Tin nổi bật: Cả nước sẽ có 11 đặc khu thuộc tỉnh; TPHCM ưu tiên di dời gần 15.000 căn nhà ven kênh rạch; Đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư
Những thông tin về việc sẽ chuyển các huyện đảo thành đặc khu thuộc tỉnh và nghiên cứu tách Phú Quốc thành 2 đặc khu là một trong những tin tức thu hút độc giả trong hôm nay (15-4).
Dự kiến cả nước có 11 đặc khu thuộc tỉnh
Theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương, cả nước sẽ có 11 đặc khu thuộc tỉnh từ các huyện đảo, bao gồm Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Côn Đảo. Riêng tỉnh Kiên Giang sẽ nghiên cứu thành lập 2 đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu sau khi tách xã Thổ Châu thành một huyện riêng.
Các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay sẽ được chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã với tên gọi là đặc khu. Các xã biệt lập, khó kết nối hoặc có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, chủ quyền không bắt buộc phải sắp xếp. Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không đáp ứng tiêu chuẩn nhưng không thuộc trường hợp đặc biệt, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ đã nghiên cứu đề xuất sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo hướng bỏ cấp huyện, chỉ còn ba loại hình là xã, phường và đặc khu; không còn các đơn vị như quận, huyện, thị xã, thị trấn, thành phố thuộc tỉnh hay thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Sau sắp xếp, số xã, phường dự kiến giảm còn khoảng 60-70% so với hiện nay.
TPHCM ưu tiên di dời gần 15.000 căn nhà ven kênh rạch

TPHCM ưu tiên di dời gần 15.000 căn nhà ven kênh rạch. Ảnh: Lê Vũ
Sáng 15-4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cùng các sở, ban, ngành thành phố đã khảo sát thực địa khu vực bờ kênh Đôi, rạch Xóm Củi và các khu đất dự kiến xây dựng nhà tái định cư thuộc đề án chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của quận 8. Ông Được cho biết, dự án chỉnh trang nhà ven kênh rạch được xem là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển đô thị thành phố.
Đề án di dời bao gồm 14.950 hộ dân, trong đó có 9.440 căn nằm hoàn toàn trên đất liền ven rạch, 3.473 căn nhà một phần trên rạch, 1.589 căn nhà hoàn toàn trên rạch và 448 căn hộ thuộc chung cư cũ Phạm Thế Hiển. Các khu vực di dời cụ thể bao gồm bờ Nam kênh Đôi, bờ Tây rạch Xóm Củi, bờ Đông rạch Xóm Củi, rạch Du, rạch Ông Nhỏ (đoạn từ rạch Ông Lớn đến cầu Kênh Xáng) và chung cư cũ Phạm Thế Hiển.
Thành phố dự kiến sử dụng vốn ngân sách khoảng 105.179 tỉ đồng để lập các dự án, trong đó triển khai 2 dự án nhà ở xã hội và 7 dự án nhà tái định cư. Cùng với đó là thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho 14.950 hộ dân với tổng kinh phí khoảng 70.170 tỉ đồng. TPHCM cũng dự kiến chuẩn bị khoảng 11.471 căn hộ để phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân.
Giá vàng và giá đô la vẫn biến động
Trưa 15-4, giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục với 108 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đã tăng giá vàng miếng SJC thêm 300.000 đồng mỗi lượng so với đầu ngày, giá mua vào là 105,5 triệu đồng/lượng và bán ra 108 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trên thị trường cũng tăng từ 300.000 đến 600.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng mạnh 15 đô la Mỹ/ounce so với đầu ngày, lên 3.230 đô la/ounce.
Về tỷ giá trung tâm, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh thêm 70 đồng trong buổi sáng 15-4, nâng tổng mức tăng lên 80 đồng. Giá đô la trên thị trường tự do cũng tăng thêm 40 đồng, lên 26.060 đồng chiều mua vào và 26.160 đồng chiều bán ra.
Chứng khoán giảm gần 14 điểm, đứt mạch tăng

Kết phiên giao dịch hôm nay (15-4), chỉ số VN-Index giảm gần 14 điểm sau chuỗi tăng trưởng. Ảnh: T.Đào
Kết phiên giao dịch hôm nay (15-4), chỉ số VN-Index giảm gần 14 điểm sau chuỗi tăng trưởng. Áp lực chốt lời ngắn hạn trên diện rộng đã khiến nhiều cổ phiếu giảm giá. Nhóm bất động sản khu công nghiệp chịu áp lực xả hàng mạnh, nhiều cổ phiếu trụ cột giảm sâu. Nhóm ngân hàng cũng giảm đồng loạt. Các nhóm ngành khác như dầu khí, thép, cảng biển, bất động sản cũng chịu áp lực chốt lời.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, với gần 1,07 tỉ cổ phiếu được giao dịch trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt 24.200 tỉ đồng.
Đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư
Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, bao gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đề xuất này dựa trên Nghị định 130/2024 và tiến độ lắp đặt hạ tầng.

Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, trong đó có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Minh Duy
Mức phí dự kiến là 900 đồng/km cho 4 tuyến chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn (4 làn xe, làn dừng khẩn cấp không liên tục) và 1.300 đồng/km cho tuyến Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự kiến việc thu phí 5 tuyến này sẽ nộp ngân sách khoảng 1.700 tỉ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Các tuyến cao tốc còn lại chưa đủ điều kiện thu phí sẽ được nghiên cứu lập đề án khai thác giai đoạn sau. Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất được trực tiếp khai thác, quản lý và bảo trì các đoạn cao tốc này, với hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC).
Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 150 tỉ đô la
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun đã nhất trí hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.
Đây là thông tin được đưa ra tại kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc và kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên đã thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực điện lực, dầu khí, năng lượng sạch, điện hạt nhân. Việt Nam hoan nghênh sự tham gia, mở rộng đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào các dự án LNG và dầu khí.