Tin thế giới 12/5: Tổng thống Mỹ nhận quà 'cung điện bay', Anh sắp có 'cổ phần' trong quân đội EU, Algeria thêm dầu vào lửa với Pháp
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin thế giới đáng chú ý trong 24 giờ qua.

Trung Quốc công bố Sách trắng về an ninh quốc gia trong thời đại mới, nhấn mạnh vai trò của Bắc Kinh như một điểm tựa ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. (Nguồn: Task and Purpose)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc công bố Sách trắng an ninh: Ngày 12/5, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng về an ninh quốc gia trong thời đại mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong minh bạch hóa chính sách an ninh quốc gia của nước này với cộng đồng quốc tế.
Sách trắng gồm 6 phần chính, trong đó nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc như một điểm tựa ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Tài liệu này đề cao cách tiếp cận toàn diện về an ninh quốc gia, được xem là tư duy chiến lược quan trọng đầu tiên kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Điểm đáng chú ý trong Sách trắng là việc Trung Quốc khẳng định theo đuổi con đường an ninh quốc gia mang đặc sắc riêng, với ba trụ cột chính: lấy an ninh nhân dân làm mục tiêu tối thượng, an ninh chính trị làm nhiệm vụ cơ bản và lợi ích quốc gia làm nguyên tắc chỉ đạo.
Về chiến lược phát triển, Bắc Kinh nhấn mạnh sự cân bằng giữa an ninh và phát triển, theo đuổi mục tiêu phát triển chất lượng cao đi đôi với đảm bảo an ninh cấp cao. Sách trắng cũng đề cập đến Sáng kiến An ninh toàn cầu, thể hiện tầm nhìn của Trung Quốc về xây dựng cộng đồng có chung tương lai cho nhân loại. (THX)
* Ấn Độ mở lại không phận nhờ lệnh ngừng bắn: Sau khi Ấn Độ và Pakistan đạt được lệnh ngừng bắn cuối tuần qua, ngày 12/5, New Delhi thông báo mở lại 32 sân bay đã bị đóng cửa trước đó do xảy ra giao tranh gây căng thẳng khu vực Nam Á.
Hãng hàng không hàng đầu của Ấn Độ, IndiGo, thông báo sẽ dần khôi phục hoạt động các chuyến bay bị tạm dừng. Cách đây 2 ngày, Cục Quản lý sân bay Pakistan cũng thông báo mở lại toàn bộ không phận sau khi hai nước đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ngay lập tức.
Pakistan và Ấn Độ nhất trí hạ súng sau cuộc họp kéo dài 48 giờ giữa quan chức hai bên với giới chức Mỹ do Phó Tổng thống James David Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn dắt, giúp hạ nhiệt căng thẳng sau 4 ngày giao tranh. (Times of India)
* Nội các mới "tràn đầy năng lượng" của Australia: Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử liên bang, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 12/5 đã công bố nội các mới của nhiệm kỳ thứ hai, chuẩn bị cho lễ tuyên thệ sẽ diễn ra trong sáng 13/5 tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, dưới sự chủ trì của Toàn quyền Sam Mostyn.
Tại cuộc họp báo tổ chức tại Sydney, Thủ tướng Albanese xác nhận rằng Công đảng đã giành được 92 ghế tại Hạ viện, trong khi công tác kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục tại các khu vực như Bean, Calwell và Longman. Theo dữ liệu mới nhất từ Đài truyền hình quốc gia ABC, với 83,9% số phiếu đã được kiểm, Công đảng đang trên đà giành được khoảng 93/150 ghế, đánh dấu một cột mốc lịch sử bởi trước đó chưa bao giờ Công đảng nắm quá 90 ghế trong Hạ viện, và chưa có đảng nào vượt quá con số 94.
Thủ tướng Albanese nhấn mạnh rằng đây là một nội các “tràn đầy năng lượng, tài năng và năng lực”, không chỉ ở Hạ viện mà còn ở Thượng viện, sẵn sàng hiện thực hóa chương trình nghị sự đầy tham vọng để “thay đổi đất nước tốt đẹp hơn”. (ABC)
Châu Âu
* Anh sắp có "cổ phần" trong quân đội EU: Tờ Times ngày 12/5 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ công bố thỏa thuận chung về quốc phòng và an ninh trong tuần tới, qua đó giúp London trở thành một phần trong chính sách quốc phòng châu Âu.
Theo khuôn khổ thỏa thuận, EU đồng ý mở cửa cho Anh tham gia chính sách an ninh và quốc phòng chung của khối, trong đó bao gồm khả năng điều động quân đội từ các nước thành viên EU tham gia các "nhiệm vụ gìn giữ hòa bình" và "phòng thủ tập thể của các quốc gia châu Âu".
Thỏa thuận cũng yêu cầu hai bên tăng cường hợp tác nhằm nâng cao khả năng cơ động quân sự, bảo đảm việc di chuyển nhanh chóng và thông suốt của quân đội trên lãnh thổ châu Âu. Ngoài ra, Anh có thể tham gia mọi cuộc diễn tập quản lý khủng hoảng của EU.
Văn kiện này quy định các bên có nghĩa vụ tiến hành "tham vấn chiến lược" 6 tháng một lần về "các lĩnh vực cùng quan tâm" bên cạnh cơ chế cho phép London tham gia các cuộc họp nội bộ của EU, kể cả trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu. (Times)
* Thủ tướng Anh siết chặt vấn đề nhập cư: Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 11/5 công bố một loạt biện pháp mới nhằm giảm nhập cư. Theo đó, nhiều người nhập cư đã sinh sống tại Anh sẽ phải chờ đợi lâu hơn để có thể được cấp quy chế thường trú.
Với mục tiêu nâng cao khả năng kiểm soát hiệu quả và giảm bớt người nhập cư, Anh sẽ tăng cường thực thi nghiêm ngặt hơn ở mọi khía cạnh trong hệ thống nhập cư - bao gồm thị thực lao động, đoàn tụ gia đình và thị thực du học. Các quy định mới sẽ tạo ra một hệ thống mang tính kiểm soát, chọn lọc và công bằng, khi lượng nhập cư ròng (số người đến Anh trừ đi số người rời đi) đạt 728.000 người từ tháng 6/2023-6/2024 và gần 1 triệu người vào năm trước.
Điểm nhấn trong các biện pháp này là việc kéo dài thời gian chờ đợi để người nhập cư được hưởng các quyền lợi phúc lợi xã hội. Theo đó, thời gian để người nhập cư được tự động định cư và nhập quốc tịch sẽ tăng lên 10 năm, thay vì 5 năm như hiện tại. Tuy nhiên, những lao động có tay nghề cao, như y tá, bác sĩ, kỹ sư và chuyên gia trí tuệ nhân tạo, sẽ được ưu tiên xét duyệt nhanh hơn. (Sky News)
* Nga phóng hơn 100 UAV vào Ukraine: Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine, Nga tiến hành đợt tấn công quy mô lớn bằng thiết bị bay không người lái (UAV) vào rạng sáng ngày 12/5, nhắm vào nhiều khu vực trên toàn lãnh thổ Ukraine.
Theo thông báo của không quân Ukraine trên kênh Telegram, cuộc tấn công bắt đầu từ 23 giờ ngày 11/5, với tổng cộng 108 UAV do Nga phóng đi. Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ thành công 55 chiếc, trong khi 30 UAV giả lập khác đã mất dấu dọc đường mà không gây thiệt hại. Các UAV bị bắn rơi được ghi nhận tại nhiều khu vực bao gồm miền Đông, miền Bắc, miền Nam và miền Trung Ukraine.
Đợt tấn công này diễn ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ đề xuất này, coi đó là "tối hậu thư". Thay vào đó, ông Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine vào ngày 15/5, một sáng kiến nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Sudan răn đe Nam Sudan bằng dầu mỏ: Chính phủ Sudan ngày 11/5 cảnh báo hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nam Sudan thông qua nước này có khả năng bị gián đoạn sau các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí.
Bộ Năng lượng và dầu mỏ Sudan cho biết, các cơ sở hạ tầng quan trọng như trạm bơm và kho nhiên liệu tại các vùng do quân đội kiểm soát đã bị Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tấn công trong các ngày 8 và 9/5.
Nam Sudan là quốc gia không giáp biển và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đường ống dẫn dầu qua lãnh thổ Sudan ra Biển Đỏ để xuất khẩu khoảng 110.000 thùng/ngày. Phía Sudan được hưởng phí trung chuyển, nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng do xung đột kéo dài.
Thỏa thuận vận chuyển dầu giữa hai nước từng bị đình chỉ do chiến sự và mới chỉ được nối lại từ tháng 1/2025. Tuy nhiên, các cuộc tấn công gia tăng của RSF nhằm vào cơ sở quân sự, hạ tầng dân sự và năng lượng tại Sudan đang khiến thỏa thuận này một lần nữa đứng trước nguy cơ bị gián đoạn. (Sudan Tribune)
* Burkina Faso rung chuyển do tấn công khủng bố: Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đồng loạt diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp Burkina Faso trong ngày 11/5 với trọng tâm là thành phố Djibo, tỉnh Soum, phía Bắc nước này. Đây là khu vực nơi các nhóm thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đang tìm cách giành quyền kiểm soát.
Rạng sáng 11/5, một nhóm tay súng thuộc chi nhánh của al-Qaeda tại vùng Sahel của châu Phi Jama'a Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (JNIM) đã mở cuộc tấn công dữ dội nhằm vào doanh trại quân đội tại Djibo. Cuộc tấn công này kéo dài trong nhiều giờ, khiến hàng chục người thiệt mạng, bao gồm cả dân thường và quân nhân.
Ngoài Djibo, các khu vực khác như Sabcé (vùng Trung Bắc Burkina Faso), Sollé (miền Bắc), Yondé (Trung Đông) và Boko (Trung Bắc) cũng bị các phần tử có vũ trang tấn công. Vụ việc trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống chuyển tiếp Burkina Faso, Đại úy Ibrahim Traoré kết thúc chuyến công du tại Nga.
Burkina Faso hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng bạo lực do các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan gây ra ở khu vực Sahel với hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong những năm gần đây. (Reuters)
* Algeria "thêm dầu vào lửa" với Pháp: Ngày 11/5, chính quyền Algeria trục xuất 2 nhân viên tình báo Pháp với cáo buộc sử dụng hộ chiếu ngoại giao giả để nhập cảnh trái phép, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng. Những cá nhân này là thành viên của Cục An ninh nội địa Pháp và đã không tuân thủ các thủ tục pháp lý khi vào lãnh thổ Algeria. Hiện phía Pháp chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc trên.
Cùng ngày, Algeria đã triệu đại biện lâm thời Pháp tại Algiers và yêu cầu trục xuất ngay lập tức một số nhân viên của đại sứ quán Pháp với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các nghi thức ngoại giao. Động thái này diễn ra sau khi Algeria chỉ trích Pháp do bổ nhiệm nhân viên ngoại giao và lãnh sự quán mà không thông báo trước hoặc không được công nhận chính thức, vi phạm các chuẩn mực quốc tế và thỏa thuận song phương.
Căng thẳng lại bùng phát trong quan hệ giữa Algiers và Paris sau khi Algeria kịch liệt phản đối quyết định của Pháp tạm giữ một cán bộ lãnh sự Algeria tại Pháp để phục vụ điều tra trước khi xét xử liên quan đến cáo buộc bắt cóc một công dân Algeria trên lãnh thổ Pháp. (APS)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
* Hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung: Giới chức Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 tuyên bố nhất trí đạt thỏa thuận cắt giảm thuế đối ứng, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại đã làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và khiến thị trường tài chính chao đảo.
Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối ứng với hàng hóa Trung Quốc từ 125% xuống còn 10%. Tuy nhiên, mức thuế 20% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc liên quan đến vấn đề chất gây nghiện fentanyl vẫn còn hiệu lực, nên tổng thuế quan còn lại sau khi giảm là 30%, có thời hạn trong 90 ngày.
Đáp lại, Trung Quốc tạm dừng hoặc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan với tổng tỷ lệ 115% đối với hàng hóa Mỹ và chỉ giữ lại mức thuế 10%. Ngoài ra, nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp hành chính cần thiết để tạm ngừng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan đã được áp dụng đối với Mỹ từ ngày 2/4. Hai bên cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp trên trước ngày 14/5 và kéo dài trong 90 ngày. (AFP)
* Tổng thống Mỹ nhận quà "cung điện bay": Ngày 12/5, Hạ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ Ritchie Torres yêu cầu điều tra về thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định nhận một chiếc Boeing 747-8, dòng máy bay được mệnh danh là "cung điện bay", trị giá khoảng 400 triệu USD dưới danh nghĩa quà tặng từ gia đình Hoàng gia Qatar.
Ông Torres cho rằng, với trị giá ước tính khoảng 400 triệu USD, chiếc máy bay này sẽ là "món quà có giá trị nhất từng được một chính phủ nước ngoài tặng cho một Tổng thống Mỹ".
Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thống Trump khẳng định trên mạng xã hội X: "Việc Bộ Quốc phòng nhận được MÓN QUÀ MIỄN PHÍ là một chiếc máy bay 747 để thay thế tạm thời cho chiếc Air Force One đã 40 năm tuổi, trong một giao dịch rất công khai và minh bạch, lại khiến các đảng viên Dân chủ bất mãn đến mức họ khăng khăng rằng chúng ta phải trả GIÁ CAO NHẤT cho chiếc máy bay này". (Axios)
* Argentina phát hiện kho tài liệu Thế chiến II: Ngày 11/5, Tòa án Tối cao Argentina cho biết gần đây đã tìm thấy 83 thùng hàng chứa tài liệu của phát xít Đức đã bị chính quyền nước này tịch thu trong Thế chiến II và cất giữ tại tầng hầm của tòa án.
Các thùng hàng này do Đại sứ quán Đức tại Tokyo gửi đến Argentina vào tháng 6/1941 trên một con tàu Nhật Bản có tên “Nan-a-Maru”. Vào thời điểm đó, lô hàng lớn này đã khiến giới chức chú ý, do lo ngại rằng nội dung bên trong có thể ảnh hưởng lập trường trung lập của Argentina trong chiến tranh.
Bất chấp tuyên bố từ các nhà ngoại giao Đức khi đó rằng những thùng hàng chỉ chứa đồ cá nhân, hải quan Argentina đã chọn kiểm tra ngẫu nhiên 5 thùng hàng. Họ phát hiện bưu thiếp, ảnh và tài liệu tuyên truyền của chế độ phát xít, cũng như hàng nghìn cuốn sổ tay của đảng Quốc xã, sau đó ra lệnh tịch thu toàn bộ và chuyển vụ việc lên Tòa án Tối cao. (Buenos Aires Times)