Ngân hàng của các nhà tài phiệt

Các ông chủ ngân hàng trên thế giới bắt đầu nghĩ tới một hệ thống lớn mạnh hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Thành lập năm 1930, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ra đời đúng thời kỳ cuộc đại khủng hoảng trên toàn thế giới diễn ra nghiêm trọng nhất. Với tình trạng đó, các ông chủ ngân hàng trên thế giới bắt đầu nghĩ tới một hệ thống lớn mạnh hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ý tưởng xây dựng một ngân hàng của các nhà tài phiệt đã ra đời. Khi được thành lập, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế hoạt động chủ yếu dựa trên Hiệp định The Hague năm 1930.

Theo đó, nó hoạt động hoàn toàn độc lập với Chính phủ các nước, được miễn nộp thuế bất kể trong thời chiến hay thời bình. Ngoài ra, nó chỉ thực hiện giao dịch tiền gửi của các ngân hàng trung ương các nước với một mức phí thu khá cao.

Vào thập niên 30-40 - thời điểm nền kinh tế thế giới đang suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng, khi ngân hàng trung ương của các nước châu Âu đua nhau gửi vàng vào Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - cũng là lúc các món nợ thanh toán quốc tế và bồi thường chiến tranh nhất loạt được tiến hành giao dịch thông qua Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Người vạch ra toàn bộ kế hoạch này chính là Hjalmar Schacht của Đức. Năm 1927, chính Hjalmar Schacht cùng với Strong của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York và Norman của Ngân hàng Anh đã bí mật bàn nhau vạch kế hoạch làm rớt giá thị trường cổ phiếu vào năm 1929.

 Siêu ngân hàng đặt tại Thụy Sĩ. Ảnh: Central Banking.

Siêu ngân hàng đặt tại Thụy Sĩ. Ảnh: Central Banking.

Đến đầu những năm 30, Hjalmar Schacht đi theo con đường Chủ nghĩa Phát xít. Còn mục đích của việc thành lập ra Ngân hàng Thanh toán Quốc tế là tạo ra một sân chơi bí mật cung cấp tài chính cho ngân hàng trung ương các nước. Trên thực tế, trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các Ngân hàng quốc tế của Anh và Mỹ đã thông qua sân chơi này để cung cấp một lượng tài chính lớn cho Đức Quốc xã, nhằm giúp Đức kéo dài thời gian tham chiến hết mức có thể.

Sau khi Đức tuyên chiến với Mỹ, hàng loạt vũ khí tối tân của Mỹ dưới danh nghĩa của các nước trung lập được vận chuyển vào Tây Ban Nha và Pháp trước khi được chuyển tới Đức. Rất nhiều giao dịch tài chính trong các vụ việc đó đều thực hiện qua Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thanh toán Quốc tế lại do chính các nhà tài phiệt ngân hàng của hai bên tham chiến dựng nên, gồm có: Thomas Harrington McKittrick của Mỹ và Hermann Schmitz - nhân vật đầu não của IG Farben (Interessengemeinschaft Farbenindustrie AG) trong ngành công nghiệp thời Đức Quốc xã, nhà tài phiệt ngân hàng Đức - Nam tước Clemens Freiherr von Ketteler, cùng với Walther Funk và Emil Puhl của Ngân hàng Đức Quốc xã do chính Adolf Hitler chỉ định.

Tháng 3 năm 1938, sau khi chiếm được Áo, quân Đức đã vơ vét hết sạch vàng của Vienna. Lượng vàng này cũng như lượng vàng thu gom ở Tiệp Khắc và các quốc gia châu Âu khác được quân Đức mang gửi vào kho vàng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Thành viên người Đức trong Hội đồng Quản trị đã cấm thảo luận đến vấn đề này trong các cuộc họp hội đồng.

Trước đó, số vàng của Tiệp Khắc khi chưa bị Đức chiếm đóng đã được chuyển đến Ngân hàng Anh, nhưng khi đến chiếm đóng, quân phát xít đã ép Ngân hàng Tiệp Khắc đòi lại số vàng này. Norman của ngân hàng Anh lập tức đồng ý. Kết quả, Đức dùng số vàng đó để mua một lượng lớn vũ khí cho chiến tranh.

Ngay khi được một nhà báo Anh tiết lộ ra ngoài, thông tin này lập tức khiến dư luận hết sức chú ý. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry McKensey đã đích thân gọi điện thoại cho John Simon - Bộ trưởng Tài chính Anh - để xác minh thông tin, nhưng Simon phủ nhận ngay. Sau này, khi được hỏi về vấn đề này, Thủ tướng Chamberlain đã kiên quyết phủ nhận chuyện đó. Sở dĩ Chamberlain trả lời như vậy bởi ông chính là một cổ đông lớn của Imperial Chemical Industries - một bạn hàng thân thiết của IG Farben thời Đức Quốc xã.

Cochran - người được Bộ Tài chính Mỹ cử đến điều tra tình hình Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - miêu tả mối quan hệ đối đầu giữa Ngân hàng Thanh toán Quốc tế với Đức Quốc xã như sau: “Bầu không khí Basel hoàn toàn hữu nghị. Hầu hết các nhà tài phiệt ngân hàng hàng đầu đều đã quen biết nhau nhiều năm. Việc gặp lại nhau đều khiến tất cả họ cảm thấy vui mừng vì mỗi lần như vậy, họ đều thu về một khoản lợi nhuận lớn.

Trong số họ có người đề xuất cần phải dẹp bỏ những mối bất hòa giữa đôi bên. Có lẽ họ nên đi câu cá cùng Tổng thống Roosevelt, bỏ bớt tính kiêu ngạo và mâu thuẫn cá nhân với nhau để cùng tiến tới một bầu không khí dễ chịu hơn, cũng như để có thể giúp mối quan hệ chính trị phức tạp trước mắt trở nên đơn giản hơn.”

Sau này, khi bị buộc phải thừa nhận rằng số vàng của Tiệp Khắc đã được chuyển giao cho Đức Quốc xã, Ngân hàng Anh giải thích rằng: Đó chỉ là giao dịch nghiệp vụ, còn số vàng đó chưa từng xuất ra khỏi nước Anh. Tất nhiên, với sự tồn tại của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thì chỉ cần thay đổi một vài chữ số trên phiếu ghi thanh toán là việc vận chuyển vàng cho Đức Quốc xã sẽ diễn ra suôn sẻ.

Qua đó chúng ta mới thấy thán phục tài năng của Hjalmar Schacht - người đã thiết kế ra sân chơi tài chính khéo léo đến như vậy năm 1930...

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngan-hang-cua-cac-nha-tai-phiet-post1547480.html
Zalo