Hội họa Công Quốc Hà

Công chúng yêu nghệ thuật sẽ nhớ mãi một hội họa Công Quốc Hà với những bức tranh vẽ phố và phụ nữ mang đậm một tinh thần Hà Nội. Cũng như một người làm cho nghệ thuật sơn mài trở lên hiện đại và lấp lánh.

Họa sĩ Công Quốc Hà đang vẽ minh họa cho ấn phẩm Tinh hoa Việt số Xuân 2024. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Họa sĩ Công Quốc Hà đang vẽ minh họa cho ấn phẩm Tinh hoa Việt số Xuân 2024. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Họa sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955 tại Hà Nội. Ông là người con của phố cổ Hà Nội, là người nghệ sỹ thâm trầm, sâu sắc, tài hoa của Hà Nội. Họa sĩ Công Quốc Hà là một cựu sinh viên ưu tú của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.” Đó là lời đánh giá thỏa đáng về Công Quốc Hà, một gương mặt tiêu biểu của hội họa đương đại, trong buổi bạn bè, người thân phải đột ngột chia tay ông vừa trong tháng 12/2024.

Sau một thời gian dài sống, làm việc và sáng tạo nghệ thuật ở nước ngoài, họa sĩ trở về Việt Nam, dự định ban đầu là một thời gian ngắn. Nhưng có lẽ, quê hương đã níu bước chân người họa sĩ để ông có những năm tháng cuối đời thỏa sức tung hoành sáng tác về Hà Nội, về phố, về hoa và người đẹp. Năm 2022, Họa sĩ có cuộc trưng bày triển lãm cá nhân mang tên “Hội họa Công Quốc Hà nửa thế kỷ” tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhân dịp 75 năm thành lập Trường.

Tác phẩm “Phố” của họa sĩ Công Quốc Hà hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm “Phố” của họa sĩ Công Quốc Hà hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo nghệ thuật với nhiều nhóm nghệ thuật, tham gia nhiều trại sáng tác, thử sức ở mọi chất liệu nghệ thuật. Từ sơn dầu, sơn mài đến tượng và gốm. Cường độ làm việc, sự say mê tột cùng của ông với nghệ thuật những năm qua quả là quá gấp gáp, như một linh cảm nào đó chăng?

Sau đúng 10 năm sinh sống cùng gia đình tại Thụy Điển, định mệnh lại dẫn dắt ông, đưa ông quay về với Hà Nội để trao gửi nốt những ân tình với mảnh đất này. Không ai, trong đó có cả ông, nhìn sức sáng tạo của ông mà hình dung được con người ấy lại đột ngột dừng lại, để lại cho đời một phong cách Công Quốc Hà không trộn lẫn, một hội họa Công Quốc Hà độc đáo. Và những bức tranh đẹp khiêm nhường, như tính cách của người họa sĩ.

Họa sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955 tại Hà Nội. Năm 1979, ông tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ông là họa sĩ nổi tiếng về tranh sơn mài, được tặng nhiều giải thưởng, có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thường xuyên tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế. Năm 2005, họa sĩ Công Quốc Hà thành lập Nhà nghệ thuật Hà Nội ở Kisa (Thụy Điển) - nơi trưng bày các bộ sưu tập và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa, đặc biệt là về văn hóa Việt Nam. Từ năm 2012, ông cùng gia đình sống và làm việc ở Thụy Điển.

Các tác phẩm của họa sĩ Công Quốc Hà.

Các tác phẩm của họa sĩ Công Quốc Hà.

Năm 2024, họa sĩ Công Quốc Hà dự định thực hiện một triển lãm cá nhân với nhiều sáng tác mới, không chỉ hội họa mà còn cả điêu khắc, nhưng dự định này chưa kịp hoàn thành.

Họa sĩ Công Quốc Hà từng giành nhiều giải thưởng mỹ thuật như Huy chương vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật Metropolitan (Hội Mỹ thuật Hà Nội)…

Đối với báo Đại Đoàn Kết và ấn phẩm Tinh hoa Việt, họa sĩ Công Quốc Hà là một cộng tác viên tích cực, ông không ngần ngại vẽ minh họa cho các ấn phẩm của tờ báo, đặc biệt là báo Xuân với tất cả sự nhiệt thành của người họa sĩ.

Phố II là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Công Quốc Hà về đề tài phố cổ Hà Nội hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phố của Công Quốc Hà có những con đường, góc phố, ngõ nhỏ với kiến trúc lạ, đẹp cuốn hút tâm hồn nghệ sĩ.

Bức Phố II ghi lại cảnh hoàng hôn của một khu phố cổ Hà Nội. Chất rêu phong, cổ kính của phố cổ được tác giả thể hiện bằng những hình kỷ hà, mảng miếng tối giản nhưng đầy tính nhịp điệu, kết hợp với đường nét to khỏe đã tạo nên một bố cục hiện đại. Màu của hoàng hôn được dát vàng lấp lánh ở mái ngói, bức tường, ô cửa. Cây cối được sử dụng kết hợp và đan xen giữa màu trắng của vỏ trứng, màu xanh, màu đen, màu cam, khi đậm, khi nhạt tạo nên một tổng thể hài hòa, mang đến cho người xem sự cảm nhận ấm áp, cổ kính - là sức sống trường tồn của mảnh đất văn hiến và nét đẹp nhẹ nhàng, quyến rũ của người Hà Nội.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-hoa-cong-quoc-ha-10299152.html
Zalo