Tín hiệu báo động khi Iran thay đổi chính sách hạt nhân

Các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã kêu gọi lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei hủy bỏ sắc lệnh tôn giáo cấm phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu lãnh tụ tối cao Iran xem xét lại sắc lệnh này, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Tehran và có thể dẫn đến việc đẩy nhanh chương trình hạt nhân.

Những diễn biến ảnh hưởng đến chính sách hạt nhân Iran

Các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã kêu gọi lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei hủy bỏ sắc lệnh tôn giáo cấm phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích nhận định rằng, nếu lãnh tụ tối cao Iran xem xét lại sắc lệnh này, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Tehran và có thể dẫn đến việc đẩy nhanh chương trình hạt nhân. Động thái này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Israel và các đồng minh phương Tây.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã ban hành sắc lệnh cấm vũ khí hạt nhân từ giữa những năm 1990 và công khai tuyên bố vào năm 2003, khẳng định rằng việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân đi ngược lại các nguyên tắc Hồi giáo. Đây là nền tảng trong chính sách chính thức của Iran về vấn đề hạt nhân.

Với Israel và nhiều nước khác, tham vọng hạt nhân của Tehran vẫn là một mối đe dọa.

Tổng thống Trump và tôi đã thảo luận về việc Iran tìm kiếm việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Bất chấp việc Israel cáo buộc Iran đang âm thầm làm giàu uranium đến cấp độ vũ khí, chính quyền Tehran khẳng định, họ thực hiện động thái trên chỉ nhằm sản xuất điện và phục vụ y học.

Tuy nhiên, trước những diễn biến căng thẳng gần đây, đặc biệt là các cuộc không kích của Israel nhằm vào cơ sở quân sự của Iran gần Tehran trong năm 2024 đã làm dấy lên tranh luận trong nội bộ Iran về chiến lược quốc phòng.

Các cuộc tấn công này được cho là nhắm vào các địa điểm liên quan đến sản xuất tên lửa và các cơ sở nghiên cứu hạt nhân trước đây của Iran, cho thấy lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của nước này.

Theo đó các chỉ huy IRGC lập luận rằng, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là điều cần thiết để bảo đảm sự sống còn của Iran và đối phó với những mối đe dọa hiện hữu. Họ lập luận rằng, sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra một lá chắn răn đe mạnh mẽ chống lại các đối thủ.

Nhưng bước đi như vậy chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, dẫn đến áp lực trừng phạt gia tăng, thậm chí là cuộc tấn công phủ đầu ngay lập tức do Mỹ và Israel thực hiện nếu họ nhận thấy yêu cầu của Bộ Tư lệnh IRGC được thông qua.

Năng lực hạt nhân của Iran

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung giữa Iran và nhóm P5+1 (nhóm gồm 5 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân của Iran.

Cụ thể, Tehran bị hạn chế làm giàu uranium ở độ tinh khiết không quá 3,67%, duy trì kho dự trữ khoảng 300 kg, cũng như chỉ vận hành các máy ly tâm IR-1 thô sơ. Tuy nhiên, từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, Iran đã liên tục thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình.

Iran đã vượt quá ngưỡng làm giàu uranium theo thỏa thuận tại nhiều địa điểm, tích trữ một lượng uranium làm giàu cấp độ thấp vượt xa mức giới hạn, đồng thời mở rộng số lượng và đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển máy ly tâm.

Quan chức Iran gần đây nói rằng, Tehran đã tích lũy đủ năng lực để chế tạo vũ khí, đồng thời có thể xem xét lại cam kết suốt hai thập kỷ qua của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei về không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Fereydoun Abbasi, cựu lãnh đạo cơ quan nguyên tử Iran, hồi cuối tháng 9/2024 tuyên bố, Tehran có thể bắt đầu làm giàu uranium với tỷ lệ 90%, tương đương cấp độ vũ khí. Quan chức Mỹ cho biết, Iran sẽ mất chưa đầy hai tuần để chuyển đổi kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân với tỷ lệ làm giàu 60% thành nguyên liệu để chế tạo vũ khí.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran là quốc gia duy nhất không có vũ khí hạt nhân nhưng lại làm giàu uranium ở mức cao tới 60% (chỉ thấp hơn một chút so với cấp độ vũ khí), đồng thời Iran vẫn tiếp tục tích trữ lượng uranium lớn.

IAEA đánh giá, Tehran đã tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân của mình và hiện có đủ vật liệu để chế tạo một số quả bom nguyên tử.

Nếu Cộng hòa Hồi giáo Iran thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, nước này sẽ thay đổi hoàn toàn động lực trong chính sách đối ngoại của mình. Những kịch bản quân sự có thể bao gồm cả răn đe và đe dọa các nước láng giềng để đạt được mục tiêu chiến lược.

Các nhà hoạch định chính sách Iran có thể noi gương Ấn Độ bằng cách kiểm soát chặt chẽ kho vũ khí và chỉ sử dụng nó khi xuất hiện mối đe dọa hiện hữu đối với nước này.

Tuy nhiên, một kịch bản khác có thể xảy ra là mô hình của Pakistan, trong đó vũ khí hạt nhân chiến thuật luôn tiềm ẩn được sử dụng trên thực địa để đẩy lùi những mối đe dọa quân sự tiềm tàng.

Sự tiến triển nhanh chóng trong chương trình hạt nhân và các cuộc thảo luận ngày càng cởi mở về vũ khí hạt nhân đang làm gia tăng quan ngại về hướng về Iran. Với tình hình hiện tại, mọi hy vọng khôi phục JCPOA đang ngày càng xa vời.

New York Times dẫn nguồn tin từ Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết, một nhóm các nhà khoa học bí mật có trụ sở tại Tehran đã được giao nhiệm vụ tìm ra một phương pháp mới để chế tạo bom nguyên tử, cho phép chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của nước này thành vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng thay vì vài năm.

Nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về phương pháp mới, nhưng mô tả đây là "một cách tiếp cận nhanh hơn". Iran được cho là có đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo ít nhất bốn quả bom.

Ấn phẩm này lưu ý, mặc dù chính quyền Iran chưa chính thức ra quyết định về việc sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng thông tin tình báo cho biết, Tehran đang tìm kiếm các biện pháp răn đe và bảo vệ mới trước những cuộc tấn công tiềm tàng từ Israel và Mỹ.

Mặt khác, những diến biến gần đây trong khu vực - bao gồm các cuộc tấn công vào mục tiêu của Iran, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al - Assad và sự suy yếu của lực lượng Hezbollah... đã thúc đẩy Tehran đẩy nhanh các hoạt động hạt nhân của nước này.

Theo NYT, thông tin tình báo này được thu thập trong những tháng cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và đã được chia sẻ với nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump.

Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI) - một nhóm đối lập lưu vong có trụ ở Paris của Pháp cho biết, Iran đang phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 3.000 km.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 13/2 đưa ra tuyên bố mạnh mẽ khẳng định năng lực của Tehran trong việc xây dựng các cơ sở mới trong trường hợp các trung tâm hạt nhân của nước này bị tấn công.

Họ đang đe dọa tấn công các trung tâm hạt nhân của chúng ta. Họ có thể đánh trúng các tòa nhà, nhưng họ không thể đánh trúng những bộ óc đã xây dựng chúng. Hãy để họ phá hủy một trăm trung tâm, hàng nghìn trung tâm như vậy sẽ được xây dựng lại.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Ông Pezeshkian đưa bình luận trên sau khi nhật báo Washington Post dẫn nguồn tin tình báo Mỹ dự báo Israel có khả năng sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào chương trình hạt nhân của Iran vào giữa năm nay.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran

Những phát ngôn và động thái gần đây giữa lãnh đạo Iran và Mỹ cho thấy, căng thẳng giữa hai nước đang bị đẩy lên cao. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 12/2 nói rằng, nước này cần phát triển hơn nữa năng lực quân sự, bao gồm cả tên lửa. Tuyên bố được đưa ra sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với Tehran nếu nước này từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân.

Phát biểu tại cuộc triển lãm quốc phòng của Iran ở Thủ đô Tehran, ông Khamenei nhấn mạnh sức mạnh phòng thủ để răn đe là điều quan trọng nhất với Tehran.

Nhà lãnh đạo tinh thần của Iran cho biết, trước đây nước này đã đặt ra giới hạn về độ chính xác của tên lửa, nhưng bây giờ cần phải tiến xa hơn.

Tiến trình không nên dừng lại, chúng ta không thể hài lòng với hiện tại. Nếu trước đây chúng ta đặt ra giới hạn về độ chính xác của tên lửa, giờ đây chúng ta cần phải tiến lên.

Ông Ayatollah Ali Khamenei - Lãnh tụ tối cao Iran

Phát biểu của ông Khamenei được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani lên án những gì ông gọi là "tuyên bố liều lĩnh và kích động" của ông Trump trong các cuộc phỏng vấn với New York Post và Fox News, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn đàm phán với Iran để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân thay vì các chiến dịch quân sự, như oanh kích.

Ông Iravani cũng cảnh báo rằng, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Iran sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục lại chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Iran trong đó có việc ép xuất khẩu dầu của nước này về con số 0 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Trước cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump đã ký bản ghi nhớ tái áp đặt chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Iran - vốn được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.

Theo bản ghi nhớ, ông Trump ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ áp đặt "áp lực kinh tế tối đa" đối với Iran, bao gồm các lệnh trừng phạt và cơ chế thực thi đối với những bên vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành. Bản ghi nhớ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện chiến dịch nhằm "đẩy xuất khẩu dầu của Iran về mức 0".

Khi ký bản ghi nhớ, ông Trump mô tả đây là hành động cứng rắn và cho biết ông rất phân vân không biết có nên thực hiện nó hay không. Tổng thống Trump nói thêm ông sẵn sàng thỏa thuận và mong muốn được nói chuyện với nhà lãnh đạo Iran.

Tôi rất thích một Thỏa thuận hòa bình hạt nhân được xác lập, điều này sẽ giúp Iran phát triển và thịnh vượng một cách hòa bình. Chúng ta nên bắt đầu giải quyết vấn đề này ngay lập tức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, xuất khẩu dầu của Tehran mang lại 53 tỷ USD vào năm 2023 và 54 tỷ USD vào năm 2022. Sản lượng trong năm 2024 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, theo dữ liệu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tiếp đó, ngày 6/2, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hơn 10 cá nhân và công ty bị cáo buộc tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô của Iran sang Trung Quốc mỗi năm.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 8/2 tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không thể khiến Tehran khuất phục, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tự cường: “Họ cho rằng nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt và phong tỏa, Iran sẽ chết đói. Nếu có ý chí, chúng ta sẽ tìm ra cách... Nếu chúng ta dựa vào chính mình, chúng ta sẽ đạt được những gì mong muốn. Chúng ta mong muốn đứng đầu khu vực trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và công nghệ”.

Ông bày tỏ tin tưởng Iran sẽ đạt được mục tiêu này “thông qua những nỗ lực to lớn,” dù mọi việc không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei khẳng định, Tehran sẽ có biện pháp đối phó nếu phải đối mặt với những hành động gây sức ép từ phía Mỹ.

Phát biểu trong một cuộc họp với không quân Iran tại Tehran vào 7/2, ông Ali Khamenei nhận định những chiến lược của Mỹ không phù hợp với tình hình thực tế. Ông khẳng định Iran sẽ không nhượng bộ trước những áp lực từ bên ngoài.

Nếu Mỹ và các đồng minh áp đặt thêm các lệnh phong tỏa và trừng phạt đối với Iran, hoặc thậm chí cho tàu chiến tuần tra ở vùng biển xung quanh để chặn hoặc bắt giữ các tàu chở dầu và tàu chở hàng của Iran, thì không loại trừ khả năng Iran sẽ thực hiện một số hành động quân sự, chẳng hạn như áp dụng chiến lược hộ tống có vũ trang, do đó xảy ra đối đầu với lực lượng trên biển của Mỹ và phương Tây.

Xét theo tình hình hiện tại, Iran chủ yếu đưa ra cảnh báo với Mỹ, muốn cảnh tỉnh rằng nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép với Iran, Iran cũng có khả năng đáp trả bằng các biện pháp quân sự, bao gồm cả việc phong tỏa các tuyến giao thông quan trọng trên biển.

Khuất Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tin-hieu-bao-dong-khi-iran-thay-doi-chinh-sach-hat-nhan-303210.htm
Zalo