Tìm hiểu vai trò và hình ảnh của người vợ trong các nền văn hóa

Công trình biên khảo chuyên sâu của tác giả Marilyn Yalom 'Lịch sử vợ' không chỉ cung cấp một bức tranh toàn diện về sự thay đổi trong vị trí và quyền lợi của phụ nữ, mà còn mở ra các cuộc đối thoại về quyền bình đẳng giới.

 Cuốn sách "Lịch sử vợ"

Cuốn sách "Lịch sử vợ"

Lịch sử vợ là một công trình biên khảo chuyên sâu của tác giả Marilyn Yalom, được dịch giả Nguyễn Thị Minh dịch sang tiếng Việt, NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành. Như một bách khoa thư, cuốn sách khám phá vai trò và hình ảnh của người vợ trong các nền văn hóa khác nhau, tìm hiểu đời sống muôn hình vạn trạng các kiểu vợ trong những cảnh ngộ, trạng thái khác nhau: Từ vợ linh mục đến vợ người đàn ông thế tục, từ vợ tổng thống đến vợ dân thường, thương nhân và thợ thủ công, từ vợ da trắng đến vợ da đen, da màu, vợ công dân tự do đến vợ nô lệ, vợ quý tộc đến vợ nông dân... qua hàng ngàn năm lịch sử.

Đi sâu vào những câu chuyện về vợ trong các xã hội từ cổ đại cho đến hiện đại, Lịch sử vợ không chỉ cung cấp một bức tranh toàn diện về sự thay đổi trong vị trí và quyền lợi của phụ nữ, mà còn mở ra các cuộc đối thoại về quyền bình đẳng giới.

Tác giả Marilyn Yalom

Tác giả Marilyn Yalom

Một điều thú vị mà độc giả sẽ tìm thấy trong Lịch sử vợ là vợ trở thành đối tượng để nghiên cứu khoa học. Bằng các khảo cứu công phu, những câu chuyện thú vị, bao quát từ thế giới cổ đại cho đến hiện đại, tác giả chứng minh vợ là một phạm trù có tính lịch sử.

"Sử tính" của vợ ít nhất gắn với hai điều. Thứ nhất, các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hình thành nên hoàn cảnh làm vợ, cùng những kiến tạo văn hóa quy định thế nào là vợ tốt/vợ xấu thay đổi theo thời gian, không gian, văn hóa. Không có một quy chuẩn duy nhất, bất biến cho điều này. Vợ bị dạy phải xấu hổ nếu bộc lộ ham muốn dục tình trong thời Trung cổ, thậm chí sau này bị mô tả như là vô tính, thì sang thời hiện đại, diễn ngôn tiêu dùng lại khiến vợ lo lắng nếu không có ham muốn. Trong thời suy thoái, vợ bị khuyên không nên đi làm, không cướp công việc của đàn ông, không làm mất đi nam tính hay sự tự tin của nam giới, thì khi chiến tranh nổ ra, người ta lại khuyến khích vợ phải ra ngoài lao động, làm việc, thế thì mới là yêu nước, yêu chồng và sớm đưa chồng trở về...

Thứ hai, cách những người vợ nhận thức về bản thân mình và xoay xở trong định chế hôn nhân, gia đình, cũng như tuân phục và thách thức các kỳ vọng, khuôn mẫu ở các thời đại cũng khác nhau.

Lịch sử vợ của Marilyn Yalom tập trung vào hình ảnh vợ trong thế giới phương Tây, nhưng rất nhiều điều thú vị trong sách có thể làm dữ liệu cho những so sánh liên văn hóa. Những vấn đề tác giả nói về tầm quan trọng của việc sinh con đối với người phụ nữ mang thân phận làm vợ suốt từ thời Kinh Thánh cho đến hiện đại có thể được hình tượng hóa trong nhiều tác phẩm văn chương, điện ảnh Việt Nam.

Có thể nói, Lịch sử vợ của Marilyn Yalom là một hành trình về các thách thức mà phụ nữ đã và đang đối mặt trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Sách giúp độc giả nhận ra những khuôn mẫu xã hội, định kiến và vai trò giới trong hôn nhân mà lâu nay bị nhiều lớp màn che phủ, giúp độc giả thấy được quá trình từ bị xem là tài sản đến trở thành đối tác bình đẳng trong hôn nhân của phụ nữ chông gai đến thế nào.

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tim-hieu-vai-tro-va-hinh-anh-cua-nguoi-vo-trong-cac-nen-van-hoa-20241102125217086.htm
Zalo