Tìm lại dấu chân Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình trên nước Mỹ

Năm 1969, Nguyễn Thái Bình là người Việt Nam duy nhất trong số học sinh nước ngoài được tuyển vào Đại học Washington. Năm 1972, anh tốt nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm và ngư nghiệp, hạng danh dự. Ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình là sinh viên học giỏi, tài hoa, được nhiều người mến mộ. Anh mê thể thao - đặc biệt môn bóng đá. Anh viết báo, nhảy đẹp, diễn thuyết giỏi...

Chưa tốt nghiệp, anh đã được một ông chủ Mỹ - công ty thực phẩm lớn đề nghị anh ký trước một bản hợp đồng để khi ra trường làm việc nơi công ty ông ta, với lương cao, ưu đãi có nhà, xe hơi riêng… Anh có một cô bạn gái mà những người bạn nói: “Nếu muốn Bình chỉ bước thêm vài bước” là có thể trở thành “phò mã” của vương quốc Thái Lan… Một tương lai tươi sáng, đang rất gần tầm tay của anh. Nhưng anh đã chọn con đường “Tôi là người Việt Nam”. Vì sự lựa chọn này, anh tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ.

Nguyễn Thái Bình trong cuộc biểu tình phản chiến ở nước Mỹ

Nguyễn Thái Bình trong cuộc biểu tình phản chiến ở nước Mỹ

Ngày 10/02/1972, Nguyễn Thái Bình cùng 10 sinh viên Việt Nam trong nhóm “Thời báo Gà” của Trung tâm Tư Liệu Việt Nam đã chiếm giữ Tòa lãnh sự Việt Nam của chính quyền Sài Gòn, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Nhóm của Nguyễn Thái Bình đưa ra tuyên bố, đòi trả tự do tức khắc cho bà Ngô Bá Thành - Chủ tịch Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, ông Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng hội sinh viên miền Nam Việt Nam, ông Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh, ông Nguyễn Xuân Lập - Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên Phật tử…

Dưới mắt nhà cầm quyền Mỹ, hành động của nhóm sinh viên Nguyễn Thái Bình được xem là rất nguy hiểm - nguy hiểm không chỉ ở Mỹ mà còn ở Việt Nam. Và cách hay nhất là trục xuất anh về bằng máy bay và mọi việc sẽ được giải quyết “gọn gàng” sau đó… Và sau đó, vào ngày 2/7/1972, trên chuyến bay Boeing 747 mang số 841 của hãng PANAM cất cánh. Nguyễn Thái Bình - một hành khách trên chuyến bay định mệnh ấy đã lường trước cái chết đã đến với mình. Phút cuối cùng bị tên tình báo William Henry Mills mặc thường phục, cùng đồng bọn nã súng, khi máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất, ném xác qua cửa sổ máy bay, Nguyễn Thái Bình vẫn không hối tiếc, khi đã chọn lựa: “Tôi là người Việt Nam”.

Bài tập sinh vật của Nguyễn Thái Bình được Thư viện trường Đại học Washington lưu giữ

Bài tập sinh vật của Nguyễn Thái Bình được Thư viện trường Đại học Washington lưu giữ

Nhà cầm quyền Mỹ gán cho Nguyễn Thái Bình hai tiếng “không tặc”, nhưng chỉ vài ngày sau, làn sóng công luận ở Sài Gòn và Mỹ đã đưa ra nhiều bằng chứng của một vụ mưu sát đê hèn. Anh như một tinh hoa bị thế lực đen tối hủy diệt, được thương tiếc khắp thế giới. Tổng hội sinh viên đã công khai lên tiếng: “Chúng tôi luôn giữ vững niềm tin như anh đã nói - anh chết đi vẫn còn các bạn, còn chúng tôi, còn cả một dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất này, sẽ tiếp tục chiến đấu và sẽ mang chiến thắng vinh quang về cho Tổ quốc”.

35 năm ngày hòa bình thống nhất (2010), Nguyễn Thái Bình được truy tặng danh hiệu “Anh hùng” cao quý. Nhưng ngay khi anh ngã xuống, Nguyễn Thái Bình đã trở thành biểu tượng của một người Việt Nam cao đẹp, tỏa sáng. Ở Việt Nam, nhiều thành phố có đường mang tên Nguyễn Thái Bình, nhiều trường học mang tên anh, Bắt đầu từ năm học 1990/1991, khởi nguồn với 40 suất nhỏ nhoi, đến nay học bổng Nguyễn Thái Bình đã trở thành một quỹ học bổng quy mô lớn, nằm trong Quỹ bảo trợ tài năng trẻ do Trung ương Đoàn điều hành, trợ giúp mỗi năm cho hàng trăm sinh viên nghèo vượt khó, hiếu học trên cả nước. Học bổng Nguyễn Thái Bình còn mang ý nghĩa như cầu nối ước mơ, truyền động lực, kết nối nhiều thế hệ trẻ vượt qua khó khăn, thách thức, sống xứng đáng với hy sinh, dâng hiến của lớp người đi trước cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc.

Bức ảnh thư viện trường Đại học Washington cung cấp về hoạt động phản chiến của Nguyễn Thái Bình trên nước Mỹ

Bức ảnh thư viện trường Đại học Washington cung cấp về hoạt động phản chiến của Nguyễn Thái Bình trên nước Mỹ

Nhưng không chỉ có thế, nhiều người trẻ trong và ngoài nước không thôi thao thức nghĩ về anh, sống tiếp ước mơ của anh, với khao khát góp tiếng nói cho hòa bình khi máu nhiều nơi trên thế giới không ngừng chảy... Năm 2023, trong chuyến đi thăm Đại học Washington (thành phố Seatle), gia đình tôi được Tiến sĩ Yudith Henchy - Trưởng khoa Đông Nam Á, trợ lý đặc biệt của Chủ nhiệm thư viện, chương trình quốc tế giảng viên liên kết trường Jackson về nghiên cứu quốc tế (Đại học Washington) tiếp đón nồng nhiệt. Nguyễn Kỳ Nam, con gái tôi đang học tiến sĩ sáng tác âm nhạc ở Đại học Florida State nhiệt tình đi theo, làm phiên dịch cho mẹ.

Chúng tôi thật xúc động khi chạm đến từng trang tư liệu về người anh hùng Nguyễn Thái Bình được thư viện trường Đại học Washington nâng niu, gìn giữ cẩn trọng, cả những bài tập sinh học của anh từ trường Nông Lâm Súc ở Việt Nam. Chị Yudith Henchy cẩn thận mở từng hồ sơ tư liệu Nguyễn Thái Bình. Tôi thật sự kinh ngạc vì ngoài những hình ảnh tranh đấu, sinh hoạt của anh, những người bạn, những lá thư, những bản nhạc Nguyễn Thái Bình sáng tác, giọng nói của anh trong cuộc biểu tình được lưu trữ... còn có những bài tập sinh vật thời học trường Nông Lâm Súc ở Sài Gòn của anh được giữ cẩn thận. Và đặc biệt, lá thư bà Lê Thị Anh - mẹ của Nguyễn Thái Bình gởi Tổng thống Nixson đề ngày 17 tháng 7 năm 1972, tức là sau 15 ngày anh Nguyễn Thái Bịnh bị sát hại khiến tôi không kìm được nước mắt.

Từng gặp bà ở Việt Nam, nghe bà kể chuyện “Tôi đặt tên con là Nguyễn Thái Bình, với niềm kỳ vọng con trai mình sẽ có một tấm lòng nhân hậu, một tương lai tươi sáng” thì tôi hiểu nỗi đau xé lòng của người mẹ khi mất đi đứa con mà bà đã đặt tất cả niềm kỳ vọng. Thật cám ơn Tiến sĩ Yudith Henchy hôm ấy đã mời thêm một số nghiên cứu sinh nghiên cứu lịch sử, để tôi được gặp Gia Quân - một người Mỹ gốc Việt đang theo học khoa lịch sử trường Đại học Washington.

Gia Quân đang làm luận án tiến sĩ về Nguyễn Thái Bình. Tôi hỏi vì sao bạn chọn đề tài này, Gia Quân bộc bạch: “Em sinh ra trong một gia đình chống cộng, vào học khoa lịch sử trường Washington. Học sử thì tiếp cận nhiều tài liệu lịch sử. Em kinh ngạc vì những việc anh Nguyễn Thái Bình đã làm. Anh rất nổi tiếng. Thế giới nhiều nước biết đến anh nhưng ngay cả sinh viên người Việt học trường đại học này cũng không biết anh, hoặc biết về anh rất lệch lạc. Em chọn đề tài này làm luận án tiến sĩ để mọi người hiểu đúng về Nguyễn Thái Bình. Có một sự thật, với tinh thần khai phóng giáo dục Mỹ, Nguyễn Thái Bình tiếp cận với những tư liệu Hồ Chí Minh ngay trên nước Mỹ...”.

Trầm Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/tim-lai-dau-chan-anh-hung-liet-si-nguyen-thai-binh-tren-nuoc-my_177478.html
Zalo