Hải Dương: Xây dựng 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2025

Hải Dương phấn đấu năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP đạt 30%; thu ngân sách nội địa tăng 10%...

Xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Hải Dương đã xây dựng 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu.

Một góc tỉnh Hải Dương. Ảnh: S.T

Một góc tỉnh Hải Dương. Ảnh: S.T

Cụ thể, 7 chỉ tiêu về kinh tế gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 30%; thu ngân sách nội địa tăng 10% so với dự toán; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 212 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 20,2%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10% so với thực hiện năm 2024; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%.

6 chỉ tiêu về xã hội gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mầm non 79,7%, tiểu học 98,7%, THCS 95%, THPT 90,2%. Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 33,8 giường/1 vạn dân; 13 bác sĩ/ 1 vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 còn 0,43%.

2 chỉ tiêu về môi trường gồm: 100% các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; tỷ lệ các dự án thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, các Nghị quyết, Kết luận, Chương trình, Đề án và Kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, trọng tâm thực hiện: Tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phù hợp với quy hoạch tỉnh đã phê duyệt. Trình thẩm định, phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.

Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sự phát triển bứt phá, nhanh và bền vững trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững, không phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực. Phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng, tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu.

Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao; chương trình khuyến công; sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.

Theo dõi sát tình hình, nâng cao khả năng dự báo, cung cấp thông tin tín hiệu thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại và thương mại điện tử năm 2025. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tham gia các Hội nghị giao thương, Triển lãm, hội chợ quốc tế trực tuyến... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp khuyến khích và mở rộng tiêu dùng nội địa, nhất là các sản phẩm sản xuất trong tỉnh; vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu tăng trưởng huy động vốn và tín dụng khoảng 8% so với cuối năm 2024; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% tổng dư nợ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, các chương trình tín dụng ngành, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…

Điều hành ngân sách linh hoạt, chủ động, bảo đảm các khoản chi thiết yếu, chi đầu tư phát triển tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện đầy đủ các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ cho các đối tượng nộp thuế, bảo đảm nuôi dưỡng và tạo nguồn tăng thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh đấu giá chuyển quyền sử dụng đất.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án bảo đảm chất lượng công trình và theo đúng tiến độ quy định. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách...

Tại Kỳ họp thứ 28 (kỳ họp thường lệ cuối năm) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra mới đây, ông Lê Văn Hiệu - Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương - nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua.

Trong đó, quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ngoài các nhiệm vụ như UBND tỉnh đã nêu, cần quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 10%, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao, tránh lặp lại tình trạng dồn vốn vào cuối năm.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-duong-xay-dung-15-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-chu-yeu-nam-2025-363936.html
Zalo