Tín dụng xanh, đòn bẩy cho ngành thủy sản xanh và hiện đại
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, các doanh nghiệp đang tìm đến nguồn vốn tín dụng xanh.
Ngân hàng UOB Việt Nam và Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) vừa ký kết thỏa thuận tín dụng xanh, mở ra cánh cửa cho mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững. Với nguồn vốn này, NAVICO sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ hiện đại và chuỗi cung ứng xanh, đón đầu xu hướng kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch.
Hợp tác thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững
Đánh giá về vai trò của tín dụng xanh, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp (UOB Việt Nam) cho biết: "Khi các hoạt động bền vững ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh doanh, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. UOB cam kết không chỉ cung cấp các giải pháp tài chính mà còn chia sẻ chuyên môn để giúp doanh nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu kinh doanh đồng thời nâng cao tính bền vững.
Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản, cần nguồn lực tài chính vững mạnh và sự hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu”.

Tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trên hành trình phát triển bền vững của ngành thủy sản. Ảnh: T.L
Từ góc nhìn của doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc NAVICO, cho biết: "Trong nhiều năm qua, NAVICO đã đầu tư mạnh mẽ vào mô hình chuỗi cung ứng tích hợp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và cam kết trách nhiệm với môi trường. Việc được tiếp tục hợp tác chiến lược với UOB Việt Nam để mở rộng nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất bền vững, góp phần đưa ngành thủy sản Việt Nam tiến xa hơn trên thị trường quốc tế".
Tính đến tháng 4-2025, UOB Việt Nam đã tài trợ 19 dự án tài chính xanh trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất, nông nghiệp và thủy sản bền vững.
Ngân hàng vừa cấp tín dụng xanh vừa 'run'
Là một ngân hàng có tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp lớn nhất trong hệ thống, Agribank đã dành gói tín dụng với quy mô lên đến 10.000 tỉ đồng cho vay tín dụng xanh dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay thấp hơn tối đa 1,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường của Agribank.
Tại Agribank, trong khoảng 42.500 khách hàng còn dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh có đến 96% tổng số khách hàng (40.736 khách hàng) hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp bền vững. Giá trị lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.805 tỉ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng xanh tại Agribank và đứng thứ hai về tỉ trọng. Dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đứng đầu với giá trị cho vay 15.330 tỉ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh. Thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỉ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Tương tự, ngân hàng BIDV cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng xanh với tổng quy mô lên tới hơn 19.000 tỉ đồng, mang lại những cơ hội tài chính hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo công trình, các lĩnh vực dệt may và sản xuất nước sạch.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả ESG tại Agribank và chiến lược ngân hàng xanh của Agribank có thể thực thi, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.
Đồng thời, đại diện Agribank kiến nghị xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp. Qua đó, tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó không cấp hoặc hạn chế tín dụng mới đối với những dự án tác động xấu đến môi trường.
Theo bà Hà, Chính phủ có thể cân nhắc chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, ưu tiên về room tín dụng hay chính sách dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả, được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.