Tìm thêm bệ đỡ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Khi xuất khẩu và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chịu tác động từ cuộc chiến thương mại thay đổi hàng giờ, thì khu vực kinh tế trong nước lại tiếp tục được nhắc đến như một bệ đỡ của tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công cần phải theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm rủi ro cho khu vực này. Ảnh: Đức Thanh
Thế giới sau 90 ngày nữa
Thế giới đã thay đổi, hoạt động thương mại quốc tế sẽ thay đổi sau 90 ngày tới, bất kể các cuộc đàm phán sẽ có kết quả thế nào.
PGS-TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ ngay sau khi thông tin hoãn áp dụng thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi trạng thái tâm lý kinh tế toàn cầu. Chính sách thuế quan hiện nay của Mỹ tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trong thương mại quốc tế từ xa xưa đến hiện nay.
“Hoạt động thương mại quốc tế trên thế giới đã thay đổi. Cơ hội để trở về mức thuế quan như cũ hầu như rất khó. Mục đích của chính quyền Mỹ đã rất rõ ràng là đang muốn dùng nguồn thu từ thuế nhập khẩu để bù đắp cho khoản cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng từ giai đoạn 2017-2018 và có thể cả việc sẽ cắt giảm thuế thu nhập cá nhân trong nước”, ông Thế Anh phân tích.
Trong kịch bản này, với mức thuế quan 10% tối thiểu hiện nay và sắp tới có thể cao hơn sau các cuộc đàm phán, giá cả hàng hóa ở Mỹ sẽ tăng, gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Mỹ, từ đó tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như các chính sách của các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, 2 động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây là xuất khẩu và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cơ hội của các địa điểm đầu tư được coi là an toàn để né tránh thuế quan trọng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã không còn. Thậm chí, lợi thế của các nền kinh tế có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), lao động giá rẻ cũng sẽ bị lung lay khi thị trường Mỹ không còn rộng mở...
“Bài toán sống còn”
Cả thế giới đang phải giải bài toán về đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm trong cuộc chơi thương mại toàn cầu mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu này.
Tuy nhiên, theo GS-TS. Tô Trung Thành, đồng chủ biên Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thế chế kinh tế trong bối cảnh mới” của Đại học Kinh tế Quốc dân, vừa được công bố hôm 10/4, đây là yêu cầu sống còn của nền kinh tế Việt Nam.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2024, Báo cáo cho thấy, dù đã có sự quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau thời gian sụt giảm do dịch bệnh, nhưng tính bền vững vẫn chưa rõ. TS. Thành phân tích, nhìn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị sản xuất công nghiệp giảm nhanh. Thậm chí, trong quý I/2025, giá trị sản xuất công nghiệp dù tăng 7,32%, nhưng thấp hơn các quý I của các năm trước đại dịch...
Về lâu dài, doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh, môi trường thể chế ổn định nhiều năm, kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Nếu chính sách thay đổi quá thường xuyên, doanh nghiệp trong nước sẽ khó tính toán được đầu tư dài hạn.
- PGS-TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân)
“Điều này phản ánh tính chất gia công của nền kinh tế vẫn lớn. Trong khi đó, đóng góp cho ngành này là xuất khẩu và khu vực FDI đều đang chịu tổn thương lớn trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi”, GS-TS. Thành phân tích.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng mới - các ngành kinh tế số - vẫn rất hạn chế. Năm ngoái, theo Báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân, đóng góp vốn ICT (thành phần kinh tế số lõi, là cơ sở hạ tầng để số hóa nền kinh tế) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ khoảng 1%, trong khi tỷ lệ này ở Singapore và Thái Lan tương ứng là 14,1% và 14,8%.
Cũng phải nói thêm, trong ASEAN, độ mở của nền kinh tế Việt Nam chỉ sau Singapore. Nếu kiên định định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, hướng tới xuất khẩu, thì yêu cầu tiên quyết là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tìm các thị trường mới. Như vậy, thị trường xuất khẩu sẽ không chỉ là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., mà còn phải là Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi... và cả những thị trường đặc thù hơn.
Tuy nhiên, trong bài toán này, các chuyên gia cho rằng, việc cân nhắc giữa giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng cần phải được đặt lên hàng ưu tiên. Phân tích của các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, ngay cả khi giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm, nhưng nếu tăng được phần đóng góp của Việt Nam nhiều hơn, thì nền kinh tế sẽ được lợi hơn.
“Tăng trưởng kinh tế là phải xuất phát từ giá trị đóng góp về giá trị gia tăng. Nếu kéo dài mô hình gia công xuất khẩu, thì thị phần xuất khẩu càng lớn, rủi ro càng nhiều. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể phải chấp nhận là quy mô xuất khẩu giảm sút trong ngắn hạn, nhưng phải đạt giá trị gia tăng lớn lên, khi đó mới đạt mục tiêu tăng trưởng cao và dài hạn”, PGS-TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Với quan điểm này, PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cùng với việc rà soát, đánh giá từng ngành hàng, tiềm năng thế mạnh của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do hiện có, Chính phủ cần cân nhắc đến việc quy định về tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm khi hướng ra thị trường xuất khẩu.
“Đây là việc cần làm ngay trong khoảng thời gian 90 ngày này. Theo tôi, các quy định sắp tới của Mỹ cũng có thể sẽ liên quan đến xuất xứ sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI buộc phải tính tới các chiến lược tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm rủi ro”, PGS-TS. Thế Anh khuyến nghị.
Lời giải từ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù ngoại giao kinh tế trở nên tối quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi theo giờ để có sự chuẩn bị tâm thế cho cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, song TS. Vũ Thành Tự Anh, Chuyên gia chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, sự thận trọng của doanh nghiệp trong các kế hoạch đầu tư - kinh doanh là điều cần phải xem xét.
“Xuất khẩu và khu vực FDI đang bị tổn thương đáng kể. Tiêu dùng trong nước cũng khó tăng khi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Có lẽ kênh đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng, nhưng phải theo hướng dùng đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm rủi ro cho khu vực này”, TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị khi phân tích các động lực tăng trưởng đang được dự tính sẽ hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng rất cao được đặt ra từ đầu năm.
Vấn đề là, khu vực tư nhân cũng đang gặp khó khăn. Quý I/2025, đầu tư của khu vực này chỉ tăng 5,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui vẫn tăng. Với các doanh nghiệp đang bị tổn thất bởi chính sách thuế quan, việc chấp nhận thực tế, chấp nhận đau thương là điều buộc phải đối mặt. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này là điều cần kíp.
“Chính phủ đã ban hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, cần tiếp tục các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thời gian nộp thuế..., để doanh nghiệp có thời gian, nguồn lực sắp xếp, chuẩn bị lại các kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh, môi trường thể chế ổn định nhiều năm, kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Nếu chính sách thay đổi quá thường xuyên, doanh nghiệp trong nước sẽ khó tính toán được đầu tư dài hạn”, PGS-TS. Thế Anh đề xuất.
Các chính sách tài khóa tiếp tục được nhắc đến trong vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, song GS-TS. Tô Trung Thành cho rằng, dư địa không nhiều và cần thận trọng. Đặc biệt, các chuyên gia đang khá lo ngại rằng, trong bối cảnh hỗ trợ doanh nghiệp, có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng tiền không đổ vào sản xuất, kinh doanh, không thúc đẩy đổi mới khoa học, công nghệ. Thậm chí, nguy cơ bong bóng giá tài sản sẽ thách thức nỗ lực thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.
Đây là bài toán điều hành rất thách thức của Chính phủ không chỉ trong 90 ngày tới.