Tìm kiếm máy bay MH370 mất tích bí ẩn sắp tạo được đột phá lớn?

Công cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích bí ẩn hơn 10 năm có thể đạt đột phá nhờ công nghệ đỉnh cao, làm hồi sinh hi vọng giải mã bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.

Máy bay MH370 mất tích bí ẩn: Công nghệ đột phá trong cuộc tìm kiếm

Các cuộc tìm kiếm MH370 đến nay vẫn chưa đem lại kết quả. Ảnh: Hải quân Mỹ

Các cuộc tìm kiếm MH370 đến nay vẫn chưa đem lại kết quả. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo tờ The Times, Ocean Infinity sẽ sử dụng các tàu không người lái và robot dưới nước được vận hành từ xa qua vệ tinh. Những robot này sẽ quét đáy biển bằng sonar - công nghệ phát xung âm thanh và nhận lại tín hiệu phản hồi để dựng hình ảnh.

Các tàu Armada 78 của Ocean Infinity, với thủy thủ đoàn chỉ 16 người, sẽ vận chuyển robot tới khu vực tìm kiếm rộng hơn 15.500 km2. Đây là một cải tiến đáng kể so với các tàu tìm kiếm trước đây, vốn cần đến 40-50 người vận hành, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.

Richard Godfrey - kỹ sư hàng không vũ trụ sống tại Đức - đã phát triển công nghệ sử dụng sóng vô tuyến yếu để theo dõi hành trình cuối cùng của MH370. Dữ liệu của ông gợi ý máy bay có thể nằm ở 29,128 vĩ độ nam, gần với khu vực tìm kiếm mới.

Simon Maskell - giáo sư tại Đại học Liverpool - đã cùng Godfrey thuyết phục chính phủ Malaysia về khả năng tìm thấy MH370 nhờ vào bằng chứng và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Giáo sư Charitha Pattiaratchi - nhà hải dương học nổi tiếng - đã dự đoán chính xác nơi mảnh vỡ MH370 trôi dạt đến. Ông tin rằng, xác máy bay có thể nằm tại khu vực dãy núi ngầm Broken Ridge dưới đáy Ấn Độ Dương sâu hơn 4.800 mét.

Từ những mảnh vỡ MH370 từng được tìm thấy, các nhà nghiên cứu tin rằng, cuộc tìm kiếm lần này có cơ hội thành công cao hơn nhờ công nghệ tiên tiến và dữ liệu từ các lần tìm kiếm trước.

Blaine Gibson - luật sư người Mỹ và là người đã tìm thấy 22 mảnh vỡ của MH370 - bày tỏ sự lạc quan: "Chúng ta có dữ liệu mới, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm từ các cuộc tìm kiếm trước. Cơ hội tìm thấy MH370 giờ đây cao hơn bao giờ hết".

Công ty Ocean Infinity không chỉ nổi tiếng với cuộc tìm kiếm MH370 mà còn với những chiến công khác.

Năm 2017, công ty tìm thấy tàu chở dầu Stellar Daisy, nằm sâu hơn 3.300 mét dưới Nam Đại Tây Dương.

Mảnh vỡ MH370 được tìm thấy ở đảo Reunion năm 2015. Ảnh: Bureau d’Enquetes et d’Analyses (BEA)

Mảnh vỡ MH370 được tìm thấy ở đảo Reunion năm 2015. Ảnh: Bureau d’Enquetes et d’Analyses (BEA)

Năm 2020, Ocean Infinity phát hiện chiến hạm USS Nevada, biểu tượng của Thế chiến II, ở độ sâu gần 4.700 mét. Công ty cũng tìm thấy tàu chở hàng Grande America cùng những chiếc Porsche 911 GT2 RS quý hiếm, bị cháy và chìm vào năm 2019.

Cuộc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines lần này không chỉ là hành trình công nghệ mà còn là nỗ lực nhân đạo, nhằm mang lại câu trả lời cho gia đình 239 nạn nhân. Từ trung tâm Southampton, những con tàu và robot sẽ mở ra cánh cửa mới cho hy vọng và ánh sáng ở nơi sâu thẳm nhất của đại dương.

Lý do MH370 là bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không hiện đại

Hình ảnh mô phỏng giả thuyết MH370 gặp trục trặc, rơi xuống Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa).

Hình ảnh mô phỏng giả thuyết MH370 gặp trục trặc, rơi xuống Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa).

Một thập kỷ sau khi mất tích bí ẩn, chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines tiếp tục thu hút sự chú ý của toàn cầu và một cuộc tìm kiếm mới sắp bắt đầu.

Chính phủ Malaysia đã chấp thuận cuộc tìm kiếm MH370 do công ty tư nhân Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ triển khai theo thỏa thuận "không tìm thấy, không tính phí". Nếu xác định được xác MH370, Ocean Infinity sẽ nhận được 70 triệu USD.

Trong cuộc phỏng vấn với Radio Islam International, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Đối thoại Toàn cầu Ashraf Patel nhấn mạnh lý do vì sao MH370 vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.

"Đó là chiếc máy bay duy nhất trong lịch sử hiện đại biến mất không dấu vết, không hộp đen, không mảnh vỡ, không thi thể" - ông nói.

Chuyến bay MH370 biến mất khỏi radar 2 giờ sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, Malaysia ngày 8/3/2014. Máy bay dự kiến đi đến Bắc Kinh, Trung Quốc, chở 239 người vào thời điểm mất tích bí ẩn.

Sau nhiều năm máy bay mất tích, đã có nhiều giả thuyết xuất hiện. Nhà nghiên cứu Ashraf Patel đề cập tới cuốn sách của nhà báo điều tra Florence Deschapny - "The Disappearing Act" và gọi đây là "tiêu chuẩn vàng" về MH370. Các giả thuyết được đề cập gồm khả năng phạm tội liên quan tới lỗi kỹ thuật, động cơ địa chính trị và khả năng bị cướp máy bay.

"Có suy đoán máy bay mang theo công nghệ nhạy cảm làm dấy lên nghi vấn về sự can thiệp có chủ ý của các quốc gia hùng mạnh" - nhà nghiên cứu Patel chỉ ra.

Chuyên gia Patel nhấn mạnh những tác động sâu rộng của vụ MH370 mất tích bí ẩn với ngành hàng không toàn cầu. "Vụ mất tích MH370 nêu bật những lỗ hổng rõ ràng về an toàn và tính minh bạch hàng không toàn cầu" - ông nói.

Theo nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Đối thoại Toàn cầu, cuộc tìm kiếm được nối lại với MH370 có thể khiến các hãng hàng không và cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp tuân thủ an toàn chặt chẽ hơn.

Nhiều tiến bộ công nghệ đạt được kể từ năm 2014, trong đó có cải thiện giám sát vệ tinh, có thể hỗ trợ cuộc tìm kiếm MH370 khi được nối lại. Tuy nhiên, ông Patel nhấn mạnh tính cấp bách của việc có câu trả lời về vụ mất tích MH370, đặc biệt là thân nhân của những hành khách trên chuyến bay xấu số.

Bí ẩn MH370 không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, mà còn liên quan đến địa chính trị, trách nhiệm công nghệ và cả những lo ngại về sức khỏe toàn cầu. "Bài học từ thảm kịch này còn mở rộng đến việc ngăn chặn đại dịch và quy định về du lịch quốc tế" - ông nói.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tim-kiem-may-bay-mh370-mat-tich-bi-an-sap-tao-duoc-dot-pha-lon-172250112081423632.htm
Zalo