Cái bắt tay lịch sử của hai cường quốc Nga và Mỹ
Sau nhiều giờ đàm phán, Mỹ và Nga đã đạt được bốn thỏa thuận quan trọng liên quan tới khôi phục quan hệ song phương và vấn đề xung đột Ukraine.
Liệu cái bắt tay giữa hai cường quốc có đem lại hòa bình thực sự cho Ukraine, khi mà không có sự tham gia của Kiev tại bàn đàm phán? Liệu đây có phải là khởi đầu cho một cuộc tái cấu trúc quyền lực toàn cầu?Kết quả bất ngờ, tốc độ chóng mặt
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao Mỹ và Nga diễn ra tại Thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út, chỉ chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Cuộc đàm phán đánh dấu bước đi lớn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Kết thúc đàm phán, hai bên đã thống nhất được một số vấn đề nguyên tắc, tạo nền tảng làm tan băng mối quan hệ song phương và giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuộc hội đàm Nga - Mỹ đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, được bắt đầu vào khoảng 10 giờ 30 phút (giờ Moscow) và kéo dài khoảng 5 giờ với 15 phút tạm dừng và nghỉ trưa.
Phía Nga có đại diện là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov và người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev.
Phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Tổng thống về Trung Đông Steven Witkoff.
Cuộc hội đàm bắt đầu trước sự chứng kiến của giới truyền thông mà không có bất kỳ lời mở màn "màu mè" nào, với mục tiêu thảo luận về việc khôi phục toàn bộ quan hệ giữa Moscow và Washington, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ và giải quyết vấn đề Ukraine.
Bản thân sự kiện này là kết quả của những ngày làm việc cật lực của giới chức hai nước từ hôm 12/2 đến nay, sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga.
Kết quả, hai bên đã đạt được thống nhất về bốn điểm quan trọng:
- Thứ nhất, khôi phục đầy đủ chức năng của các đại sứ quán tại Washington và Moscow;
- Thứ hai, thành lập một nhóm cấp cao từ phía Mỹ, sẽ giúp đàm phán và nỗ lực hướng tới việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo cách bền vững và được tất cả các bên liên quan chấp nhận;
- Thứ ba, bắt đầu thảo luận, phân tích và nghiên cứu về hợp tác địa chính trị - kinh tế có thể chấm dứt chiến tranh;
- Thứ tư, mỗi bên cử 5 người trong số những người tham dự cuộc đàm phán ở Ả Rập Xê Út tham gia vào quá trình tiếp theo để đảm bảo hiệu quả.
Lộ trình trên là tương đối rõ ràng để hai bên cài đặt lại mối quan hệ vốn đã rơi xuống mức thấp nhất, dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Với nhiều chuyên gia phân tích, kết quả này khá bất ngờ, xét trên phạm vi và tốc độ. Dù hồ sơ Ukraine được coi là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, song ngay trước cuộc đàm phán, cả Washington và Moscow đều tương đối thận trọng về bước ngoặt khi hai bên trực tiếp trong cuộc xung đột là Nga và Ukraine đều chưa tỏ ý nhượng bộ đối với những điều kiện chấm dứt chiến tranh.
Đánh giá tích cực sau hội đàm cấp cao Mỹ - Nga
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao Mỹ - Nga tại Ả Rập Xê Út đã khép lại, cùng với các tuyên bố đầy thiện chí từ cả hai bên. Theo giới phân tích, đây chỉ là những bước đi ban đầu và còn quá sớm để khẳng định về một sự "tan băng" hoàn toàn trong quan hệ Nga - Mỹ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức và bất đồng sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Mặc dù vậy, những dấu hiệu tích cực đang mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff đều đánh giá cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ là "tích cực, lạc quan và mang tính xây dựng".
Tôi tới đây hôm nay, tin rằng phía Nga sẵn sàng bắt đầu tham gia vào một quá trình nghiêm túc để xác định xem cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc nhanh như thế nào và thông qua cơ chế nào. Liệu chúng ta có thể đạt được kết quả đó hay không? Để chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào, phải có sự nhượng bộ từ tất cả các bên. Chúng ta sẽ không xác định trước những nhượng bộ đó là gì.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.
Về phần mình, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev khẳng định, đây là cuộc thảo luận rất nghiêm túc về tất cả các vấn đề hai bên quan tâm.
Tôi muốn nói rằng, con đường phía trước còn dài, chúng ta cần quản lý nhiều khác biệt để kỳ vọng được tốt hơn, nhưng đối thoại giữa hai cường quốc chiến lược trên thế giới là rất quan trọng, và thế giới giờ đây an toàn hơn nhiều khi cuộc đối thoại này bắt đầu diễn ra.
Ông Kiril Dmitriev - Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga.
Từ tư dinh ở Mar-a-Lago, bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay trong tháng 2/2025. Tổng thống Trump cũng gạt bỏ mối lo ngại của Ukraine về việc bị loại khỏi cuộc gặp giữa các quan chức Nga - Mỹ tại Ả Rập Xê Út, cho rằng Kiev lẽ ra nên đạt được thỏa thuận với Nga cách đây ba năm để ngăn chặn chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho rằng, Ukraine nên tổ chức bầu cử, đồng thời bày tỏ rằng sẽ không phản đối châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.
Trong khi đó, từ Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ukraine, EU ở đâu trong nỗ lực chấm dứt xung đột?
Sau khi được công bố, kết quả cuộc đàm phán cấp cao Mỹ - Nga ở Ả Rập Xê Út dường như nghiêng nhiều hơn về phía bình thường hóa quan hệ Washington - Moscow. Điều này không mấy bất ngờ, khi những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ đều vô tình hay cố ý không nhắc tới vai trò của Ukraine trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột này.
Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Riyadh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp đón tại Ankara. Tại cuộc họp báo chung với ông Erdogan, ông Zelensky một lần nữa nhấn mạnh rằng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cần phải tham gia vào các cuộc thảo luận về tương lai của Ukraine.
Mọi người có thể đàm phán về bất kỳ điều gì, nhưng không một quyết định nào về cách thức chấm dứt xung đột ở Ukraine được đưa ra nếu không có Ukraine. Chúng tôi không được mời tới cuộc đàm phán Mỹ - Nga ở Ả Rập Xê Út, điều này gây bất ngờ cho chúng tôi cũng như nhiều quốc gia khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước đó, ông Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng, Ukraine sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán Mỹ - Nga và không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không có sự tham gia của Kiev. Không chỉ Ukraine, các đồng minh của họ ở châu Âu cũng đang loay hoay tìm kiếm một vai trò trong tiến trình đàm phán chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm này.
Trong những ngày qua, Liên minh châu Âu và các nước NATO rơi vào trạng thái hoảng loạn khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố, sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin tại Ả Rập Xê Út, với mục tiêu đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraine.
Thông điệp này khiến EU cảm thấy bị bỏ rơi, nhất là khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth tuyên bố rằng, đã đến lúc châu Âu phải tự lo an ninh, đừng trông chờ vào Mỹ. Những tuyên bố này phá vỡ sự đồng thuận trước đây giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề an ninh, cũng như đảm bảo duy trì việc ủng hộ về mặt quân sự đối với Ukraine, đẩy EU vào thế bị động.
Lời phát biểu đầy cay đắng và hành động bật khóc tại phiên bế mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 của ông Christoph Heusgen - Chủ tịch hội nghị, có lẽ là hình ảnh khó quên của một EU bẽ bàng và giận dữ.
Hội nghị này bắt đầu như một hội nghị xuyên Đại Tây Dương, nhưng sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Vance, chúng ta phải lo sợ rằng nền tảng giá trị chung của chúng ta không còn chung như trước nữa.
Ông Christoph Heusgen - Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61.
Cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Thủ đô Paris của Pháp ngày 17/2 đã kết thúc, với lời khẳng định rằng hòa bình ở Ukraine sẽ không có nếu thiếu vắng sự tham gia của châu Âu. EU dù nhấn mạnh sẽ sẵn sàng cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine, song điều đó lại tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ. Bên cạnh đó, ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine lại vấp phải sự chia rẽ trong nội bộ các nước.
Trước cái bắt tay của hai siêu cường, một Ukraine đầy tuyệt vọng cùng một EU đang chật vật, bất ổn có thể sẽ phải đối mặt với "sự đã rồi".
Thiện chí Mỹ, Nga có chấm dứt xung đột?
Nhiều người đã kỳ vọng về cuộc gặp giữa giới chức cấp cao Mỹ - Nga, và ngay cả Hội nghị thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Trump và Putin sắp tới, sẽ là nơi có nhiều cân nhắc về địa chính trị đối với cục diện xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, những tuyên bố sau cuộc gặp cho thấy, dường như Ukraine không phải là tác nhân chính, quan trọng nhất của hai cường quốc.
Những kết quả trong cuộc gặp vừa kết thúc tại Riyadh nghiêng nhiều hơn về ý nghĩa một sự khẳng định thiện chí của Nga và Mỹ. Đây là cuộc họp cấp cao chính thức và đầy đủ đầu tiên giữa hai cường quốc trong ba năm qua, là cuộc họp đầu tiên sau hơn 40 năm mà ở đó Mỹ đã có một cuộc thảo luận, một cuộc đối thoại công nhận lợi ích của Nga cũng như giải quyết các mối quan ngại của Nga.
Trong cuộc gặp này, sự công nhận của Mỹ đối với lợi ích và mối quan tâm của Nga được đánh giá là vô cùng quan trọng. Điều này đã được hai nhân vật cấp cao nhất từ hai phái đoàn cùng chia sẻ sau hội đàm.
Chúng tôi đã trò chuyện trong khoảng một giờ về mối quan hệ song phương và tầm quan trọng của việc đảm bảo, nếu không phải là thỏa thuận hoàn toàn thì ít nhất là các cường quốc sẵn sàng trong mọi tình huống để duy trì một cuộc đối thoại chuyên nghiệp và cố gắng lắng nghe nhau, theo đó, tìm hiểu về những gì đang xảy ra và tránh mọi xung đột, khủng hoảng.
Ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga.
Nhiều người kỳ vọng vào khả năng giải quyết xung đột Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại một điều rằng, ông Trump cũng được coi là chính trị gia của hiệu ứng truyền thông ngắn hạn. Mỗi dòng tweet hay mỗi video TikTok của ông đều phản ánh đúng bản chất của thời đại truyền thông nhanh và chính trị giật gân. Với cuộc xung đột Ukraine, ở thời điểm đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong 24 giờ. Hiện tại, ông Trump cho biết đang "tự tin hơn" về việc đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Riyadh hôm 18/2 mà ông cho là "rất tốt".
Tuyên bố của ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, ước tính các công ty Mỹ đã mất hơn 300 tỷ USD khi rời khỏi thị trường Nga, trong bối cảnh Nga bị áp lệnh trừng phạt do chiến dịch quân sự tại Ukraine. Như vậy, các biện pháp trừng phạt cũng đem đến không ít thương đau cho nền kinh tế Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã nói rằng, thời điểm đơn cực đã qua và thế giới phải tiến tới đa cực. Đánh giá về cuộc gặp trên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, những vấn đề quan trọng hơn sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán tương lai, bao gồm tương lai của quan hệ song phương giữa hai cường quốc, cấu trúc an ninh của lục địa Á - Âu và phần còn lại của thế giới.
Còn đối với Ukraine, một số kịch bản đang được giới truyền thông và cộng đồng chuyên gia cân nhắc. Thứ nhất, có thể diễn ra việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô nhỏ với sự đồng ý của cả Nga và Ukraine. Thứ hai, trừng phạt bên tiếp tục gây hấn để ngăn chặn xung đột tiếp tục leo thang. Thứ ba, Ukraine không gia nhập NATO nhưng có triển vọng trở thành thành viên EU.
Hội đàm cấp cao Mỹ - Nga hôm 18/2 đã đặt nền móng để giải quyết các vấn đề gây cản trở trong quan hệ Mỹ - Nga, bắt đầu xây dựng lộ trình chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Kết quả của cuộc gặp được hai bên liên quan, cũng như nhiều nước khác, nhìn nhận một cách tích cực. Sau những diễn biến tích cực ở Riyadh, cục diện xung đột ở Ukraine sẽ đi đến đâu? Có lẽ câu trả lời sẽ phải chờ tới sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga cuối tháng này, nếu nó diễn ra theo mong muốn của Tổng thống Trump.