Tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm – triển vọng sắp tới ra sao?

Hoạt động cho vay lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng thị trường bất động sản sẽ khả quan hơn trong giai đoạn tới. Ngoài ra, với các dự án đầu tư công được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, có lẽ cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực xây dựng.

Dư nợ của nhóm xây dựng tăng 0,88% lên hơn 1,2 triệu tỉ đồng trong tháng 1 năm nay. Ảnh: N.K

Dư nợ của nhóm xây dựng tăng 0,88% lên hơn 1,2 triệu tỉ đồng trong tháng 1 năm nay. Ảnh: N.K

Tích cực từ đầu năm

Theo chia sẻ từ đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng toàn ngành đến ngày 12-3-2025 tăng trưởng 1,24% so với cuối năm 2024. Đây được xem là kết quả đầy tích cực nếu nhìn vào mức tăng trưởng rất thấp hoặc thậm chí tăng trưởng âm của các tháng đầu năm trong những năm trước đây. Như năm 2024, tín dụng hai tháng đầu năm giảm 0,74%.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong năm 2025 lên đến 16% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động cho vay, từ đó các ngân hàng cũng mạnh dạn tăng cường giải ngân vốn đầu ra ngay từ giai đoạn đầu năm, thể hiện qua kết quả tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.

Như tại Nam A Bank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong quí đầu năm nay ước đạt trên 4%.

Tín dụng tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay cũng là nhận định trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS), đóng góp lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận 15% trong quí 1 năm nay so với cùng kỳ năm 2025 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của công ty này. Theo đó, MBS dự báo tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể đạt 4% tại thời điểm cuối quí 1, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,9% của cùng kỳ năm 2024, chủ yếu vẫn sẽ được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp. 4-5% là mức tăng trưởng tín dụng dự kiến của Sacombank, VietinBank, ACB hay Techcombank. Nhóm tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng cũng ở mức 2-3% gồm BIDV, OCB hay VIB, trong khi Eximbank có thể đạt mức hơn 5% do đẩy mạnh các gói cho vay lãi suất thấp.

Dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2024 tăng trưởng lên đến 12%, đạt mức 3,2 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế là 15,6 triệu tỉ đồng, cho thấy bất động sản tiếp tục là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ hơn từ quí 4 năm ngoái và dự báo sẽ còn tích cực hơn trong năm nay, các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức dễ chịu và nhà điều hành vẫn đang định hướng kéo giảm thêm lãi suất cho vay. Số liệu công bố gần đây của NHNN cũng cho thấy dòng vốn tín dụng đang tích cực rót vào các hoạt động sản xuất thực của nền kinh tế.

Cụ thể, cập nhật gần nhất từ trang web của NHNN cho thấy trong mức tăng trưởng tín dụng 0,55% của toàn ngành trong tháng 1 đầu năm nay, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng vượt bậc lên đến 1,34%. Trong đó, dư nợ của nhóm công nghiệp tăng 1,54% lên gần 2,72 triệu tỉ đồng; nhóm xây dựng tăng 0,88% lên hơn 1,2 triệu tỉ đồng. Nếu nhìn lại mức sụt giảm 0,97% ở dư nợ nhóm xây dựng và chỉ tăng 0,29% ở dư nợ nhóm công nghiệp của cùng kỳ tháng 1 năm ngoái, mới thấy xu hướng đang thay đổi tích cực ra sao.

Cần lưu ý rằng hoạt động cho vay trong lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng thị trường bất động sản sẽ khả quan hơn trong giai đoạn tới. Ngoài ra, với các dự án đầu tư công được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, có lẽ cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực xây dựng.

Triển vọng sắp tới?

Theo dự báo gần đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong năm nay ước đạt 15% hoặc cao hơn, nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và tâm lý tiêu dùng được cải thiện. Nhiều ngân hàng thời gian gần đây đã liên tục triển khai các gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4-5,5%/năm, phần nào kích thích cầu tín dụng cho vay mua nhà, từ đó giúp cải thiện thanh khoản thị trường bất động sản.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2024 vừa qua tăng trưởng lên đến 12%, đạt mức 3,2 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế là 15,6 triệu tỉ đồng, cho thấy bất động sản tiếp tục là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Còn theo chia sẻ của đại diện NHNN TPHCM gần đây, tín dụng cho vay mua nhà để ở đã tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây, trước những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này (về giấy tờ hồ sơ pháp lý và sở hữu nhà…), cùng những gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại cho người trẻ dưới 35 tuổi vay (chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản). Đây sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Trong khi đó, tín dụng tài chính tiêu dùng sau thời gian suy yếu cũng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Theo đánh giá từ FiinRatings, trước mắt, con đường phục hồi của tín dụng tài chính tiêu dùng sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô, từ sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu, dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng. Cùng với đó, nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình - tập khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng - cũng cải thiện, bên cạnh việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm, tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

Thực tế, việc thúc đẩy số hóa của các ngân hàng trong thời gian gần đây đã giúp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, đặc biệt cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Các quy trình xét duyệt tín dụng được cải thiện, rút ngắn thời gian giải ngân và nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong khi các cơ chế xét duyệt, thẩm định ngày càng được nâng cao, cũng giúp ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn. Do đó, ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh các hình thức cho vay trực tuyến và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.

Cuối cùng, chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp là những điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn đang trong lộ trình giảm lãi suất, trong khi NHNN Việt Nam cũng có khả năng giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới nhờ lạm phát và các yếu tố rủi ro khác vẫn trong phạm vi cho phép, từ đó ngành ngân hàng có thể tăng cường mở rộng các gói tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cần nhắc lại rằng ngay từ những ngày cuối năm 2024, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Và thời gian tới, nếu ngân hàng nào sớm sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao của năm 2025, nhà điều hành có thể tiếp tục nới thêm hạn mức như trong năm 2024, thường diễn ra vào giữa quí 3 và giữa quí 4 trong năm, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tin-dung-khoi-sac-ngay-tu-dau-nam-trien-vong-sap-toi-ra-sao/
Zalo