Số hóa vùng trồng rừng - tiêu chí quản lý rừng bền vững
Tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho rừng nguyên liệu. Số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu là bước tiến quan trọng, giúp ngành gỗ Yên Bái thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác và MSVT sẽ là đầu vào rất quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trao chứng nhận cấp MSVT rừng nguyên liệu cho 3 hộ gia đình tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Các mã số được cấp có diện tích 1,45 ha, trồng thuần keo tai tượng, keo lai và quế từ năm 2018, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu các xã Phú Thịnh, Tân Hương, Đại Đồng. Thông tin về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác bởi Hệ thống iTwood và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái chứng nhận.
Đây là MSVT rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Yên Bái, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm tại 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để triển khai cấp MSVT rừng nguyên liệu, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương, chủ rừng để lựa chọn các xã trên địa bàn huyện Yên Bình và huyện Lục Yên (do thời tiết diễn biến phức tạp, việc triển khai mới chỉ được thực hiện tại 4 xã của huyện Yên Bình là: Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương).
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn ứng dụng hệ thống iTwood cho cán bộ Chi cục, các hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và các xã thí điểm. Hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood.
Sau 2 tháng triển khai, kết quả khảo sát, thu thập và cung cấp thông tin của 465 chủ rừng là hộ gia đình đã được số hóa trên hệ thống iTwood bao gồm các thông tin về: họ tên chủ rừng; quyền sử dụng đất và thông tin cơ bản về lô rừng trồng gỗ nguyên liệu (địa chỉ lô rừng, diện tích lô rừng, diện tích cấp mã, loài cây chính, năm trồng, số cây đã trồng, chu kỳ kinh doanh, phương thức trồng, chứng chỉ rừng…). Đến nay, tổng cộng đã có 362 quyền sử dụng đất, 673 lô rừng được các hộ gia đình đăng ký lên hệ thống iTwood và được UBND cấp xã, hạt kiểm lâm cấp huyện xác minh thông tin với tổng diện tích 602,42 ha.
Theo ông Kiều Tư Giang - Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nền tảng cho việc cấp MSVT rừng là hệ thống iTwood, một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp 1 QR code, bảo đảm dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng - khai thác - thương mại. Việc cấp MSVT rừng nguyên liệu không chỉ giúp chúng ta quản lý tốt hơn các vùng trồng rừng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng. Điều này, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
"Chúng tôi xác định cấp MSVT là một yêu cầu quan trọng nhằm minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc sản phẩm và công nghệ để tạo ra sản phẩm đó. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Giang cho biết.
Phân tích sâu hơn vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, khi MSVT theo lô gỗ đi vào chuỗi cung, việc tổ chức và phát triển chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc sẽ thuận lợi hơn, chi phí ít hơn, tạo nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất, kinh doanh rừng trồng, chuyển đổi số, kết nối mạnh mẽ với thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Hải nhấn mạnh: "Số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chủ rừng trên phạm vi toàn quốc là bước tiến quan trọng của ngành lâm nghiệp, không những đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn chú trọng xây dựng công cụ quản lý lâu dài như định danh số cho tất cả các lô rừng trồng trên cả nước, bao gồm đầy đủ thông tin về chủ rừng, quyền sử dụng đất, vị trí tọa độ địa lý và hiện trạng vùng trồng rừng”.
Bên cạnh việc cấp MSVT rừng, Yên Bái cũng đang triển khai Dự án nghiên cứu thí điểm ứng dụng iTwood xây dựng mô hình kinh doanh Carbon từ rừng trồng tại huyện Yên Bình (Dự án FCBMO) do Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc tài trợ cho Việt Nam. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng tiếp nối kết quả nghiên cứu đã đạt được trong những năm 2022 và 2023 tại huyện Yên Bình.
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp và chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, đây chính là đòn bẩy kích thích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân, nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã phát triển một cách vượt bậc, góp phần giải quyết một lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh. Tiềm năng về lâm nghiệp của tỉnh còn rất lớn, nhất là khi chúng ta tham gia vào thị trường xuất khẩu nguồn nguyên liệu gỗ ra thị trường thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (Hiệp định VPA/FLEGT). Vì vậy, việc thúc đẩy cấp, quản lý cấp MSVT rừng và khởi động Dự án FCBMO sẽ giúp Yên Bái phát huy được tối đa lợi thế này, gia tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp, giúp các cấp quản lý tốt hơn lĩnh vực lâm nghiệp, hỗ trợ một cách tốt nhất cho các chủ rừng, giúp sản phẩm gỗ rừng trồng của Yên Bái khẳng định được tên tuổi, lợi thế cạnh tranh, đồng thời gắn với triển khai Đề án xây dựng Yên Bái thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành một cực phát triển lâm nghiệp ở phía Bắc.
Hết năm 2023, diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 462.536 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 63%. Theo quy hoạch tỉnh Yên Bái đến năm 2030, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 483.684 ha, trong đó rừng đặc dụng là 31.226 ha, rừng phòng hộ 136.000 ha, rừng sản xuất 316.458 ha.