Tìm hướng 'vượt sóng'
Mùa đại hội cổ đông năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đối mặt với rủi ro về chính sách thương mại, đặc biệt khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng. Tìm cách hóa giải thách thức này là chủ đề được thảo luận tại nhiều đại hội.

Gỗ được nhận định là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Bản lĩnh thích nghi
Tình hình thế giới gần đây tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với nhiều đối tác thương mại. Mặc dù Tổng thống Donald Trump tạm ngừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày kể từ ngày 9/4/2025 đối với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của không ít nền kinh tế.
Gỗ được nhận định là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ, vốn đang gặp một số khó khăn khiến Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An (Gỗ Thuận An, mã GTA) ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm trong quý I/2025: doanh thu 66,3 tỷ đồng, giảm hơn 5%; lợi nhuận sau thuế gần 1,3 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Gỗ Thuận An, trong quý đầu năm 2025, lao động trực tiếp biến động, nhiều công nhân tuyển mới phải đào tạo nên năng suất thấp, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng, giá cước vận tải biển tăng cao và biến động hàng ngày, ảnh hưởng tới kế hoạch xuất hàng của Công ty, một số khách hàng dời ngày xuất hàng và thay đổi lịch xuất hàng đã xác nhận gây nên không ít khó khăn cho việc sắp xếp dây chuyền sản xuất.
Năm nay, Gỗ Thuận An đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu hơn 275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8,7 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện năm 2024. Kế hoạch này được Đại hội đồng cổ đông thông qua trước khi có thông tin Mỹ sẽ áp thuế quan ở mức cao.
Trong khi đó, dù nhận định chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh, nhưng Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (Gỗ Đức Thành, mã GDT) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 19/4 vừa qua, doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch đạt doanh thu 362 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng, tăng 11% so với mức thực hiện năm 2024.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Đức Thành cho biết, lịch sử 34 năm của Gỗ Đức Thành đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng từ khu vực đến toàn cầu, bao gồm khủng hoảng khu vực, khủng hoảng kinh tế, chính trị, dịch bệnh. Dù phải đối mặt với thử thách ở cả trong và ngoài nước, Công ty vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này minh chứng cho bản lĩnh và khả năng thích nghi của doanh nghiệp. Bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều biến động, chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng, nhưng Gỗ Đức Thành không thay đổi kế hoạch kinh doanh và tự tin với chiến lược đã đề ra.
Ngoài tập trung mảng kinh doanh lõi là sản xuất và chế biến gỗ, Gỗ Đức Thành còn có lợi nhuận từ cho thuê nhà xưởng. Hoạt động cho thuê đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của Công ty. Nối tiếp cách làm thành công này, tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư một dự án quy mô gần 12 ha, vị trí mặt tiền tại đại lộ lớn của Bình Dương, có sẵn hợp đồng thuê dài hạn.
Dự án đầu tư này có giá trị xấp xỉ 400 tỷ đồng, Gỗ Đức Thành dự kiến vay ngân hàng khoảng 50 - 60% giá trị dự án. Về lâu dài, bất động sản này có thể trở thành một trung tâm thương mại.
Chiến lược vượt sóng
Mỗi năm, doanh nghiệp lại đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nhưng bằng bản lĩnh, khả năng thích nghi, chông gai có thể biến thành cơ hội và doanh nghiệp tìm được lối đi cho tăng trưởng.
Gỗ Đức Thành đã lên kế hoạch “vượt sóng” bằng hai “chân” khi vừa củng cố vị thế, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ, vừa đẩy mạnh hoạt động cho thuê nhà xưởng. Về xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng (OEM), có cơ cấu xuất khẩu cân đối với hơn 50 thị trường, trọng tâm là châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu (Đức, Pháp, Hà Lan).
Tương tự, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư - Dệt may - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) ngày 18/4/2025 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 4.525,4 tỷ đồng, tăng 18,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 278,7 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm ngoái.
Lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, Việt Nam đã có hành động nhanh chóng để đàm phán với Mỹ, sau đó Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày nên tình hình tạm lắng xuống. Các khách hàng Mỹ của Công ty không hoãn hay hủy đơn hàng như doanh nghiệp lo ngại. Ứng biến với chính sách thuế quan mới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Dệt may Thành Công Trần Như Tùng chia sẻ, Công ty đang phát triển các khách hàng mới và mở rộng sản lượng với khách hàng cũ để tăng thị phần ở thị trường châu Âu, đồng thời nỗ lực phát triển sản phẩm xanh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường này cũng như thị trường các nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về các thị trường xuất khẩu khác, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện không có nhiều biến động, Công ty hy vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng để đạt mục tiêu kinh doanh đề ra cho năm 2025.
Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà (Năng lượng Sơn Hà, mã SHE) ngày 18/4/2025, lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2024, ngành sản xuất - kinh doanh máy nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng gặp thuận lợi là giá vật tư chính giảm, nguồn cung ứng ổn định, nhưng với ngành xe máy điện, sản lượng bán ra không hoàn thành kế hoạch do ảnh hưởng kéo dài của tình hình kinh tế sau đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp, người dân ưu tiên nguồn tài chính để tái đầu tư phục hồi sản xuất - kinh doanh, cắt giảm chi tiêu, dẫn đến sức mua toàn thị trường yếu, bán hàng gặp nhiều khó khăn. Năng lượng Sơn Hà đang tái cấu trúc mảng xe máy điện để có hướng đi phát triển mới, bền vững hơn với kế hoạch thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm xe máy điện - hiện đã có nhiều đối tác làm việc với Công ty về nội dung này.
Dù bối cảnh kinh doanh còn nhiều thách thức, nhưng Đại hội đồng cổ đông Năng lượng Sơn Hà đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt doanh thu 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, lần lượt tăng 27,2% và 23% so với mức thực hiện năm 2024.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Năng lượng Sơn Hà cho hay, hoạt động kinh doanh năm nay sẽ có nhiều điểm sáng nếu kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi phần vốn góp tại Công ty TNHH một thành viên Sơn Hà SSP Việt Nam (SSP) diễn ra thành công. SSP là một đơn vị có thế mạnh trong xuất khẩu ống thép không gỉ công nghiệp, việc hợp nhất SHE và SSP sẽ giúp Công ty tăng quy mô, tăng nguồn lực tài sản và có nhiều cơ hội tốt hơn trong hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Với ngành hàng truyền thống, Năng lượng Sơn Hà sẽ đa dạng thêm các mẫu mã, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, hậu mãi; chủ động tìm kiếm, tiếp cận, phát triển các nguồn khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm với khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng “Thái Dương Năng”.