Tín dụng xanh đối mặt 'cơn gió ngược'

Nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam vẫn ở mức hạn chế, song đang đối mặt với nhiều thử thách.

 Tín dụng xanh đang tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Tín dụng xanh đang tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Nhu cầu đầu tư xanh lớn

Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho biết, trong giai đoạn 2025 - 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm 233 tỷ USD cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, trong các lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng giao thông và các biện pháp xử lý căng thẳng do nhiệt độ cao. Trong đó, đầu tư tăng thêm cho các biện pháp thích ứng với nhiệt độ tăng là 172,7 tỷ USD, tương ứng bình quân 0,5% GDP mỗi năm; đầu tư về hạ tầng 38,6 tỷ USD, tương ứng bình quân 0,15% GDP mỗi năm; đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp 21,7 tỷ USD, tương ứng bình quân 0,1% GDP mỗi năm).

Nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sau cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (NetZero). Theo Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Việt Nam ước tính các hoạt động kinh tế xanh tạo ra 6,7 tỷ USD, tương đương 2% tổng GDP, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 - 13% trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong thập kỷ qua, Việt Nam bắt đầu tận dụng các cơ hội tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực năng lượng, chế biến chế tạo…

Về nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm, nguồn huy động quốc tế Chính phủ đều đặt yêu cầu trọng tâm phải thúc đẩy tín dụng xanh đáp ứng nhu cầu vốn chuyển đổi nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng theo đó có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và tốc độ.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ con số dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.000 tỷ đồng trong năm 2017, đến ngày 31/3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

“Tính đến ngày 31/3/2025, có 57 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024, với số món được đánh giá rủi ro môi trường - xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017”, bà Tùng thông tin.

Ngân hàng hiện đang chiếm thị phần tín dụng xanh lớn nhất toàn ngành là BIDV. Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV thông tin, giai đoạn 2019 - 2024, tín dụng xanh của nhà băng này có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đến cuối năm 2024, BIDV đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng, với gần 2.000 dự án, tổng dư nợ đến ngày 31/12/2024 đạt xấp xỉ 81.000 tỷ đồng (đóng góp khoảng 11,2% toàn hệ thống).

Đối mặt “cơn gió ngược”

Nhu cầu vốn cho chuyển đổi xanh của Việt Nam là rất lớn và dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm qua, song tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng quy mô tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn ở mức khá khiêm tốn. Đáng chú ý, những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính thế giới đang tạo ra những thách thức nhất định với hoạt động tín dụng xanh ở trong nước.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết khá băn khoăn khi 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ (JP Morgan, Morgan Stanley, Bank of America, Citi Group, Goldman Sachs và Wells Fargo) đồng loạt rút khỏi Liên minh Ngân hàng NetZero.

Nhìn nhận về hiện tượng này, ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA Toàn cầu cho rằng, đang có những thay đổi trong suy nghĩ và hành động trên thế giới về ESG. Tuy nhiên, theo ông Mike Suffield, đây không phải là thách thức đối với ESG hay phát triển bền vững trên thế giới, mà là bằng chứng về thách thức của quốc gia, chính phủ và các tổ chức.

“Chúng ta đang gặp cơn gió ngược trên thế giới, nhưng phát triển bền vững vẫn là nội dung chủ chốt hàng đầu trong các chương trình nghị sự”, ông Mike Suffield nói.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings, việc nhiều định chế tài chính của Mỹ rút lui khỏi Liên minh Ngân hàng NetZero là câu chuyện mang màu sắc chính trị nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động phát triển bền vững trên toàn cầu, ví dụ như trái phiếu xanh.

Theo Ngân hàng Thế giới, kịch bản có khả năng xảy ra nhất, biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể dẫn đến thiệt hại ở mức 9,1% GDP so với kịch bản cơ sở trong những năm 2030, tăng lên đến 12,5% vào năm 2050. Mức thiệt hại tăng cao nếu không có hành động thích ứng theo thời gian có thể cản trở Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là do tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu, dẫn đến những thiệt hại liên quan đến giảm năng suất lao động, tổn thất về cơ sở hạ tầng và tác động đến nông nghiệp.

Để thúc đẩy tín dụng xanh nói riêng, tăng trưởng xanh nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động hiện nay, ông Trần Phương đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm có quy định cụ thể về phân loại xanh, xác nhận dự án xanh quốc gia và đặc biệt cần nghiên cứu thêm những quy định về quản lý rủi ro xã hội cũng như là quản lý rủi ro khí hậu… bên cạnh việc ban hành các chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét có những chính sách hỗ trợ khuyến khích về việc tính nguồn vốn cung ứng cho các dự án đầu tư xanh, sử dụng cho các dự án xanh có thể chiết trừ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

“Cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với mức độ cấp tín dụng xanh, đồng thời, xem xét các gói hỗ trợ lãi suất khi đầu tư vào các dự án xanh”, ông Phương kiến nghị.

Trong khi đó, đề xuất được ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó tổng giám đốc Agribank đưa ra, “các bộ, ngành tích cực kết nối và hỗ trợ ngành ngân hàng tiếp cận nhiều hơn nữa các quỹ tài chính và gói hỗ trợ đối với tín dụng xanh của các tổ chức trên thế giới”.

Được biết, tại Agribank, với tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024. Trong quý I/2025, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng (trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp xanh).

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-xanh-doi-mat-con-gio-nguoc-post369949.html
Zalo