với tình trạng thiếu khí đốt. Các nước châu Âu cũng đang “đau đầu” nghĩ cách để hỗ trợ nước này.

Từ sáng qua (1/1), vùng Transdniestria của Moldova đã quyết định nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình. Công ty năng lượng địa phương kêu gọi người dân mặc ấm, treo chăn hoặc rèm dày trên cửa sổ và cửa ban công, và sử dụng lò sưởi điện.

Đình Nam/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ukraine-khoa-van-cham-dut-ky-nguyen-khi-dot-gia-re-nga-o-chau-au-post1146160.vov
Zalo