Tín chỉ carbon rừng: Việt Nam cần đi nhanh nếu không muốn mất cơ hội bắt kịp thế giới

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng nghiêm trọng, thị trường tín chỉ carbon rừng nổi lên như một cơ hội kinh tế bền vững cho Việt Nam. Mặc dù được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng, song giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đi nhanh, đi kịp thời hơn nữa nếu không muốn mất cơ hội bắt kịp thế giới.

Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh họa

Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh họa

Những tín hiệu tích cực ban đầu

Theo Báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Với kế hoạch xây dựng thị trường carbon nội địa vào năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường quốc tế vào năm 2029, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ khí hậu toàn cầu.

Công bố Hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho thấy, Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 3.797.371 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42,02%. Do vậy, Việt Nam được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng; trong đó, các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn nhất. Giới chuyên gia lâm nghiệp ước tính, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể tham gia trao đổi trên thị trường tín chỉ carbon thế giới, từ đó có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Tín chỉ carbon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR); và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM). Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia Chương trình chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ theo cơ chế Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng thế giới (WB) từ năm 2011. Ngày 22/10/2020, Bộ NNPTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế thuộc nhóm WB đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Sau 3 năm thực hiện, năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, lĩnh vực lâm nghiệp đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tự nhiên (10,3 triệu tấn CO2) cho WB. Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 51,5 triệu USD từ WB và điều phối cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi theo quy định…

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Dù đã đạt kết quả bước đầu, song Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường Nguyễn Đình Thọ cho rằng, chúng ta cần kết nối 2 thị trường carbon tự nguyện và tuân thủ. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Những nước đi trước như Hàn Quốc đã thực hiện việc kết nối 2 thị trường này từ rất sớm, còn Việt Nam lại đang dè dặt. Trên thị trường tự nguyện, tín chỉ carbon có giá thấp. Vì vậy, kết nối giữa thị trường tuân thủ và tự nguyện hết sức quan trọng. Chưa kể, thời gian triển khai dự án carbon mất từ 12-18 tháng mới xong phần cơ sở, sau đó mất 3 năm để kiểm kê và mất 3-5 năm nữa mới có thể bán tín chỉ. Nếu kéo dài, Việt Nam khó có thể tạo sự kết nối giữa 2 thị trường.

“Đây là vấn đề lớn, tôi mong các Bộ, ngành sớm bắt tay để đưa vấn đề này vào thực tế thật nhanh. Hiện giờ, chúng ta đang quá thận trọng. Bộ NNPTNT cần đi nhanh, đi kịp thời nếu không muốn mất cơ hội bắt kịp thế giới” - ông Thọ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện Cục Lâm nghiệp Trần Hiếu Minh cũng khẳng định, hiện nay, đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ quan tâm đến chuyển nhượng tín chỉ carbon. Nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng, bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch. “Bộ NNPTNT đã thu thập ý kiến từ các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng để triển khai các hoạt động liên quan nhằm tận dụng tối đa cơ hội” - ông Minh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn lưu ý, giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải thị trường bắt buộc. Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập. “Khi chưa có thị trường chính thức, chúng ta nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế” - ông Tuấn đề nghị.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng thừa nhận, hiện Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường là những bộ luật khung để đưa ra các quy định về dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng. Tuy nhiên, chúng ta cần có các nghị định quy định chi tiết hơn. “Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, xây dựng nghị định quy định chi tiết dựa trên những kết quả thí điểm tại vùng Bắc Trung Bộ” - ông Lượng kiến nghị.

Giới chuyên gia nhận định, tiềm năng tài chính từ tín chỉ carbon rừng của Việt Nam rất lớn. Để tận dụng tiềm năng này, chúng ta cần giải quyết các thách thức về khung pháp lý, tài chính, kỹ thuật và sự tham gia của cộng đồng. Hiện Bộ NNPTNT cũng đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tin-chi-carbon-rung-viet-nam-can-di-nhanh-neu-khong-muon-mat-co-hoi-bat-kip-the-gioi-37043.html
Zalo