Tin Công Thương 26/5: Đầu tuần, giá xuất khẩu gạo ổn định

Ngày 26/5, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.

Lĩnh vực năng lượng

Báo Chính phủ điện tử đăng tải: "Đóng điện dự án tăng cường bảo đảm điện cho tỉnh Thái Bình"

Ngày 26/5, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đã đóng điện dự án Trạm biến áp 220kV Vũ Thư và đường dây đấu nối.

Dự án Trạm biến áp 220kV Vũ Thư được xây dựng thuộc địa phận xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đường dây đấu nối đi qua địa phận các xã Tam Quang, Dũng Nghĩa, Minh Khai và Việt Hùng, huyện Vũ Thư. Quy mô chính của dự án xây dựng mới TBA 220/110/22kV gồm một máy biến áp công suất 250MVA, xây dựng mới đường dây 220kV 4 mạch đấu nối dài khoảng 1,9km.

Dự án được Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư họp cuối tháng 4/2025 đồng ý đóng điện. Dự án sau khi đưa vào vận hành sẽ tiếp nhận điện năng 220kV từ nguồn lưới điện quốc gia và từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình để cung cấp điện 110kV cho khu vực phía Nam của tỉnh Thái Bình gồm huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình và lân cận, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng phát triển của tỉnh Thái Bình và khu vực. Ngoài ra, dự án còn giúp giảm tổn thất công suất trong lưới truyền tải, tăng cường liên kết hệ thống điện khu vực, nâng cao độ an toàn, tin cậy và ổn định khi vận hành hệ thống điện khu vực và quốc gia.

Việc hoàn thành dự án vào thời điểm này là hành động thiết thực của NPMB chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ EVNNPT lần thứ IV, hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ EVN lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu

Trang điện tử Vietnamplus.vn đưa tin: "Xuất khẩu sắn - 'át chủ bài' mới cho nông nghiệp Việt Nam?"

Để định vị rõ ràng vị trí của cây sắn, lần đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm 98% về diện tích và sản lượng sắn cả nước. Các giống được trồng hiện nay là KM94, KM 140, KM 419, KM 505, HLS-11, các giống địa phương và các giống sắn kháng bệnh khảm lá được công bố lưu hành là: HN1, HN3, HN5. Tổng sản lượng sắn cả nước đạt 10,4 triệu tấn, trong đó, năng suất bình quân đạt 20,4 tấn/ha. Các tỉnh có năng suất cao là Tây Ninh (33,3 tấn/ha), Đồng Nai, BRVT (25-27 tấn/ha)…

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để định vị rõ ràng vị trí của cây sắn, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đã xác định các định hướng phát triển ngành hàng sắn đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp toàn diện để triển khai các mục tiêu đề án. Diện tích trồng sắn được duy trì từ 480.000 - 510.000ha, trong đó, diện tích sử dụng giống đảm bảo chất lượng chiếm 40 - 50%, sản lượng củ tươi đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn; tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 12 - 14,2 triệu tấn củ tươi/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD/năm.

Báo Hà Nội Mới đăng tải thông tin: "Đầu tuần, giá xuất khẩu gạo ổn định"

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá lúa gạo ngày 26/5 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít biến động, giao dịch mua bán chậm, các mặt hàng gạo và lúa tươi bình ổn so với cuối tuần. Đối với thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đi ngang so với cuối tuần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 397 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 368 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 325 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu ngày 26/5 ghi nhận sự ổn định. Ảnh: Đỗ Phong

Giá gạo xuất khẩu ngày 26/5 ghi nhận sự ổn định. Ảnh: Đỗ Phong

Lĩnh vực thương mại điện tử

Báo Điện tử Người lao động đăng tin: "VCCI cảnh báo nguy cơ từ miễn thuế hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử"

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, VCCI lưu ý tại Điều 12 Dự thảo quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống).

Theo VCCI, quy định này chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước. Bởi lẽ, phần lớn hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT có giá trị thấp, thường không quá 1 triệu đồng. VCCI thống kê trong năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14.200 tỷ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Như vậy, quy định ngưỡng 1 triệu đồng đồng nghĩa với phần lớn hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu sẽ không chịu thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, VCCI nhấn mạnh rằng, quy định trên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước khi các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hóa, còn hàng hóa thương mại điện tử lại được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, VCCI cũng thừa nhận rằng, việc xây dựng chính sách thuế nhập khẩu với hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức. Khó có thể áp dụng quy định về mã HS như hàng hóa nhập khẩu truyền thống cho hàng hóa TMĐT vì các lý do sau. Cụ thể, mỗi lô hàng thương mại điện tử thường gồm nhiều đơn hàng nhỏ, mỗi đơn hàng lại có nhiều mặt hàng với mã HS rất khác nhau.

Số lượng hàng hóa thương mại điện tử vô cùng đa dạng có thể dẫn đến khó khăn quy mô lớn trong việc xác định mã HS, làm chậm trễ quá trình giao nhận, dẫn tới hủy đơn hàng, gây thiệt hại cho người bán và sàn thương mại điện tử. Thực chất, quy định miễn thuế với ngưỡng 1 triệu đồng cũng xuất phát từ nguyên lý: chi phí hành thu với các sản phẩm giá trị nhỏ có thể lớn hơn nhiều so với số tiền thuế thu được. Để giải quyết vấn đề này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần đơn giản hóa biểu thuế cho hàng hóa thương mại điện tử. Ví dụ, có thể gộp các mã HS thành một số “giỏ hàng hóa” theo nhóm ngành hoặc công dụng, mỗi giỏ tương ứng với một mức thuế suất cụ thể. Ví dụ, giỏ 1 gồm quần áo, giày dép, hàng dệt may, bộ đồ giường; giỏ 2 gồm thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tai nghe…

Báo Công Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-265-dau-tuan-gia-xuat-khau-gao-on-dinh-389434.html
Zalo