Tìm về với cõi an thường

Tôi biết Nguyễn Hoài Hương từ năm 1988, lúc có một triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM của nhóm bốn họa sĩ trẻ Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường và Nguyễn Hoài Hương. Một triển lãm gây tiếng vang trong giới mỹ thuật và dư luận báo chí vào những năm tháng đầu tiên của thời kỳ đổi mới.

Nguyễn Hoài Hương trong xưởng vẽ

Nguyễn Hoài Hương trong xưởng vẽ

Tình bạn với chàng họa sĩ khởi đầu từ những bức tranh của anh mà tôi ưa thích, sau đó là nhiều công trình kiến trúc - thiết kế nội thất trải dài ở nhiều địa phương, trong số đó có những công trình tôi đã được tiếp cận, trải nghiệm. Các công trình do Hoài Hương thiết kế đều có một “hệ thống quy chiếu” về không gian và thẩm mỹ dường như không nhầm lẫn với nhà thiết kế nào khác - một không gian sống sau này phổ biến với tên gọi trang nhã và hàm súc: “Không gian Việt”. Nguyễn Hoài Hương có lẽ là một trong những người mở đường cho phong cách thiết kế ấy.

* * *

Những góc sống đẹp tại “Nguyễn Art Garden”

Những góc sống đẹp tại “Nguyễn Art Garden”

Những kỷ niệm với Hoài Hương trong gần bốn thập niên đã qua khó kể hết. Nhớ như mới hôm qua khi cùng nhau uống trà sớm mai trong ngôi nhà khiêm tốn của anh trên một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Trung Ngạn (quận 1). Hiên nhà nhìn ra một hồ cá vàng, từ đó chủ nhân khe khẽ gọi bầy cá lên cho chúng ăn. Đó là lúc họa sĩ gần như lui về ẩn cư sau những cơn va đập khắc nghiệt của nghề thiết kế.

Nhưng không lâu sau, tôi lại được mời đến xem “Nguyễn gia trang” ở ven sông Sài Gòn (quận 2) khi nó mới hình thành với những nét ban đầu song đã đậm đà một không gian Việt. Rồi nhiều dịp đến với “Nguyễn Art Garden” để chứng kiến sự phát triển và hoàn thiện của công trình này: một sự kết hợp của không gian sống với không gian sáng tác, trưng bày tác phẩm. Một sự gắn bó giữa công năng và thẩm mỹ. Một sự giao thoa nhuần nhị giữa cảnh quan và kiến trúc. Các yếu tố xanh - sạch - đẹp hiện hữu ở đây chứ không còn là khẩu hiệu thời sự. Riêng khu vực gallery là ước mơ của bao người làm nghề. Và ở đó, trong phòng trưng bày rộng lớn được trau chuốt đến từng chi tiết là tranh của chủ nhân, rất nhiều bức có kích thước khiến người xem phải kinh ngạc trước sức làm việc của tác giả, chưa nói tới giá trị nghệ thuật của chúng.

Hội họa của Nguyễn Hoài Hương thời kỳ đầu là tranh sơn dầu - chất liệu mà anh theo học và tốt nghiệp năm 1986 tại Đại học Mỹ thuật. Vài năm gần đây Hoài Hương chuyển sang làm tranh sơn mài, bước đầu có sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhiều bậc đàn anh lão luyện trong nghề, để rồi mau chóng “nhập” vào cõi tranh này. Dường như chất liệu sơn mài truyền thống mới có khả năng chuyên chở sự tinh tế trong cảm nhận và sự khéo léo của đôi tay từng làm đẹp những không gian đầy mỹ cảm. Bản lĩnh và sáng tạo, anh còn tìm tòi những mảng miếng, thủ pháp để có thể tạo dấu ấn riêng biệt của sơn mài Nguyễn Hoài Hương. Một trong những thủ pháp đó là dùng phần chóp của vỏ trứng cẩn ngược vào mặt tranh, để tạo nên vô vàn những đóa hoa đang nở rộ.

Phải nói thêm, xưởng sáng tác của họa sĩ cũng thu hút người xem chẳng kém nơi trưng bày tác phẩm. Đến đây, ngắm nhìn hàng loạt tranh đang được thực hiện qua các công đoạn bắt buộc của kỹ thuật - nghệ thuật sơn mài Việt. Những tấm vóc to tướng đã xong phần hình, đang chờ lên màu. Những bức khác đang được người giúp việc tỉ mẩn cẩn từng mảnh vỏ trứng li ti… Có lần, hỏi thăm mấy bức lần trước đến xem mới hoàn thành, được trả lời: “Có chủ hết rồi”, “À, bức đó thì một ngân hàng đã chọn vào sưu tập của họ…”.

Thế nên, sau phòng tranh “Giấc mơ” hoành tráng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hai năm trước - triển lãm mà họa sĩ đã bỏ kinh phí và công sức làm sạch và đẹp không gian trưng bày, giúp tôn vinh tác phẩm của mình - Nguyễn Hoài Hương tiếp tục giới thiệu những sáng tác mới nhất trong “Cõi an thường” vào tháng cuối năm 2024 với hơn 40 tác phẩm nhiều kích cỡ, toàn bộ là tranh sơn mài mà anh đang mê mải. Dễ nhận thấy ở “Cõi an thường” vẫn là sự tiếp nối cái mạch của những đề tài họa sĩ đã theo đuổi nhiều năm qua. Những cổng làng, cổng xóm, những mái nhà nông thôn miền Bắc, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên. Cây cầu đá bắc ngang dòng kênh với các liền chị áo tứ thân dạo bước. Các ca nương mớ ba mớ bảy trên chiếu chèo ngày hội làng. Những bầy trâu - hình tượng quen thuộc trong hội họa Hoài Hương - cùng đám mục đồng đủng đỉnh trên đường làng… Và rất nhiều hoa sen với lá sen “Vẫn biết lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen” (thơ Nguyên Sa).

* * *

“Cõi an thường” không thiếu những thể nghiệm sơn mài trừu tượng, song đậm nét vẫn là những bức tranh đầy nỗi nhung nhớ làng quê. Cõi an thường của họa sĩ là một sự trở về với ký ức, với những hoài niệm tuổi thơ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Mỹ Thuật (tháng 9/2002), Hoài Hương thổ lộ: “Hội họa đã trở thành cái nghiệp, một cái nghiệp mà suốt cả cuộc đời chẳng thể nào cởi bỏ được đối với một tâm hồn yêu hội họa như tôi”. Vẽ với anh mãi mãi là một sự trở về, một hành động mang ý nghĩa “quy cố hương” đích thực - cái cố hương sáng tạo muôn thuở của người nghệ sĩ và cái cố hương mà anh luôn hoài vọng được sống với nó; điều anh đã thể hiện xuyên suốt trong lĩnh vực thiết kế nhưng chưa đủ.

“Qua cầu”, 300 x 187 cm

“Qua cầu”, 300 x 187 cm

Cái “không gian Việt” vốn đã bàng bạc trong tranh Hoài Hương từ buổi đầu; đó là những tàu lá chuối xanh nõn xõa xuống mái tóc bạc của bà mẹ nhà quê, là đụn rơm vàng trong vườn, là những chiếc lá sen, những mái đầu đao đình làng, là cô gái bên bờ ao với chiếc yếm đào gợi cảm, là con chuồn chuồn ngô rập rờn hàng dậu…

Trong hội họa của Hoài Hương có yếu tố không gian và ngược lại, trong không gian kiến trúc - nội thất của anh in đậm dấu vết hội họa. Anh cứ lặng lẽ đi tìm những gì mình yêu thương, gắn bó, hoài vọng, mơ màng… Đến bây giờ, thành đạt hơn xưa rất nhiều lần, tuổi đã gần “tri thiên mệnh” song Hoài Hương vẫn cứ nhẹ nhàng, khoan thai và vẫn cứ mải miết tìm về…

Tìm về với “cõi an thường”.

Nguyễn Trọng Chức

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tim-ve-voi-coi-an-thuong-315854.html
Zalo