Quan hệ Nga - Liên minh châu Âu năm 2025: Khi lòng tin sụt giảm nghiêm trọng

Quan hệ giữa Nga và châu Âu đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022. Liệu xu hướng căng thẳng giữa các bên sẽ tiếp tục trong năm 2025?

Mối quan hệ hoàn toàn nguội lạnh

Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã nguội lạnh, nhất là khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Không gian đối thoại chính trị giữa các bên ngày càng bị thu hẹp, thay vì hợp tác được thúc đẩy trong các vấn đề kinh tế - thương mại như trước kia, thì ngày nay, các biện pháp trừng phạt, bao vây cấm vận của EU đối với Nga không ngừng được siết chặt, tăng cường.

Các cuộc gặp thượng đỉnh Nga - EU đã nhường chỗ cho các hội nghị thượng đỉnh của riêng châu Âu và phương Tây, tập trung vào việc tịch thu tài sản “bị đóng băng” của Nga và cô lập ngoại giao đối với Nga, như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga vào một số nước châu Âu, cắt đứt liên lạc với các tổ chức văn hóa của Nga…

 Ảnh minh họa: GI

Ảnh minh họa: GI

Giới phân tích cho rằng, xu hướng đối đầu giữa Nga và EU sẽ còn kéo dài. Luận điểm này hoàn toàn có cở sở bởi thực tế là các nước châu Âu trong giai đoạn 2022 - 2024 đã có thể thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga (ở các mức độ khác nhau) nhờ sử dụng dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và nguồn cung cấp khí đốt từ Qatar và Bắc Phi. Điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của lãnh đạo các nước EU trong việc khôi phục quan hệ với Moscow.

Xu hướng đối đầu giữa Nga và EU nói riêng, các nước phương Tây nói chung, khó có thể bị đảo ngược bởi sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai và các thỏa thuận có thể có về Ukraine mà bản thân EU cũng khó có thể hình dung ra được.

Hơn nữa, sự biến động của đời sống chính trị ở Đức trước cuộc bầu cử năm 2025 hay sự thay đổi liên tục của chính phủ ở Pháp bộc lộ những khó khăn, thách thức mà chính các nước châu Âu đang phải đối mặt. Những thách thức trong nước, trong khu vực khiến họ khó có thể đảo ngược chính sách đối ngoại với Nga.

Chính sách cứng rắn của EU

Vào năm 2025, EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục siết chặt các chính sách trừng phạt nhằm vào Nga, tập trung vào việc chống lại các bên trung gian giúp các công ty Nga “lách” lệnh cấm vận; đồng thời, tăng cường hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự cho Ukraine, bất kể diễn biến của cuộc xung đột… Cũng sẽ có những cách tiếp cận mới đối với khung khổ pháp lý liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga.

Có hai lý do giải thích cho xu hướng này. Thứ nhất, xét về mặt tư duy chiến lược, EU mới bắt đầu giai đoạn tự chủ chiến lược. Người châu Âu nhận thấy rằng, EU cần giữ một vị trí trong hệ thống an ninh châu Âu mới, song vẫn chưa xây dựng được bước đi, lộ trình thực hiện cụ thể.

Kết quả là, thường có những tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine, gửi quân đội dự bị, kêu gọi tăng cường trang bị cho quân đội châu Âu, nhưng hậu quả của những xung lực này đối với căng thẳng giữa Nga-EU hay tình hình an ninh châu Âu không được tính đến một cách đầy đủ.

Mặc dù, trong nội bộ châu Âu hiện nay, cách tiếp cận trong quan hệ với Nga còn tồn tại sự khác biệt, song xu hướng cứng rắn sẽ tiếp tục là chủ đạo, ít nhất là trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Tổng thống Donald Trump, đồng thời, cũng sẽ kích thích quá trình “tự chủ chiến lược” của châu Âu.

Thứ hai, lòng tin chính trị giữa Moscow và Brussels, có thể nói, đã xuống đến mức thấp chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo quan điểm của EU, Nga là “mối đe dọa đối với an ninh châu Âu”, đặc biệt là sườn phía đông của EU, đồng thời làm suy yếu nền tảng của trật tự thế giới. Ngược lại, Nga cũng xem chính sách hướng Đông của các nước phương Tây là mối đe dọa đối với môi trường an ninh của nước Nga.

Sự căng thẳng chưa thấy hồi kết

Mỗi bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau và xây dựng hình ảnh về đối thủ theo cách riêng, mặc dù những hình ảnh này có thể tương phải rất nhiều so với thực tế nếu không có giao tiếp ở các cấp độ khác nhau và trao đổi thông tin đầy đủ. Như các nhà ngoại giao châu Âu đã nói vào năm 2022, “tiếng súng đã át đi giá trị của ngoại giao”.

Gần 3 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ván cược của các bên có thể nói là đều không thành công với những thiệt hại nặng nề về kinh tế, con người mà phải sau rất nhiều năm mới có thể phục hồi lại trạng thái trước chiến tranh. Và, các hoạt động xúc tiến ngoại giao giữa các bên tiếp tục đình trệ, làm tăng thêm sự ngờ vực trong bối cảnh thiếu thông tin.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, ngay cả các cuộc đàm phán hòa bình được xúc tiến để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine cũng sẽ không làm thay đổi bản chất mâu thuẫn, bất đồng giữa Moscow và Brussels, sẽ không dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Tuy nhiên, xét từ quan điểm phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường an ninh khu vực, các bên hiểu rằng, giải pháp duy nhất chỉ có thể là chấm dứt đối đầu và ngồi vào bàn đàm phán. Hiện nay, ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức châu Âu mong muốn cải thiện hợp tác với Nga và chờ đợi “bức màn căng thẳng” được hạ xuống.

Vì vậy, để hướng tới tương lai, các bên cần những hình thức giao tiếp ổn định, ở nhiều cấp độ khác nhau để thu hẹp bất đồng, xây dựng lòng tin chính trị. Và có lẽ, không có thời điểm nào phù hợp hơn để các bên xúc tiến đối thoại là vào năm 2025, đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày quốc tế đa phương và ngoại giao vì hòa bình.

Hùng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quan-he-nga--lien-minh-chau-au-nam-2025-khi-long-tin-sut-giam-nghiem-trong-post328289.html
Zalo