Tìm hướng đi bền vững cho người trồng nứa, vầu ở huyện Quan Sơn

Khi người dân còn đang loay hoay chuyện giá bán không tương xứng công sức trồng, thu hoạch, thì nhiều diện tích nứa, vầu bị chết (khuy), ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập. Câu chuyện về ổn định giá nguyên liệu của hai loại cây trồng chủ lực này ở huyện vùng biên Quan Sơn vẫn chưa có hồi kết.

Người dân xã Na Mèo thu hoạch, sơ chế nứa, vầu.

Người dân xã Na Mèo thu hoạch, sơ chế nứa, vầu.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn, trên địa bàn hiện có hơn 54 nghìn ha rừng luồng, nứa, vầu, phân bố ở hầu khắp các xã, thị trấn. Trong đó, diện tích rừng nứa, vầu thuần loài là hơn 27 nghìn ha và hơn 13 nghìn ha rừng nứa, vầu hỗn giao. Các xã có nhiều diện tích cây trồng này là: Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo... Hàng năm, sản lượng khai thác và tiêu thụ đạt trên 10 triệu cây luồng và từ 5 nghìn đến 7 nghìn tấn nứa, vầu dạng nan thanh.

Có chất lượng tốt, nên cây nứa, vầu ở Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn lựa làm nguyên liệu sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc tăm mành, chân hương xuất bán ra nước ngoài. Nhờ đó mà đã có thời, cây nứa, vầu đã mang lại bát ăn, bát để cho hàng nghìn hộ dân ở huyện vùng biên này.

Anh Lương Văn Hoàn ở bản Na Mèo, xã Na Mèo, cho biết: Thời điểm trước năm 2020, mỗi tạ nan nứa, vầu được gia đình anh thu hoạch về bán cho thương lái với giá từ 250 nghìn đến 280 nghìn đồng. Có thời điểm giá bán tăng lên 300 nghìn đồng/tạ. Cao điểm có ngày mỗi lao động có thể thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.

“Trước dịch COVID-19, cây nứa, vầu thu hoạch về thì thương lái tranh nhau thu mua. Bán xong lấy tiền luôn, người dân trong bản ai cũng hào hứng trồng và chăm sóc nứa, vầu. Tuy nhiên, hiện nay, giá chỉ còn từ 130 nghìn đến 160 nghìn đồng/tạ. Chẳng nhiều người thiết tha vào rừng thu hoạch nứa, vầu nữa, do giá bán không đáng với công sức bỏ ra”, anh Hoàn chia sẻ.

Giá bán đã thấp, nhưng cũng không có nhiều thương lái đến thu mua. Dọc 2 bên Quốc lộ 217 từ thị trấn Sơn Lư lên Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, những ngày này nan nứa, vầu được bó lại chất thành đống, mốc xanh, chờ người đến thu mua, chuyên chở.

Khi người dân còn đang loay hoay chuyện giá bán, thì hàng nghìn hec-ta nứa, vầu trên địa bàn lại chết khô (khuy), khiến cuộc mưu sinh ở huyện vùng biên này đã khó lại thêm khó. Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn, đến giữa tháng 4/2025, trên địa bàn có trên 9,3 nghìn ha rừng nứa, vầu, luồng, giang bị khuy. Trong đó, các xã có diện tích rừng bị khuy lớn như: Mường Mìn, Na Mèo, Sơn Điện, thị trấn Sơn Lư... Dù là hiện tượng bình thường theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây (đối với cây luồng khoảng trên 30 năm; cây vầu, cây nứa từ 40 đến 45 năm sẽ ra hoa và chết khô), nhưng thực trạng này không những gây nguy cơ cao cháy rừng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân kể cả trong ngắn hạn và lâu dài. Bởi tính cũng theo chu kỳ sinh trưởng của cây, từ thời điểm hạt nảy mầm sẽ phải qua 5 - 7 năm nữa mới cho thu hoạch. Đồng nghĩa, người dân sẽ phải đi tìm nguồn sinh kế thay thế cho diện tích bị khuy trong những năm tới.

Trong khi đó, lượng sản phẩm nan thanh nứa, vầu trước đây còn chưa bán hết, nay người dân lại phải tận thu số cây bị khuy, khiến tình trạng rớt giá càng diễn ra thê thảm hơn. Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Trên địa bàn có hơn 1,6 nghìn ha rừng nứa, vầu bị khuy, chiếm khoảng 34% diện tích rừng nứa, vầu của xã. Do giá bán thấp, nên người dân chỉ tranh thủ thu hoạch những cây đã già về bán cho thương lái, còn cây non họ bỏ lại rừng. Tuy nhiên, việc bán nan thanh vẫn diễn ra rất chậm.

Cũng theo ông Huân, có những hộ gia đình có tới hơn 50% diện tích bị khuy, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập trong nay mai. Chuyện tìm ra nguồn sinh kế thay thế thu nhập từ diện tích nứa, vầu bị chết vẫn còn khá nan giải. Bởi thực tế, người dân nơi đây đã quen và có kinh nghiệm canh tác giống cây này, nếu muốn chuyển đổi sang mô hình kinh tế khác, cần phải có thời gian.

Mong muốn ổn định giá bán nan thanh nứa, vầu nguyên liệu tưởng dễ lại khó. Tuy rằng, trên địa bàn huyện có khoảng 70 cơ sở chế biến lâm sản, nhưng phần nhiều là hoạt động cầm chừng do khó khăn về đầu ra cho sản phẩm sơ chế. Vậy nên, chỉ một phần trong số nan thanh thu hoạch được sơ chế tại huyện, còn phần lớn được thương lái đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam...

Trong khi đó, theo ước tính, thu nhập từ nứa, vầu chiếm hơn 50% tổng thu nhập của người dân ở huyện vùng biên này. Và nhằm phát huy lợi thế, cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Quan Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thông qua tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát dọn vệ sinh rừng, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi, tạo đất tơi xốp, bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho đất để cây sinh trưởng và phát triển. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện kỹ thuật ươm hạt giống để trồng thay thế cho diện tích bị thoái hóa, bị chết. Tuy nhiên, câu chuyện về giá bán nứa, vầu vẫn là bài toán khó giải.

Ông Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn cho biết: Bên cạnh chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm bảo vệ tốt diện tích rừng nói chung và diện tích rừng nứa, vầu nói riêng, không để xảy ra tình trạng cháy rừng, huyện đã chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn, trong đó có chế biến sâu nguyên liệu nứa, vầu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân...

Bài và ảnh: Đồng Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tim-huong-di-ben-vung-cho-nguoi-nbsp-trong-nua-vau-o-huyen-quan-son-247935.htm
Zalo