Tín dụng xanh vẫn 'bé tí hon'
Thiếu bộ tiêu chí xanh hay khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh là những nguyên nhân chính khiến quy mô tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế
Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỉ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỉ đồng.
Nhà băng phát triển danh mục tài chính xanh
Các ngân hàng lớn như BIDV, Agribank và Vietcombank là những ngân hàng tiên phong trong việc tham gia vào các chương trình tín dụng xanh và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nông nghiệp hữu cơ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng xanh sẽ được vay với lãi suất ưu đãi, giúp giảm chi phí tài chính và khuyến khích sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Trong đó, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu xanh trong năm 2024 để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích về môi trường. Đây cũng ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá cao với xếp hạng Medium Green.
Được biết, tổng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên của năm 2024 của Vietcombank đã tăng 10% so với cuối năm 2023, chiếm 40% tổng quy mô tín dụng. Riêng tín dụng xanh đạt gần 48.000 tỉ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm trước đó.
Còn tại ACB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết: Trong năm ngoái, ban đầu chúng tôi dự kiến quy mô tín dụng xanh chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng sau một thời gian ngắn đã giải ngân hết hạn mức tín dụng nói trên nên chúng tôi đã nâng khoản vay tín dụng xanh thêm 4.000 tỉ đồng.
"Năm nay, chúng tôi dự kiến dư nợ tín dụng xanh cũng sẽ ở mức tối thiểu nêu trên. Khi giải ngân hết, chúng tôi sẽ nâng thêm hạn mức tín dụng xanh. Lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 2%/năm so với mặt bằng chung của thị trường".
Hay như Nam A Bank cũng liên kết với một số doanh nghiệp lớn triển khai chương trình cho vay đầu tư xe điện phục vụ cho hoạt động kinh doanh với lãi suất cạnh tranh, tỉ lệ cho vay đến 90% giá trị tài sản bảo đảm, nhằm góp phần tăng trưởng tín dụng xanh.
Tại một ngân hàng 100% vốn nước ngoài như ngân hàng UOB Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc phát triển danh mục tài chính xanh, phù hợp với định hướng và mục tiêu chung của Tập đoàn UOB là đạt 41 tỉ USD tài trợ bền vững vào cuối năm 2024.
![Thiếu khuôn khổ pháp lý là một trong những lý do khiến các ngân hàng thương mại chưa thể mạnh tay mở rộng tín dụng xanh. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_114_51444006/e73ff167c5292c777538.jpg)
Thiếu khuôn khổ pháp lý là một trong những lý do khiến các ngân hàng thương mại chưa thể mạnh tay mở rộng tín dụng xanh. Ảnh minh họa
Bất cập khi mở rộng tín dụng xanh
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, song cũng đối mặt với không ít khó khăn. Chẳng hạn như hiện vẫn còn thiếu danh mục phân loại xanh và bộ tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế của Việt Nam. Do đó, đến nay mỗi ngân hàng đưa ra một bộ tiêu chí riêng cho dự án xanh. Điều này dẫn đến thực trạng có thể một dự án xanh nào đó đạt chuẩn với ngân hàng này nhưng chưa chắc đã đạt chuẩn theo tiêu chí xanh của ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, các dự án xanh luôn được vay với lãi suất thấp và thời gian vay dài trong khi nguồn vốn trung dài hạn của ngân hàng lại tương đối hạn hẹp. Cộng thêm với các dự án xanh thường có nhiều rủi ro khó lường trước, dẫn đến việc tăng quy mô cho tín dụng xanh cũng cần phải thực hiện một cách từ từ, thận trọng chứ không thể mạnh tay được. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng còn thiếu kiến thức về tín dụng xanh cũng là một trong những hạn chế khi thẩm định dự án xanh.
Chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Tại UOB Việt Nam, sau khi đánh giá tín dụng, chúng tôi có thể cho vay khoảng 60% giá trị của một dự án đủ điều kiện. Tuy nhiên, đối với các dự án xanh có mục tiêu bền vững phù hợp với định hướng của UOB, tỷ lệ tài trợ có thể được nâng hạn mức cho vay lên đến 70% giá trị dự án hoặc thậm chí cao hơn.
Ở chiều ngược lại, hạn mức cho vay có thể sẽ bị giảm một phần nhỏ tùy thuộc vào việc dự án có đạt được các mục tiêu xanh hóa đã cam kết như ban đầu hay không. Chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn và hợp tác với các chuyên gia trong ngành, mục đích giảm bớt rào cản để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh và đẩy nhanh các mục tiêu về môi trường của họ”.
Nhận xét về xu hướng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Để chuyển dịch từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh” hiệu quả, tín dụng xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ chỗ không thân thiện với môi trường sang thân thiện với môi trường.
Song có một thực tế là các doanh nghiệp hiện vẫn chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi xanh do nó đòi hỏi làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, để tối ưu hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống thay vì chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Thêm vào đó, hiện chúng ta cũng chưa có nhiều cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp nhận thấy việc chuyển đổi xanh là cần thiết”.
Trong khi đó theo Nghiên cứu triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 mà UOB vừa khảo sát tại 5 thị trường ở khu vực ASEAN lại cho thấy trên thực tế, các ưu đãi từ các tổ chức tài chính chỉ đóng vai trò tương đối nhỏ trong việc thúc đẩy các công ty đầu tư chuyển đổi sang các hoạt động xanh.
Lý giải về vấn đề trên, ông Lim Dyi Chang cho rằng, nếu các doanh nghiệp không tìm cách chuyển đổi sang các hoạt động phát triển bền vững thì các đối tác của họ, chẳng hạn như các tập đoàn đa quốc gia sẽ không mua hàng từ các nhà cung cấp không tuân thủ tiêu chuẩn về ESG.
“Để tín dụng xanh trở thành nền tảng cho sự phát triển ổn định của các tổ chức tín dụng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung phát triển một hệ thống phân loại xanh toàn diện, cung cấp các ưu đãi cho đầu tư xanh và tăng cường hợp tác công tư. Các khuôn khổ pháp lý nên khuyến khích tính minh bạch trong báo cáo phát triển bền vững và đưa ra các hướng dẫn rõ ràng cho tài chính xanh.
Bên cạnh đó, các cơ chế chia sẻ rủi ro và trợ cấp cho các dự án xanh có thể giúp giảm thiểu rủi ro tài chính, thu hút thêm đầu tư và đảm bảo rằng tín dụng xanh sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững của các tổ chức tài chính”- ông Lim Dyi Chang nêu quan điểm.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ chỗ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh năm 2017, đến nay ở Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ khoảng 650.000 tỉ đồng. Trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%.