Tín dụng tiêu dùng tăng tốc, hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế
Hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2025, phản ánh xu hướng phục hồi tiêu dùng và nhu cầu chi tiêu của người dân tăng.
MB và F88 hợp tác mở rộng dịch vụ tài chính
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2, tính đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn đạt 1,137 triệu tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2024. Riêng trong tháng 3, mức tăng đạt 1,6% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2, cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong quý I/2025 không chỉ cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 mà còn vượt trội so với xu hướng của các năm trước (năm 2023 chỉ tăng nhẹ 0,7%; cùng kỳ năm 2024 tín dụng tiêu dùng từng giảm 0,9%). Sự khởi sắc này phản ánh diễn biến tích cực của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hoạt động thương mại, dịch vụ, tiêu dùng và du lịch được phục hồi rõ nét ngay từ đầu năm.

Tín dụng tiêu dùng tăng tốc tạo đà cho tiêu dùng phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh - Ảnh: Đ.Hải
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tiêu dùng thực
Một điểm đáng chú ý là tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng gắn chặt hơn với các hoạt động thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho vay mua nhà để ở, sử dụng cho mục đích tiêu dùng – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng đạt 688 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm ngoái. Mặc dù mức tăng trưởng không mạnh như các nhóm khác, song đây vẫn là trụ cột chính, chiếm 60,5% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Sự ổn định và duy trì tăng trưởng của phân khúc này tiếp tục hỗ trợ thị trường nhà ở và các chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ.
Trong khi đó, nhóm cho vay phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng – bao gồm thương mại, dịch vụ và du lịch – chiếm 39,5%, tăng 4,5% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, nhóm cho vay mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, đạt 8,7%, chiếm 15,1% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Diễn biến này cho thấy nhu cầu mua sắm tăng, tạo lực đẩy cho sản xuất – thương mại hàng hóa. Trong quý I và tháng 4/2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng mạnh. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng tới 28,7% so với cùng kỳ năm trước là một con số ấn tượng, phản ánh sức mua của người dân đang phục hồi rõ rệt.
Tín dụng tiêu dùng vì thế đóng vai trò kép, vừa là động lực, vừa là kênh hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng tiêu dùng nội địa, từ đó lan tỏa tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại dịch vụ.
Chính sách tín dụng linh hoạt, sản phẩm hiện đại
Đại diện NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, bên cạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng với sự phát triển đa dạng của các sản phẩm cho vay tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng – đặc biệt là sự ứng dụng công nghệ tài chính hiện đại, cũng là những yếu tố thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững.
Các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua nền tảng số, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ tới nhóm khách hàng đại chúng – những người có nhu cầu vay vốn cho mục đích sinh hoạt, mua sắm, nhà ở…
Theo ông Lệnh với đà phục hồi của nền kinh tế và xu hướng tăng trưởng ổn định của tiêu dùng nội địa và đặc biệt là mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, tín dụng tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong những tháng tới. Đây không chỉ là động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Thành phố, mà còn là công cụ tài chính hữu hiệu góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tiêu dùng nội địa – một trụ cột ngày càng rõ nét trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.