Cải cách toàn diện để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam

Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản sẽ giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua. Tạo tiền đề quan trọng cho năm 2025 hướng tới mức tăng trưởng cao hơn nhằm đưa Việt Nam trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được quỹ đạo phát triển dài hạn mà còn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,09% - một con số vô cùng ấn tượng, vượt xa mục tiêu đặt ra từ đầu năm trong kịch bản tăng trưởng cao.

Với mức tăng trưởng này, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là mức tăng trưởng nổi bật nhất trong 13 năm qua. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm, Việt Nam vẫn thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cải cách toàn diện có thể giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao năng lực

Cải cách toàn diện có thể giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao năng lực

Bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - nhận định rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế nhờ các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, môi trường chính trị ổn định và sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, logistics. “Chúng tôi nhận thấy một làn sóng FDI dịch chuyển vào Việt Nam, đây là một tín hiệu rất tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam có mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, tạo điều kiện để trở thành trung tâm thương mại của các ngành công nghiệp,” bà Sherman đánh giá.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,6%, cao hơn mức 6,2% trước đó, và đây cũng là mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Ðông Nam Á. Theo ADB, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.

Tương tự, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 lên 6,5%. Ngân hàng Standard Chartered cũng cập nhật triển vọng tích cực với mức tăng trưởng 6,7%. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) tại Anh dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD vào năm 2025, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu thu nhập trung bình cao.

Cải cách để duy trì tăng trưởng kinh tế

Quốc hội đã nâng mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho giai đoạn 2026-2030, trong khi dự báo chính thức vẫn duy trì ở mức 6,5 - 7%.

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều biến động, căng thẳng địa chính trị leo thang và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng. Tuy nhiên, các cải cách toàn diện có thể giúp Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc và tạo động lực cho khu vực tư nhân trở thành đầu tàu tăng trưởng.

Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nếu tiếp tục theo đuổi các gói cải cách toàn diện và đồng bộ, Việt Nam có thể tăng sản lượng kinh tế dài hạn từ 1,5-3% trong vòng 2-4 năm. Tuy nhiên, để đẩy mạnh cải cách, Việt Nam cần đối mặt với những thách thức kinh tế - chính trị và đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan.

WB khuyến nghị Việt Nam triển khai các chiến lược duy trì tăng trưởng, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục điểm yếu trong lĩnh vực tài chính, nâng cao khả năng chống chịu của ngành năng lượng và thúc đẩy cải cách cơ cấu. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh đầu tư công để đối phó với thách thức kinh tế toàn cầu.

WB cũng đề xuất Việt Nam tận dụng dư địa tài khóa để mở rộng đầu tư vào hạ tầng, giao thông và năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, với dự báo duy trì ở mức khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, khẳng định sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế.

Theo đánh giá của FTSE Russell, một yếu tố có thể tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam là khả năng được nâng hạng từ thị trường chứng khoán cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Nếu đạt được điều này, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn từ các quỹ đầu tư toàn cầu, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cai-cach-toan-dien-de-thuc-day-nen-kinh-te-viet-nam.html
Zalo