Tín dụng xanh thúc đẩy kinh tế xanh
Trong bối cảnh các quốc gia đang thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh dần trở thành xu thế tất yếu. Tại Phú Yên, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai tín dụng xanh nhằm hướng đến mục tiêu kép: tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
HƯỚNG DÒNG VỐN ĐẾN CÁC DỰ ÁN XANH
Là doanh nghiệp chuyên trồng rừng, Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm (TX Đông Hòa) đã triển khai nhiều dự án trồng hàng trăm hecta rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
“Với mục tiêu phủ xanh đất trống, Cao Nguyên Lâm không chỉ dừng lại ở việc trồng rừng mà còn hướng đến sứ mệnh lớn lao hơn là góp phần giảm lượng khí thải carbon, tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Điều chúng tôi trăn trở nhất chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Ngay khi biết đến nguồn tín dụng xanh mà Agribank Phú Yên đang triển khai, doanh nghiệp đã liên hệ để được tiếp cận”, ông Hà Xuân Hùng, đại diện Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm cho biết.
Được Agribank Phú Yên giải ngân cho vay, Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm đã hoàn tất các thủ tục để thực hiện dự án trồng 160ha rừng ở xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) và 90ha rừng ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa). Mùa xuân này, những vạt rừng 2-3 năm tuổi do Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm trồng ở các xã này đang dần phủ xanh các vùng đất trống. Những tán cây non phát triển xanh mướt là minh chứng cho hiệu quả của dòng vốn tín dụng xanh.
Theo ông Trương Văn Vũ, Phó Giám đốc Agribank Phú Yên, xác định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững, Agribank ưu tiên tài trợ các dự án năng lượng sạch, nông nghiệp carbon thấp, và công nghệ thân thiện với môi trường.
Ngân hàng cũng tham gia các dự án quốc tế về bảo vệ môi trường; đồng thời ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và thành lập Ban chỉ đạo ESG để phát triển tín dụng xanh, thu hút nguồn vốn quốc tế. Hiện dư nợ tín dụng xanh của Agribank trong các lĩnh vực lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh tăng trưởng ổn định.
“Thực hiện chỉ đạo của Hội sở chính, Agribank Phú Yên đã triển khai các chương trình, chính sách tín dụng liên quan đến tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm 30/9/2024, chi nhánh đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 3 dự án, với tổng số tiền 60,8 tỉ đồng; dư nợ đến thời điểm hiện tại là 18,7 tỉ đồng”, ông Trương Văn Vũ cho biết.
Là ngân hàng chủ đạo, chủ lực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Vietcombank dành sự quan tâm cũng như nguồn lực để phát triển, tăng trưởng lĩnh vực tín dụng xanh, năng lượng tái tạo, cho vay phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank Phú Yên cho hay: Vietcombank luôn ưu tiên nguồn vốn để cho vay các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Điều này được thể hiện qua việc dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng tăng trưởng ổn định qua từng năm. Đối với Vietcombank Phú Yên, chi nhánh đang cho vay tín dụng xanh đối với 1 dự án, dư nợ hiện tại là 66,28 tỉ đồng.
HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ĐỂ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG XANH
Những năm gần đây, theo xu hướng phát triển chung của thế giới, tín dụng xanh, cho vay phát triển bền vững là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện các ngân hàng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai tín dụng xanh.
“Một trong những thách thức lớn là thiếu danh mục phân loại xanh chính thức, dẫn đến không có sự đồng nhất trong ký hiệu các dự án xanh giữa các cơ quan quản lý và tổ chức tín dụng; gây khó khăn trong việc nhận diện và áp dụng các tiêu chí phù hợp. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh chưa được cụ thể hóa, phần lớn mang tính định hướng, không mang tính chất bắt buộc. Điều này khiến nhiều ngân hàng, bao gồm cả Agribank, gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy trình thẩm định và xác định các tiêu chí rõ ràng cho các dự án xanh”, ông Trương Văn Vũ chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết thêm: Việc đầu tư cho các dự án xanh yêu cầu chi phí cao, thời gian hoàn vốn dài. Trong khi hiện nay, nguồn vốn huy động thường ngắn hạn; các chính sách ưu đãi về nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất ưu đãi của các tổ chức quốc tế cũng như từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan bộ ngành lại chưa được ban hành hoặc chưa được tiếp cận rộng rãi. Ngoài ra, kiến thức, kinh nghiệm về tín dụng xanh của cán bộ ngân hàng còn hạn chế cũng làm giảm tính hiệu quả trong việc triển khai lĩnh vực này.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank Phú Yên Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng ngân hàng cần tăng cường nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng xanh với chính sách lãi suất và thời gian cho vay linh hoạt, phù hợp với đặc thù của các dự án xanh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đồng thời tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng để đánh giá hiệu quả các dự án xanh.
Còn theo Phó Giám đốc Agribank Phú Yên Trương Văn Vũ, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể liên quan đến phân loại xanh, tiêu chí đánh giá dự án xanh để ngân hàng dễ dàng xác định các khoản vay đủ tiêu chuẩn. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích cụ thể, chẳng hạn như ưu đãi lãi suất cho các khoản vay liên quan đến dự án xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch… Bằng cách triển khai những giải pháp này, Agribank và các ngân hàng khác có thể đóng góp tích cực vào tăng trưởng tín dụng xanh.
Tín dụng xanh là hình thức cho vay nhằm hỗ trợ các dự án và hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững.